Không chỉ có uy tín trong cộng đồng, những già làng Cơ Tu ở huyện miền núi Đông Giang còn khiến đồng bào nể phục bởi hành động tình nguyện hiến phần đất của nhà mình để làng có chỗ dựng gươl mới, giữ gìn nét văn hóa truyền thống.
Già làng Alăng Vàng (89 tuổi, trú thôn Đào, xã Sông Kôn) và già làng Bh’riu Nga (52 tuổi, trú thôn Aliêng, xã A Ting, huyện Đông Giang) là hai trong số những người mà chúng tôi muốn nói đến.
Đất gươl cho làng
“Cả chục năm nay rồi, đồng bào có làm nổi một cái gươl đâu. Không có đất, muốn làm cũng khó!”. Ông Alăng Nhứt, Phó Trưởng thôn Đào (xã Sông Kôn) nói như vậy khi khi đưa chúng tôi đến khu đất vừa được san ủi chuẩn bị dựng gươl mới. Đây là khu đất được già làng Alăng Vàng hiến tặng với tổng diện tích hơn 150m2.
Gươl thôn Aliêng được dựng trên phần đất già làng Bh’riu Nga hiến tặng. Ảnh: LĂNG A CÚI |
Chúng tôi đến khi già làng Alăng Vàng đang bận rộn chuẩn bị đám cưới cho con trai út. “Làng nào cũng có gươl, làng mình không có cũng thấy xấu hổ lắm” - già Vàng bộc bạch. Ông bảo, ý định hiến đất dựng gươl cho làng của mình đã có từ lâu. Nhưng trước đây, do khu đất vườn nằm ở dốc cao nên làng chưa nhận vì chưa thể mở đường đi lên. Nay nhờ công trình xây dựng trường THCS xã, khu đất được san ủi bằng phẳng, già dành luôn một khu để làng dựng gươl. “Chừ đất đã có sẵn, chỉ đợi lúc gỗ được đưa về là dựng gươl thôi!” - ông Nhứt nói.
Cũng như ông Vàng, trăn trở trước khó khăn của thôn vì thiếu đất làm gươl, già làng Bh’riu Nga, ở thôn Aliêng (xã A Ting) đã tình nguyện hiến gần 500m2 đất vườn cạnh nhà để dân bản dựng gươl mới. Và công trình gươl thôn Aliêng đã được hoàn thành vào đầu năm 2013 trong niềm vui của dân làng. Gặp già Nga sau buổi đi rừng, vẫn nụ cười hào sảng, ông vui vẻ đưa chúng tôi đến tham quan gươl làng - công trình trọng đại nhất của thôn Aliêng. “Để chọn được chỗ dựng gươl, phải tốn công nghiên cứu. Bởi chọn đất làm gươl luôn là khâu quan trọng đối với đồng bào Cơ Tu” - già làng Bh’riu Nga cho hay.
Theo già Nga, đồng bào Cơ Tu quan niệm, vị trí gươl phải ở tim của làng - tức trên một khu đất đẹp nằm ở trung tâm của làng. Do vậy, khâu chọn đất gươl thường rất khó khăn, phải được hội đồng già làng, trưởng bản và cả nhân dân chấp thuận. “Chọn đất gươl không thể tùy tiện thích chỗ nào cũng được. Lỡ sau này xảy ra nhiều chuyện phức tạp, không gánh nổi tội với làng đâu!” - già Nga trải lòng.
Giữ “hồn làng” cho con cháu
Ngày xưa, làng Cơ Tu nào cũng có gươl. Gươl vừa là linh hồn của làng, vừa là ngôi nhà chung giải quyết mọi công việc sinh hoạt cộng đồng. Do vậy, gươl có vai trò quan trọng không thể thiếu trong đời sống làng bản của đồng bào vùng cao. Tuy nhiên, hiện nay nhiều làng bản của đồng bào Cơ Tu vẫn chưa khôi phục nét văn hóa truyền thống này một cách đầy đủ. Gươl làng vì thế nơi có, nơi không, dù được chính quyền khuyến khích dựng lại.
“Ở tuổi của già, không còn gì để mà mất nữa. Nhưng thấy xấu hổ và không yên tâm nếu một mai ra đi mà không để lại được gì cho con cháu. Hiến đất để làng dựng gươl cũng là cho con cháu cái hồn văn hóa của cha ông để mà giữ lấy!” - già Alăng Vàng chia sẻ. Dù không còn đủ sức để phụ giúp thực hiện công trình gươl sắp tới nhưng già Vàng bảo, sẽ cùng các cụ khác trong làng chỉ huy về tổng quan kiến trúc để gươl phù hợp với văn hóa truyền thống. “Những người cùng tuổi như già bây giờ không còn nhiều, giới trẻ lại ít ai học được cách làm gươl. Nghĩ mà lo. Mỗi lần phục dựng hay làm mới gươl là mỗi lần mong con cháu học được cách làm, giữ văn hóa gươl khỏi biến mất” - già Vàng mong mỏi.
Là già làng trẻ tuổi nhất huyện Đông Giang, ông Bh’riu Nga được người dân trong vùng biết đến là một nghệ nhân dân gian tài giỏi, có nhiều công trình kiến trúc độc đáo. Ông cũng chính là “nhạc trưởng” chỉ huy đám thanh niên trong làng thực hiện công trình gươl lớn và đẹp nhất vùng. Già Nga kể, mỗi lần làm gươl, già đều hướng dẫn thanh niên trong làng học cách làm theo. Những công đoạn nào khó, thanh niên không làm được, ông đích thân làm và chỉ vẽ tận tình. Anh Alăng Neng - một thanh niên thôn Aliêng bảo: “Làm gươl có rất nhiều công đoạn khó. Vậy mà không một người nào than vãn. Bởi ai cũng thích thú với cách truyền nghề của già làng Bh’riu Nga”.
“Văn hóa làng phải được nhìn từ gươl”. Câu nói ấy được già Nga nhắc đi nhắc lại nhiều lần khi trò chuyện với chúng tôi. Già Nga bảo, người Cơ Tu quan niệm, làng nào có gươl càng to, đẹp, càng khẳng định được vị thế của làng mình. “Ngày nay cách nghĩ có khác đi nhưng văn hóa gươl vẫn không hề thay đổi” - già Nga nói. Dù không nhận mình là “người thầy” của lớp trẻ thôn Aliêng trong việc truyền đạt kinh nghiệm làm gươl, nhưng tâm huyết già Nga vẫn luôn được đồng bào ghi nhận và trân trọng. Ông Pơloong Chiến - Bí thư Đảng ủy xã A Ting cho rằng, chính già làng Bh’riu Nga là người đã “thổi bùng” ngọn lửa nhiệt huyết giúp nhiều thanh niên trong vùng tiếp cận được với văn hóa truyền thống của đồng bào đang mai một dần. “Hiến đất dựng gươl, truyền kinh nghiệm chế tác,… cũng đủ để nói lên điều đó rồi” - ông Chiến nói.
LĂNG A CÚI