UBND thị xã Điện Bàn vừa phê duyệt quy hoạch phát triển du lịch xã Điện Phương giai đoạn đến năm 2020, định hướng đến năm 2030, hướng đến mục tiêu trở thành điểm hỗ trợ, đón đầu sự lan tỏa của du lịch Hội An, đặc biệt là điểm dừng chân chính trên con đường kết nối 2 di sản Hội An – Mỹ Sơn.
Điện Phương vẫn còn lưu giữ nhiều cảnh đẹp làng quê tạo ra những kỳ vọng về phát triển du lịch. Ảnh: K.LINH |
Là vùng đất Thanh Chiêm, dinh trấn Quảng Nam xưa, Điện Phương có nhiều di tích của xứ Đàng Trong cùng các làng nghề truyền thống. Đặc biệt, ba năm trở lại đây Điện Phương nổi lên với điểm sáng với khu du lịch sinh thái và làng du lịch cộng đồng Triêm Tây, mở ra những triển vọng để thúc đẩy du lịch các vùng phụ cận của xã phát triển.
Trong tóm tắt đề tài lập quy hoạch du lịch Điện Phương do Trung tâm Nghiên cứu và tư vấn du lịch (Trường Đại học Kinh tế Đà Nẵng) báo cáo mới đây, TS. Trương Sĩ Quý – Trưởng khoa du lịch, Trường Đại học Kinh tế Đà Nẵng nhìn nhận, dù đã mai một nhiều nhưng hệ thống tài nguyên du lịch Điện Phương vẫn khá đa dạng và hấp dẫn. Để thúc đẩy du lịch phát triển, Điện Phương cần tập trung thu hút, khai thác các thị trường chính tại 2 trung tâm du lịch lân cận là Hội An và Đà Nẵng, nhất là khách đi theo con đường di sản Đà Nẵng - Hội An - Mỹ Sơn. Trong đó, ngoài xây dựng các loại hình du lịch bổ sung cho du lịch Hội An, Điện Phương cũng cần có những sản phẩm du lịch đặc thù của mình. “Cần chú trọng xây dựng các tour tuyến du lịch đường sông theo hướng Hội An - Triêm Tây - cầu Câu Lâu - Đông Khương nhằm tạo sự đa dạng sản phẩm điểm đến. Việc kết nối tuyến sông Thu Bồn sẽ giúp đưa khách đến hầu hết điểm văn hóa, lịch sử, làng nghề, làng quê ở Điện Phương như bến thuyền Chợ Củi (đã được đưa vào hạng mục xây dựng trong dự án Cụm làng nghề tiểu thủ công nghiệp - thủ công mỹ nghệ Đông Khương); quảng trường ngã năm Chợ Củi; cơ sở sản xuất gốm đất nung Lê Đức Hạ; chạm khắc gỗ mỹ nghệ Nguyễn Văn Tiếp; đình làng Đông Khương; miếu thờ Đoàn Quý Phi; làng đúc đồng; nhà thờ giáo xứ Phước Kiều; khu trưng bày di tích dinh trấn Thanh Chiêm…” - TS Trương Sĩ Quý đề xuất.
Theo ông Nguyễn Xuân Hà – Phó Chủ tịch UBND thị xã Điện Bàn, để định hướng và xây dựng giải pháp phát triển du lịch Điện Phương, thị xã xác định thị trường chủ đạo vẫn là khách du lịch đến tham quan Hội An, coi đây là nguồn khách chính trong thời gian trước mắt. Đồng thời cũng tích cực khai thác thị trường khách du lịch đi theo chương trình định sẵn đến miền Trung, và chú trọng khai thác khách là cư dân Đà Nẵng và các vùng phụ cận, nhất là cán bộ công chức có nhu cầu dã ngoại cuối tuần, với du lịch cộng đồng làm nền tảng. “Không gian du lịch Điện Phương và vùng phụ cận được chia thành 4 cụm gồm: cụm du lịch làng nghề Đông Khương; cụm du lịch làng nghề đúc đồng và di tích Thanh Chiêm; cụm du lịch Triêm Đông 1, 2 và Triêm Trung 2; cụm du lịch Triêm Tây. Cùng với đó là các tuyến đường sông Thu Bồn, tuyến sông Phú Triêm và các tuyến đường bộ dành cho khách đi theo đoàn với quy mô lớn và khách đi lẻ bằng xe máy, xe đạp… Đây là những quy hoạch phân vùng mà chúng tôi đã và sẽ triển khai” - ông Hà cho biết.
Có thể thấy, so với nhiều địa phương khác, Điện Phương có lợi thế nhất định trong phát triển du lịch, nhất là vị trí trung điểm trên hành trình kết nối Hội An và Mỹ Sơn. Tuy vậy, tất cả cũng chỉ mới dạng tiềm năng, để biến thành hiện thực vẫn là câu chuyện dài. Tại Đông Khương và Thanh Chiêm, sự ra đời của Nhà trưng bày làng nghề đúc đồng Phước Kiều, cơ sở chạm khắc gỗ mỹ nghệ Nguyễn Văn Tiếp cùng cơ sở sản xuất gốm đất nung Lê Đức Hạ, dù thu hút sự quan tâm của một số hãng lữ hành và du khách đi lẻ, nhưng nhìn chung chỉ mang tính ngẫu hứng. Ngoài ra, điều kiện về giao thông và nguồn nhân lực cũng là những khó khăn thách thức cho “giấc mơ” phát triển du lịch Điện Phương.
Ông Lê Đức Thu – Chủ tịch UBND xã Điện Phương thừa nhận, để đưa du lịch địa phương thực sự phát triển, ngoài nỗ lực của xã cần có sự hỗ trợ từ các cấp ngành, không chỉ về kinh phí mà còn trong việc kêu gọi đầu tư. Hiện có một lợi thế của Điện Phương là tỉnh đã đầu tư 38 tỷ đồng để xây dựng cụm làng nghề Đông Khương nhằm tập trung các làng nghề truyền thống. “Xã sẽ sử dụng toàn bộ quỹ đất để dành cho phát triển du lịch, đồng thời cũng sẽ hoàn thiện kết nối tuyến đường liên xã, đặc biệt là tuyến đường sông nối Triêm Tây với cụm làng nghề Đông Khương, nhằm thúc đẩy mạnh mẽ du lịch phát triển, phấn đấu năm 2018 ngành thương mại, dịch vụ, du lịch chiếm 45% trong cơ cấu kinh tế xã, giúp tạo sinh kế và thu nhập cho người dân” - ông Thu chia sẻ. Ông Nguyễn Xuân Hà – Phó Chủ tịch UBND thị xã Điện Bàn cho biết thêm: “Trong năm nay, ngoài củng cố các sản phẩm dịch vụ hiện có, thị xã cũng sẽ đầu tư một số hạng mục về dịch vụ, hạ tầng, xây dựng các sản phẩm du lịch phù hợp để du lịch Điện Phương phát triển tương xứng với tiềm năng và lợi thế vốn có”.
KHÁNH LINH