Chuẩn bị lội sông qua thôn Prum B xã Zuôih thì tôi gặp chị. Cái ché lớn màu da lươn, cao cả mét, oằn xuống như muốn bẻ gập lưng. Vẫn gương mặt, dáng điệu, đôi mắt của người đàn bà Cơ Tu. Chị bước qua trước mặt tôi, người ướt đẫm vì vừa lội sông ngang thắt lưng, cả mồ hôi quyện như muốn xoắn tít mái tóc dài. “Ngồi xuống nghỉ, nói chuyện chơi đi”. “Không, em phải đi”. Rồi chị cũng ngồi xuống khi tôi cất tiếng lần nữa. Thở dốc. Đen đúa, tay chân sần sùi vì đi rẫy. “Chồng đâu mà chị phải cõng? ”. “Chồng em chết 4 năm rồi”. “Vì sao? ”. “Uống rượu nhiều quá. Bị đau thần kinh, đưa xuống tỉnh chữa, về đỡ, bác sĩ bảo không được uống rượu nhưng cứ uống miết rồi chết”. “Con đâu? ”. “Hai đứa 8 tuổi và 4 tuổi”. “Mang ché đi đâu? ”. “Hồi trước ở bên kia sông, chồng chết, em đưa con về gần nhà bố mẹ em cũng ở xã này, nhưng xa lắm. Bố mẹ chồng cho cái ché”. “Mang về làm chi? ”. “Cũng chẳng làm chi, nhưng bố mẹ chồng cho thì lấy thôi”. “Chồng chết, bố mẹ và làng có bảo lấy anh hay em chồng không? ”. “Có, nhưng em chồng nói không được đâu, vì coi em như chị nó. Em cũng không chịu”. “Nhưng họ ép thì phải chịu chứ? ”. Im lặng. Mồ hôi tuôn trên má hay là nước mắt.
“Lấy chồng nữa không?”. “Không, nhà em nghèo lắm, làm không đủ ăn nuôi con. Bố mẹ em và mấy anh chị cũng nghèo, đâu có giúp gì được. Mà có tiền của thì em cũng không lấy chồng nữa đâu”. “Vì sao?”. “Đàn ông suốt ngày uống rượu, bắt phụ nữ đi làm nuôi. Say về thì ngủ, mình nói thì đánh, chửi. Đàn ông gian dối”. Câu kết thốt ra từ chị như đã chực sẵn, như dồn nén, như đã được chưng cất sau bao năm nắng hạn, thình lình một ngày nổi dông sét và trút nước. Đi rừng đã nhiều, lần đầu tiên tôi nghe từ lời khẳng định một người đàn bà miền núi không địa vị, chứ không hề từ những người có học đùa tếu lúc trà dư tửu hậu. “Thiệt đó, đàn ông gian dối”. Chị nhắc lại lần nữa, nhìn thẳng vào tôi như đưa lời phán quyết kẻ đang đại diện cho đàn ông. Nói như để đay nghiến, trả thù, cáo buộc, uất hận, vừa lại như một tiếng than cay đắng choàng lên cả kiếp người. “Chồng lừa phỉnh chị à?”. Không trả lời. Có thể chị gộp hết thói lười biếng, vũ phu, ham rượu chè, siêng nhậu nhác làm của đàn ông lại và quy vào một chữ “gian dối”, hay là người đàn bà này đã từng đắm say và bị phụ tình? “Thôi em đi đây”. Tôi rút tờ báo: “Chị mang về đọc”. “Không, em không chữ”. Tôi thảng thốt hơn khi nhìn vào mắt chị. Không cay đắng, hận thù nhưng lạnh lùng như mưa. Giữa trưa mà bóng chị đổ sập, cong vẹo, lõm xuống. Tôi đứng nhìn và nhớ những bếp lửa nhà sàn sáng sớm, chỗ những bà những chị những em ngồi nấu ăn, cũng lõm xuống như một cỗ quan tài chôn cạn.
