Giá cả lương thực thế giới đang giảm thấp nhất trong vòng 7 năm qua và được dự báo kéo dài trong nhiều tháng tới.
Báo cáo trên đây của Tổ chức Lương nông Liên hiệp quốc (FAO) mang lại tin vui cho người tiêu dùng trên toàn cầu trong bối cảnh nền kinh tế thế giới được dự báo đang hồi phục ở mức chậm. Lần đầu tiên trong nhiều năm qua, giá lương thực thế giới ở mức thấp kéo dài và ít biến động hơn. Chỉ số giá lương thực, thực phẩm của FAO hàng tháng được tính dựa trên giá cả của 5 nhóm hàng cơ bản thiết yếu trên thị trường thế giới: các loại ngũ cốc, thịt, sữa và các sản phẩm sữa, dầu thực vật và đường. Như vậy, trong tháng 8 vừa qua cho thấy các mặt hàng này sau khi tăng đỉnh điểm từ năm 2007-2011 thì nay đã giảm mạnh, ổn định trong thời gian dài, từ sau đó đến nay.
Nông dân Thái Lan tạm ngưng trồng lúa do khô hạn. (Ảnh: Bloomberge) |
FAO lý giải hiện tượng giá cả giảm là do sản lượng lương thực tồn kho trên thế giới nói chung ở mức cao, giá dầu giảm sâu và đồng USD tăng giá so với nhiều đồng tiền khác. Bên cạnh đó là do thói quen ăn uống của nhiều người thay đổi, năng suất cây trồng tăng, hiệu quả cao và tăng trưởng chậm hơn về nhu cầu. Cụ thể, chỉ số giá lương thực của FAO trong tháng 8 vừa qua đạt 155,7 điểm, giảm 5,2% so với tháng trước đó. Đây là mức giảm hàng tháng mạnh nhất kể từ tháng 12.2008, đưa chỉ số này xuống mức thấp nhất kể từ tháng 6.2010. Vì vậy, doanh thu nhập khẩu lương thực trên toàn cầu năm 2015 dự kiến là 1,09 nghìn tỷ USD, giảm 20% so với năm 2014 (1,35 nghìn tỷ USD) và đây là mức thấp nhất trong vòng 5 năm qua.
FAO dự báo, từ nay đến cuối năm, giá ngũ cốc, lúa mì và gạo sẽ tiếp tục giảm. Tuy nhiên, nhiều chuyên gia kinh tế cho rằng hiện tượng El Nino diễn biến bất thường và đạt đỉnh điểm vào mùa đông năm nay khiến nhiều vựa lương thực lớn của thế giới sẽ mất mùa. Như Ấn Độ, nước sản xuất đường lớn thứ hai thế giới có nguy cơ mất mùa vào niên vụ 2015-2016 và kéo sang niên vụ 2016-2017 nếu El Nino diễn ra khắc nghiệt. Trong khi đó, do hạn hán kéo dài và lượng nước tưới tiêu cho các cánh đồng dần cạn kiệt, Chính phủ Thái Lan ngày 5.10 đã kêu gọi nông dân trên toàn quốc dừng trồng lúa và chuyển sang canh tác các giống cây trồng khác sử dụng ít nước tưới hơn. Thái Lan hiện là một trong những nước xuất khẩu gạo lớn nhất thế giới và việc tạm ngưng sản xuất gạo niên vụ này tại Thái Lan sẽ khiến thị trường gạo và giá cả sẽ gặp ít nhiều biến động trong thời gian tới.
Tuy nhiên, FAO nhìn nhận thực tế là, giá cả lương thực ở mức thấp đồng nghĩa với thu nhập của những người dân sản xuất lương thực bị giảm mạnh. Từ đó khiến nhiều nông dân đã không còn “mặn mà” với sản xuất nông nghiệp, không chú trọng đầu tư cho các vụ mùa, nhiều nông dân rời bỏ cánh đồng, tìm hướng khác để mưu sinh. Điều đó, đòi hỏi chính phủ các nước càng đẩy mạnh đầu tư vào nông nghiệp, các dịch vụ kinh tế nông nghiệp như thông qua các khoản tín dụng. Điển hình, những nông dân châu Âu vốn lao đao vì lệnh cấm vận của Nga đối với các mặt hàng nông sản châu Âu, nay giá lương thực giảm mạnh khiến họ càng điêu đứng. Từ hệ lụy này, trong tháng 9 vừa qua, Ủy ban châu Âu buộc phải công bố kế hoạch giải ngân 500 triệu euro (557 triệu USD) trong quỹ khẩn cấp nhằm giúp giảm bớt áp lực cho nông dân.
QUỐC HƯNG