Từ số tiền tiết kiệm mỗi ngày chỉ 1.000 đồng, “góp gió thành bão”, các cô giáo ở Trường Mẫu giáo Trúc Đào (xã Tam Xuân II, Núi Thành) góp phần hỗ trợ học phí và tiền ăn cho nhiều trẻ có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn...
Giờ sinh hoạt vui chơi của học sinh Trường Mẫu giáo Trúc Đào (xã Tam Xuân II, Núi Thành). Ảnh: HÀN GIANG |
“Đồng tiền nghĩa tình”
Tháng 9.2011, số tiền tiết kiệm gây quỹ “đồng tiền nghĩa tình” của các cô giáo Trường Mẫu giáo Trúc Đào được dành hỗ trợ cho cháu Huỳnh Thị Bảo Ngọc (thôn Bích Nam, xã Tam Xuân II). Ở thời điểm ấy, cháu Ngọc bị mắc bệnh u máu, định kỳ mỗi tháng phải vào TP.Hồ Chí Minh để chữa trị. Sau khi biết hoàn cảnh gia đình cháu Ngọc rất khó khăn, giáo viên trong trường quyết định dành số tiền tiết kiệm mỗi ngày để hỗ trợ hoàn toàn học phí và tiền ăn hàng tháng trong suốt thời gian cháu Ngọc theo học tại trường. Bây giờ, sức khỏe cháu Ngọc đã có chuyển biến tốt, học lên bậc tiểu học, thi thoảng lại được mẹ đưa đến thăm, cảm ơn sự giúp đỡ về vật chất và tinh thần của các cô giáo Trường Mẫu giáo Trúc Đào ngày ấy. Không chỉ cháu Ngọc, nhiều trường hợp trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn theo học tại trường cũng đã nhận được sự hỗ trợ tương tự từ quỹ “đồng tiền nghĩa tình” của giáo viên nhà trường.
Nói về ý tưởng xây dựng nguồn quỹ này, cô giáo Trương Thị Kim Lan - Hiệu trưởng kiêm Bí thư Chi bộ Trường Mẫu giáo Trúc Đào chia sẻ, do điều kiện kinh tế khó khăn nên trên địa bàn có một số gia đình không thể cho con em mình ra học ở các cơ sở bán trú. Vào mỗi đầu năm học, các cháu được cân đo và qua theo dõi trên biểu đồ tăng trưởng cho thấy nhiều cháu bị suy dinh dưỡng nặng. Những điều này khiến tập thể cán bộ, giáo viên, nhân viên nhà trường rất trăn trở và suy nghĩ phải làm gì đó để giúp các cháu có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn được đến trường, được chăm sóc, nuôi dạy đảm bảo như các bạn cùng lứa tuổi. Xuất phát từ suy nghĩ như vậy, chi bộ nhà trường đã họp thảo luận và thống nhất chủ trương thực hiện bằng hình thức xã hội hóa và xây dựng nghị quyết chuyên đề triển khai quỹ hỗ trợ học sinh mang tên “đồng tiền nghĩa tình”. Chi bộ giao Công đoàn nhà trường phát động phong trào ủng hộ quỹ này. Nhà trường có 3 cơ sở, được giao cho 3 con heo đất và phân công đảng viên chịu trách nhiệm quyên góp mỗi cán bộ, giáo viên, nhân viên “nuôi heo” 1.000 đồng/ngày.
Tại cuộc họp chi bộ định kỳ hàng tháng, đảng viên ở các cơ sở mang heo đất ra kiểm đếm số tiền thu được. Trong suốt năm học, mỗi tháng, giáo viên chủ nhiệm lớp có trẻ hoàn cảnh đặc biệt khó khăn được nhà trường nhận nuôi dạy đến nhận tiền hỗ trợ để nộp học phí và tiền ăn cho trẻ. “Là đơn vị đặc thù với 100% giáo viên nữ, cùng với tình hình thực tế của nhà trường, chúng tôi nhận thấy nếu vận động xã hội hóa 375 nghìn đồng/tháng để giúp cho một trẻ là rất khó thực hiện. Chính vì vậy, đảng viên trong chi bộ đưa ra ý kiến vận động học tập theo tấm gương tiết kiệm của Bác Hồ bằng cách mỗi cô giáo trong năm học tiết kiệm 1.000 đồng/ngày để xây dựng quỹ “đồng tiền nghĩa tình”. Đầu mỗi năm học, căn cứ kết quả khảo sát, nhà trường xét chọn 2 - 3 trường hợp có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn để giúp đỡ. Cuối năm học, số tiền còn dư chúng tôi trao tặng cho các cháu mua quần áo, sách vở chuẩn bị cho năm học lớp 1” - cô giáo Trương Thị Kim Lan bày tỏ.