Có một đồng nghiệp đàn anh dạy tôi lúc mới vào nghề, rằng nếu có thể thì hãy lái những câu chuyện tiếp cận được vào phụ nữ, vào chuyện tình, bởi đó là món cả đời người, bất luận đàn ông hay đàn bà, đều thích, tò mò muốn nghe muốn biết. Tôi đọc bút ký của Hoàng Phủ Ngọc Tường, thấy một điều là ông viết ký như Trịnh Công Sơn viết tình ca, bất luận trang nào lung linh thì đều có một gương mặt hoa thấp thoáng, mà điều đó là điểm tựa, là đòn bẩy để trình bày quan niệm, triết lý nhân sinh kiếp người. Có khi tự mình tìm ra, có khi nhân vật hốt nhiên cung cấp dữ liệu, nhưng thảy đều đi đến một hằng số, hoặc tốt đẹp, hoặc đắng cay. Tôi vẫn tin rằng không có một câu chuyện tình nào nhạt nhẽo, bởi “mỗi số phận chứa một phần bí mật”. Một anh bạn khá rành vùng cao dạy là đi núi, muốn biết chuyện làng, chuyện nhà, hãy hỏi phụ nữ. Họ đứng sau lưng các ông, chỉ nấu ăn, rót rượu, nhưng âm thầm quyết mọi chuyện đấy. Họ biết hết. Vấn đề là làm sao hỏi cho ra. Bám cái mạch ấy, tôi thấy có sự chuyển biến trong nhận thức hôn nhân ở miền núi. Các cô các chị phần lớn bây giờ đều đi học, tiếp cận văn minh, công nghệ, rồi sự trói buộc, tảo hôn của cha mẹ với con cũng bớt đi rất nhiều. Phụ nữ vùng cao dần dần thức nhận được giá trị của họ. Tuy nhiên có một khoảng cách khá lớn giữa nhận thức và quyền lợi thực có. Về làm dâu, làm vợ, phần lớn cuộc đời họ vùi vạ trong nắng sớm chiều mưa bởi quần quật trên rẫy, đẻ con, tuổi xuân hóa lão bên bếp lửa nhà sàn. Họ nói về hôn nhân, về tình yêu như là giấc mơ chưa từng có trong đời, bởi đã từng xảy ra, nhưng nó đi quá nhanh tưởng chừng như chưa bao giờ đến, ngày xưa ngày đó với họ thoảng qua như kẻ tao nhân ngắm quỳnh hương nở.
Và vì thế, tôi vẫn nghĩ rằng tôi ảo tưởng quá chừng, khi mỗi chuyến đi rừng, lại mang ít sách báo cho họ, dù rằng trong hành trang mỗi lần vác ba lô theo đều có. Nhưng tôi lại nghĩ, là có còn hơn không, lại đèo bòng suy tư đó, bởi những đôi mắt và bàn chân của người đàn bà miền núi như món nợ của nghề mình phải trả, dù tôi không tin lắm rằng nghề báo giúp được gì cho sự hoán cải số phận họ. Đi về những vùng hút tắp xa, không điện thoại, internet, sách báo, với tôi, họ đang sống trong một vùng sinh thái miễn nhiễm, hạnh phúc với hơi thở khoáng đạt, là ước ao thèm muốn của bao người miền xuôi mệt mỏi, bận bịu. Nhưng ngồi lại với họ, cố gắng trò chuyện, tôi nghe được những tiếng thở dài kín đáo, sâu thẳm và dằng dặc buồn. Nếu ở đời có nhiều giấc mơ, thì tôi nghĩ rằng, với người đàn bà, họ hãy suy nghĩ thật thấu đáo sẽ thấy chỉ có một giấc mơ lớn hơn mọi giấc mơ khác và họ chỉ cần có một, đó là giấc mơ tình ái trọn vẹn đi hết một kiếp người. Ngoài ra, tiền bạc, danh vị cũng là thứ phù du. Nếu mỗi người đều có một lá số tử vi cho mình, đều có “phong thủy” riêng của mình, thì khế hợp nhiều yếu tố, con người ta có thể cải mệnh được phần nào đó. Nhưng với đa số người đàn bà vùng cao, lá số hôn nhân bị đóng đinh câu rút từ khi bước về nhà chồng, như chiếc lá xanh rụng ở đầu nguồn dập dềnh theo suối chảy đi đâu về đâu không biết.
Có lần tôi đi Petapot (Nam Giang), gặp vợ chồng Đinh Thị Giúp. Giúp là người ở Tây Trà (Quảng Ngãi), chồng người ở đây, đi bứt mây, đót gặp nhau rồi nên vợ chồng. “Bố mẹ em nghèo, em có chồng, không cho gì cả đâu”. “Bố mẹ bắt ưng à?”. “Dạ”. Giúp nói, giọng trong và thanh như ánh trăng của cô gái mới 17 tuổi nhưng đã lùm lùm bầu bì trong bộ áo quần rách bươm. Anh chồng cũng chừng ấy tuổi, cười như con trẻ khi tôi bảo cả hai đứng sát vào chụp ảnh. Giúp không cười. Tôi thấy mắt em như giọt mưa trên mái tranh chiều biên giới mịt mùng mây đen. Lúc đó, chữ nghĩa với tôi như phiên chợ mỹ học đem đấu giá những cơn đau...
TRUNG VIỆT