Giá trị của phong trào

ANH SẮC 26/09/2014 14:03

“Đầu tư cả trăm triệu đồng cho đội bóng chỉ để giành giải thưởng trị giá vài triệu đồng”, lời tâm sự này của lãnh đạo ngành văn hóa - thể thao một địa phương nghe có vẻ bất hợp lý nhưng lại là thực tế tại giải Bóng đá vô địch tỉnh Quảng Nam năm 2014 đang diễn ra tại Quế Sơn. Sở dĩ có sự “hạch toán” này bởi so với các môn thể thao khác, đầu tư cho bóng đá tốn kém hơn nhiều khi thời gian tập trung tập luyện dài, đặc biệt là số lượng vận động viên đông, trang bị đồng phục thi đấu... Dẫu có sự chênh lệch nhưng các địa phương không thể đứng ngoài cuộc vì phong trào chung và cả tinh thần yêu bóng đá của người dân.

Đội bóng V&V Điện Bàn.Ảnh: A.SẮC
Đội bóng V&V Điện Bàn.Ảnh: A.SẮC

Trước ngày khai mạc giải, Giám đốc Trung tâm Văn hóa - thể thao huyện Quế Sơn Huỳnh Văn Sáu cho rằng, đừng vội đánh giá đội bóng Nông Sơn yếu dù lần đầu họ tham gia. “Bỏ ra gần cả trăm triệu đồng đầu tư cho đội bóng đá để tham gia giải thì không phải họ tham gia cho có phong trào”. Rõ ràng một huyện nghèo như Nông Sơn vẫn đầu tư cho đội bóng đá dự tranh giải tỉnh là điều đáng ghi nhận. Mà không chỉ bóng đá, thực tế là rất nhiều các hoạt động thể thao khác vẫn đang được các địa phương nỗ lực tổ chức. Nguyên nhân nguồn kinh phí dành cho sự nghiệp văn hóa - thể thao hiện nay khá thấp, nhiều địa phương cho biết chỉ đủ tổ chức vài hoạt động là “sạch túi”.

Lần đầu tiên tại giải Bóng đá vô địch tỉnh năm 2014, người xem chứng kiến sự xuất hiện của một đội bóng địa phương được gắn tên doanh nghiệp là đội V&V Điện Bàn. Sau một năm tập trung toàn lực cho Đại hội TD-TT tỉnh Quảng Nam lần thứ VII, việc thiếu ngân sách khiến không ít huyện “nói không” với giải đấu hấp dẫn này. Vì vậy, sự kết hợp giữa huyện Điện Bàn và doanh nghiệp V&V đầu tư cho đội bóng đá địa phương là điều rất đáng hoan nghênh và cần nhân rộng. Nhờ đầu tư tốt nên tại giải năm nay, các cầu thủ Điện Bàn có được màn trình diễn khá ấn tượng. Không chỉ xếp vị trí nhất bảng tại bảng đấu có sự góp mặt của đội chủ nhà và là đương kim á quân Quế Sơn, V&V Điện Bàn còn được coi là một trong những đội đáng xem nhất ở giải lần này.

Thể thao nói chung, thể thao phong trào nói riêng không thể cân đo giá trị giải thưởng với kinh phí đầu tư cho các vận động viên. Phần thưởng lớn nhất sau những tấm huy chương hay chiếc cúp vô địch là giá trị về mặt tinh thần khi thỏa mãn niềm đam mê của người hâm mộ; qua đó tạo động lực để phát triển phong trào. Nói như một vị lãnh đạo địa phương, số tiền vài chục triệu, thậm chí cả trăm triệu đồng không phải nhỏ nhưng điều lớn hơn và ý nghĩa là đem lại niềm vui phục vụ người dân huyện nhà.

ANH SẮC

(0) Bình luận
x
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Giá trị của phong trào
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO