Ngày hôm nay, vừa tròn 70 năm thành lập Quân đội nhân dân Việt Nam. Một hành trình lịch sử đã thấm đẫm biết bao câu chuyện về sự hy sinh của người lính cho nền độc lập tự do của Tổ quốc, dân tộc.
Đọc lại lịch sử, sau những võ công oanh liệt đánh đuổi giặc ngoại xâm thế kỷ XV, vua Lê Lợi đã “hoàn kiếm” cho thần kim quy. Đến thế kỷ XX, trải qua 30 năm chiến tranh đằng đẵng, lúc bình yên, tưởng người lính của dân tộc Việt Nam sẽ không phải cầm súng nữa, nhưng đâu thể làm được như vậy. Những thế lực dòm ngó trên biên giới lãnh hải, lãnh thổ quốc gia vẫn rập rình. Biển Đông vẫn cuộn sóng ngầm. Một tình thế phải xây dựng quân đội chính quy, từng bước hiện đại, giữ chắc tay súng cho mục tiêu tự vệ, bảo vệ vững chắc Tổ quốc vẫn đang đặt ra với người lính đất Việt. Tra kiếm vào vỏ, cất súng vào kho, để xây dựng nền thái bình muôn thuở vẫn luôn là ước vọng cháy bỏng, song dường như điều đó chưa thể thực hiện được.
Việt Nam là vậy, còn nhân loại, thế giới thì sao? Có câu chuyện “Giã từ vũ khí” thường được các nhà phê bình văn học nhắc tới khi nói về đề tài chiến tranh. Cuốn tiểu thuyết bán tự truyện với tựa đề như vậy đã được nhà văn Ernest Hemingway viết từ 1929. Tuy nhiên, từ bối cảnh của cuộc chiến tranh thế giới lần thứ nhất mà cuốn truyện đề cập về câu chuyện giã từ vũ khí để xây đắp tình yêu, thì đến nay thế giới vẫn chưa bao giờ ngớt tiếng bom rơi đạn nổ. Không chỉ là thế chiến II mà còn có những cuộc chiến tranh ở nhiều khu vực, người lính vẫn phải cầm súng. Có một chút hy vọng le lói nhen lên cho người anh em Cu Ba khi bình thường hóa với Mỹ sau 50 năm. Nhưng con đường đổi mới để đưa dân tộc, đất nước Cu Ba tiến lên phồn thịnh vẫn còn rất dài. Có những mong ước cho cả Đông Nam Á thịnh vượng, qua khuôn khổ hợp tác vì hòa bình, phát triển. Hợp tác tiểu vùng sông Mê Kông đạt được bước tiến về cam kết đầu tư hạ tầng liên khu vực, mở rộng, kết nối biên mậu, thương mại, du lịch…, nhưng việc tìm sự đồng thuận trong những khác biệt và nguy cơ thách thức an ninh phi truyền thống cũng đặt ra. Đó là chưa kể, câu chuyện quốc tế đang hồi căng thẳng giữa Nga và các nước phương Tây, dù học thuyết quân sự của Putin đưa ra là tăng cường khả năng tự vệ nhưng số đầu đạn hạt nhân vẫn gia tăng về lượng.
Chiến tranh, xung đột vũ trang là trạng thái bất bình thường của nhân loại. Ước vọng hòa bình luôn gửi đi trong những thông điệp của Liên hiệp quốc, nhưng những cuộc xung đột vũ trang vẫn còn diễn ra đây đó trên địa cầu. “Giã từ vũ khí” không thể chỉ là hành động tự thức của nhà văn, mà đang cần những chính khách lên tiếng, hành động. Có lẽ, ai đã từng đứng trước “tượng đài” mẹ Thứ, người mẹ anh hùng của Quảng Nam, Việt Nam mới thấu hiểu được những ngọn nến, những nén tâm nhang nghi ngút lòng thương cảm, day dứt bởi chiến tranh. Không người mẹ nào mong muốn cả 9 đứa con mình cầm súng ra đi mãi mãi không về. Nỗi thương đau mẹ đã gánh chịu vì Tổ quốc, biến thành trang đời huyền thoại, thành tượng đài của sự hy sinh vì nghĩa cả. Nhưng ở phía khác của đời thường, người mẹ nào cũng muốn con mình được đi học, được yêu thương, được hạnh phúc chứ không phải xả thân nơi sa trường. “Giã từ vũ khí”, rốt cuộc đó là khao khát cháy bỏng, luôn gióng lên lời chuông nguyện cho nền hòa bình nhân loại.
ĐĂNG QUANG