Thiết thực mới bền vững
Bước vào năm học 2016 - 2017, số tiền tiết kiệm của quỹ “đồng tiền nghĩa tình” được chuyển sang đầu tư xây dựng mô hình vườn rau sạch của trường. Cô giáo Trương Thị Kim Lan cho biết, hồi đầu năm học, qua khảo sát thực tế nhà trường nhận thấy không có trường hợp trẻ nào ra lớp có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn cần sự giúp đỡ. Cũng nhờ khảo sát, nắm bắt kỹ hoàn cảnh từng cháu nên những năm học trước, khi nhà trường quyết định nhận hỗ trợ trường hợp trẻ nào đều nhận được sự đồng tình, ủng hộ của phụ huynh. Các cô giáo cũng thấy được số tiền tiết kiệm mỗi ngày 1.000 đồng của mình tuy không lớn nhưng mang lại ý nghĩa nhân văn cao. Cô Lan còn cho hay, số tiền tiết kiệm trong năm học này được dùng mua vật liệu, thiết bị xây dựng vườn rau, mua hạt giống, phân bón vi sinh hữu cơ để trồng rau sạch. Nhờ đó, mỗi tháng vườn rau sạch của nhà trường cung cấp khoảng 70kg rau cho bếp ăn của trẻ, qua đó cũng tiết kiệm thêm được một khoản để góp vào việc cải thiện chất lượng bữa ăn cho các cháu.
Để việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh được hiệu quả, Chi bộ, Ban giám hiệu Trường Mẫu giáo Trúc Đào chú trọng gợi ý cho cán bộ, đảng viên căn cứ vào từng vị trí công tác, các mặt còn hạn chế để thực hiện đăng ký học tập và làm theo cho phù hợp, thiết thực. Cô giáo Trương Thị Kim Lan cho rằng, việc đăng ký học tập và làm theo có phù hợp mới dễ thực hiện, và có thiết thực mới duy trì bền vững, trở thành nền nếp, thường xuyên. Và điều quan trọng hơn là giúp cho mỗi người có điều kiện khắc phục mặt yếu, mặt còn hạn chế đã được nhìn nhận, đánh giá để tiến bộ. Có làm được như vậy tại các cuộc sinh hoạt chi bộ định kỳ, họp chuyên môn sẽ ngày càng ít đi các ý kiến phê bình, kiểm điểm đối với các mặt còn tồn tại, hạn chế của mỗi người; phong trào của tập thể sẽ phát triển vững mạnh. “Quan điểm của lãnh đạo nhà trường là không thực hiện việc đăng ký học tập và làm theo nhằm mang tính đối phó. Việc làm theo dù nhỏ nhưng phải có ý nghĩa thiết thực. Như đối với cán bộ, đảng viên làm công tác quản lý của trường, đăng ký “làm việc đảm bảo giờ giấc, khoa học”; giáo viên nào còn hạn chế về năng lực chuyên môn thì thực hiện đăng ký “rèn luyện nâng cao năng lực chuyên môn”. Hay như nhân viên cấp dưỡng đăng ký “học tập, nâng cao kỹ năng nấu ăn, cải thiện chất lượng bữa ăn cho trẻ, chăm sóc vườn rau sạch”... Việc đăng ký học tập và làm theo gương Bác Hồ của cán bộ, đảng viên, giáo viên, nhân viên nhà trường đều hướng đến mục tiêu chung là tạo môi trường nuôi dạy, chăm sóc tốt nhất cho trẻ phát triển toàn diện” - cô giáo Trương Thị Kim Lan nói.
HÀN GIANG