Nhà văn Hoàng Phủ Ngọc Tường, trong một bài tùy bút, đã suy tưởng rằng cốt tính người là ham làm và ham chơi. Con người ham làm là lao động kiếm sống, tích lũy của cải. Còn con người ham chơi thì ngược lại, thích đi đây đi đó thưởng lãm cảnh sắc, tìm món ngon vật lạ, hát múa, mua sắm... nói chung là tiêu tiền. Du lịch có lẽ ra đời trên nền tảng của con người ham chơi.
“Nghề chơi cũng lắm công phu”, muốn được du lịch thì phải có người tổ chức dịch vụ, từ hoạt động lữ hành, làm chỗ lưu trú, sắm phương tiện di chuyển, rồi bày cuộc chơi, bán hàng lưu niệm, bày các thứ ẩm thực...
Vì vậy, một ngành kinh tế, quen gọi là “công nghiệp không khói” ra đời. Ngành này có lẽ đã khai sinh từ thời các nhà hàng hải đi vòng quanh trái đất để... chứng minh trái đất là tròn. Bây giờ thì hầu khắp mọi quốc gia, vùng lãnh thổ đều khai thác du lịch. Việt Nam, hay một tỉnh như Quảng Nam, cũng không là ngoại lệ.
Một giấc mơ du lịch Việt Nam đã khởi phát nhiều năm tháng qua. Còn Quảng Nam, trải 20 năm tái lập tỉnh, du lịch là một ngành kinh tế luôn được quan tâm, chú trọng đầu tư. Không dưng mà có nhiều nghị quyết, quyết định, kế hoạch đã được phê chuẩn để nhằm phát triển du lịch. Như cách đây 10 năm, vào 25.6.2007, Tỉnh ủy đã ban hành Nghị quyết số 06 về “Đẩy mạnh phát triển du lịch Quảng Nam đến năm 2020”. Sau đó, HĐND tỉnh ra Nghị quyết 108/2008 về phát triển du lịch đến năm 2015 tầm nhìn 2020, Nghị quyết 145/2009 về điều chỉnh quy hoạch tổng thể phát triển du lịch; UBND tỉnh cũng ban hành hàng loạt quyết định, kế hoạch về phát triển các loại hình du lịch bãi biển, về tăng cường phát triển du lịch các huyện sâu trong đất liền, hay chỉ đạo lồng ghép phát triển du lịch với văn hóa, hỗ trợ du lịch miền núi, hải đảo v.v. Đến nay, tổng lượt khách tham quan lưu trú năm 2016 ước đạt 4 triệu lượt, gấp 1,9 lần năm 2007, tốc độ tăng bình quân trong giai đoạn 10 năm khoảng 7,7%/năm. Từ một tỉnh rất ít khách sạn, khu nghỉ dưỡng thì đến nay đã có 421 cơ sở lưu trú với 8.438 phòng, trong đó có 37 khách sạn 3 - 5 sao với 3.843 phòng. Đặc biệt, thu nhập xã hội từ du lịch năm 2016 ước đạt 6.763 tỷ đồng, tăng gấp 4,3 lần so với năm 2007, và chiếm 8,5% GRDP của tỉnh, tốc độ tăng thu nhập cả giai đoạn khoảng hơn 17,6%. Ngành du lịch cũng đã sử dụng 11 nghìn lao động trực tiếp, tăng gấp 2,2 lần so với 2007.
Giấc mơ du lịch không có ngưỡng dừng. Quảng Nam đang xây dựng kế hoạch với tầm nhìn đến 2025 đạt 12 - 14 triệu lượt khách, thu nhập từ du lịch đạt 26 nghìn tỷ đồng, cơ sở lưu trú tăng lên 700 với 14,5 nghìn phòng, sử dụng lao động trực tiếp 25 nghìn người. GRDP du lịch chiếm 12 - 14% GRDP toàn tỉnh. Nói một cách khái quát, Quảng Nam kỳ vọng sẽ đưa tỉnh thành một trong những trung tâm du lịch lớn của cả nước, và du lịch thực sự là ngành kinh tế mũi nhọn.
Có ước mơ thì tốt rồi, vấn đề là giải pháp hiện thực hóa ước mơ như thế nào? Các nhóm giải pháp đề xuất của UBND tỉnh trong báo cáo 10 năm thực hiện Nghị quyết 06/2007/NQ-TU bao gồm việc nâng cao nhận thức về vai trò, vị trí của ngành du lịch; thực hiện tốt việc quy hoạch và đầu tư phát triển du lịch; phát triển sản phẩm và xây dựng môi trường du lịch lành mạnh; đào tạo, phát triển nguồn nhân lực; xúc tiến quảng bá; liên kết, hợp tác; chính sách hỗ trợ; thành lập sở du lịch và bộ phận quản lý du lịch ở các địa bàn trọng điểm. Thực ra, những giải pháp như vậy cơ bản không mới (có cái còn quay lại chuyện cũ như đã từng có sở du lịch). Thiết nghĩ để du lịch Quảng Nam có thể bứt phá đi lên thì cần có thêm những chương trình, đề án cụ thể, trong đó phải chọn được điểm nhấn quan trọng có tính lan tỏa. Ví dụ như làm thế nào để xây dựng Cù Lao Chàm thành khu du lịch quốc gia, Mỹ Sơn thành điểm du lịch quốc gia? Làm sao để phát triển công nghiệp sạch, nông nghiệp sạch gắn với du lịch? Chiến lược đầu tư mở rộng không gian du lịch và đa dạng hóa sản phẩm, tạo thương hiệu đạt tầm đẳng cấp quốc gia và quốc tế như thế nào? Có lẽ không nên tràn lan quá nhiều đề án rồi đầu tư dàn trải, đâu cũng có du lịch nhưng không chuyên nghiệp, nhỏ lẻ, nhếch nhác. Tỉnh cần đầu tư nhiều hơn cho việc xây dựng chính sách xúc tiến kêu gọi đầu tư vào du lịch với hình thức công - tư, xây dựng hạ tầng kết nối đồng bộ và hỗ trợ tìm kiếm thị trường khách. Cần khuyến khích mạnh doanh nghiệp trong việc phát triển các loại hình, sản phẩm du lịch và kể cả đào tạo nhân lực (hiện chỉ có gần 60% lao động trong ngành du lịch tự đào tạo và bồi dưỡng nghiệp vụ).
Nghề để phục vụ người ta đi chơi đâu đơn giản. Rồi khi có khách đến chơi phải làm sao níu chân được họ bằng dịch vụ (10 năm qua mà số ngày lưu trú không tăng bao nhiêu, từ 2,17 lên 2,41 ngày/khách). Có khách nhiều, khách ở lại mua sắm, ăn chơi vậy mới có thu nhập. Làm sao thu nhập tăng cao, đóng góp lớn vào GRDP của tỉnh mới thực sự đưa du lịch thành kinh tế mũi nhọn, hay thành một trong những trung tâm du lịch lớn của cả nước như ước mơ.
NGUYỄN ĐIỆN NAM