Đề án tổng thể đầu tư phát triển kinh tế - xã hội vùng dân tộc thiểu số, miền núi và vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn giai đoạn 2021 - 2025 là một trong những nội dung chính được xem xét, quyết định tại Kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XIV khai mạc vào sáng qua 21.10.
Với đề án này, thử điểm sơ vài con số: đến năm 2025, thu nhập bình quân của người dân tộc thiểu số tăng ít nhất 2,5 lần so với năm 2020; giảm tỷ lệ hộ nghèo hàng năm từ 3% đến 5%; trên 80% lao động từ 18 tuổi trở lên có việc làm với thu nhập ổn định; trên 90% đường ở thôn, bản được cứng hóa theo cấp kỹ thuật của Bộ GTVT; 100% xã có trường mầm non, tiểu học, THCS đủ cơ sở vật chất đáp ứng yêu cầu dạy và học… Đến 2030 không còn hộ đói, hộ nghèo giảm 80% so với năm 2020. Những số đẹp như mơ.
Tại kỳ họp lần này, giải pháp và trách nhiệm của từng bộ ngành, địa phương liên quan trong việc đưa con số trên giấy thành hiện thực chắc chắn sẽ phải được chỉ rõ. Có điều, so chiếu một chút với hiện tại, sẽ thấy mục tiêu này là quá lớn, và trong thực tế nguồn lực vừa mỏng lại còn phân tán như hiện nay thì liệu có khả thi? Những ví dụ về sự thiếu thốn và khó khăn (ở đây chỉ nói về điều kiện vật chất thôi) thì nhiều lắm, nó đầy trên mặt báo mỗi ngày. Những vách lán dựng đơn sơ thành lớp học, những con đường đất ven vách núi dẫn về làng/nóc, những đứa trẻ nhem nhuốc không đủ áo ấm… Thử “rứt” một chỉ tiêu về lao động. Tôi có vài bạn là người Cơ Tu, Ve tốt nghiệp đại học chính quy, nhưng gần cả chục năm ra trường, vẫn loay hoay đủ việc để kiếm sống, không tìm được một nghề nghiệp ổn định. Chuyện của bạn không hề là cá biệt để nằm trong thống kê 20% còn lại so với số “trên 80% lao động từ 18 tuổi trở lên có việc làm với thu nhập ổn định (đến năm 2025)” như đề án. Tại Quảng Nam, tỷ lệ lao động có việc làm ở các huyện Tây Giang, Phước Sơn, Nam Trà My, Bắc Trà My các năm trở lại đây thường dao động chỉ ở mức 14 - 16%. Việc làm với thu nhập ổn định cho người miền núi không bao giờ là bài toán dễ có đáp số đẹp như mong muốn.
Việc ưu tiên phát triển cơ sở hạ tầng cho miền núi tất nhiên vẫn phải tiếp tục được triển khai, thậm chí là mạnh hơn theo đề án này. Nhưng các chính sách do vùng dân tộc thiểu số, vùng núi cần phải được tích hợp một cách khoa học, bài bản, tránh chuyện chồng chéo và phân tán nguồn lực. Và việc quy hoạch lại sản xuất, dân cư, thôn bản như thế nào để có thể đảm bảo đầu tư có hiệu quả hơn, để không đầu tư nhiều mà vẫn thiếu và khó khăn triền miên là những vấn đề cần phải được làm rõ.
Người miền núi, thứ chính xác mà họ cần là gì, là các giá trị vật chất trong nền xã hội tiêu dùng, mà chúng ta quen gọi là “văn minh” cho tiến kịp với đồng bằng; hay là các giá trị mà họ bị mất đi (bao gồm cả tự đánh mất) trong quá trình phát triển, du nhập, hòa nhập? Hãy hỏi và quan sát đồng bào, bằng tâm thế của một người đồng bào, sẽ dễ dàng thực thi những mục tiêu mà đề án nêu. Bởi, đầu tư cho miền núi, thì không chỉ là số tiền khủng bỏ ra.