Giấc mơ từ xứ sở cây dược liệu

TRẦN BÍCH LIÊN 27/01/2017 14:24

(Xuân Đinh Dậu) - Giấc mơ trở thành “thủ phủ” cây dược liệu dần hiện hữu khi nhiều đề án, cơ chế phát triển vùng nguyên liệu được triển khai trên địa bàn tỉnh, tạo điều kiện để người dân và doanh nghiệp mở rộng diện tích, tính chuyện làm giàu dưới tán rừng.

Quảng Nam có thế mạnh về cây dược liệu với 832 loài thuộc 593 chi, 190 họ thực vật làm thuốc, trong đó có ¾ là những cây thuốc mọc tự nhiên trong rừng, nương rẫy và quanh làng, bản; nhiều loài quý hiếm như sâm Ngọc Linh, ba kích, sa nhân, đẳng sâm, ngũ vị tử… Dù đa dạng, phong phú về chủng loại song nguồn tài nguyên dược liệu của tỉnh đứng trước nguy cơ bị khai thác tận diệt. Nạn trộm sâm, bán sâm non cũng như tình trạng săn lùng cây thuốc quý để bán cho thương lái với giá rẻ tạo ra tình trạng khan hiếm nguồn dược liệu… Trước bối cảnh ấy, ngành chức năng và các địa phương của tỉnh đang triển khai nhiều giải pháp nhằm bảo tồn, phát triển vùng dược liệu để tạo thu nhập bền vững cho nhân dân…

Cơ sở trưng bày sản phẩm dược liệu của Công ty Dược sâm Ngọc Linh tại Tây Giang. Ảnh: BÍCH LIÊN
Cơ sở trưng bày sản phẩm dược liệu của Công ty Dược sâm Ngọc Linh tại Tây Giang. Ảnh: BÍCH LIÊN

Cây “giảm nghèo”

Nam Trà My xác định cây dược liệu là cây “giảm nghèo”. Trước đây, mô hình trồng sâm trong nhân dân đã manh nha trên địa bàn huyện. Giai đoạn 2015 - 2016, từ nhiều nguồn vốn, chương trình giảm nghèo, nhiều vườn ươm cây dược liệu như cây sâm nam, đương quy, giảo cổ lam, quế đã mọc lên. Tại nhiều thôn, nóc, nhiều mô hình trồng sâm nam hình thành, có thể kể đến làng Takbang (thôn 3, xã Trà Cang), làng Tak Pu (thôn 2, xã Trà Nam), làng Mô Chai (thôn 1, xã Trà Linh)... Bên cạnh đó, diện tích các loài dược liệu khác không ngừng được nhân rộng trên địa bàn với hàng trăm héc ta đẳng sâm, sa nhân, đương quy, giảo cổ lam, lan gấm, sơn tra. Toàn huyện có 27 chốt trồng sâm với 653.300 cây ở nhiều độ tuổi khác nhau. Trại sâm giống Tắk Ngok hiện ươm được 20.000 cây sâm (2ha); trại dược liệu Trà Linh có 208.000 cây giống, là vườn cung ứng giống của tỉnh.

Tây Giang cũng là địa phương chú trọng bảo tồn và phát triển cây dược liệu đặc hữu bản địa. Từ hơn chục năm về trước, huyện đã chủ động phối hợp với ngành chức năng, nhà khoa học, doanh nghiệp di thực thành công cây sâm Ngọc Linh lên Ch’Ơm, Ga Ry. Theo đánh giá của Công ty CP Dược sâm Ngọc Linh, cây sâm di thực đã sống trên đất Tây Giang, mở ra cơ hội giảm nghèo cho vùng cao này. Huyện còn di thực thành công cây thảo quả và táo mèo vùng Tây Bắc với diện tích 20ha tại xã A Xan, Ch’Ơm. Năm năm qua (2011 - 2015), Nghị quyết 23 của HĐND huyện Tây Giang về đề án phát triển cây bản địa (ba kích, đẳng sâm, tr’din) đã tạo những bước đi tích cực. Từ chỗ cạn kiệt, cây dược liệu đã hồi sinh trên đất Tây Giang với gần 500ha được Nhà nước hỗ trợ dân trồng dưới tán rừng và người dân tự trồng.

Trong phát triển cây dược liệu, người dân phải là ưu tiên số 1, phải giúp họ thoát nghèo từ cây dược liệu. Doanh nghiệp cũng phải hết sức tạo điều kiện cho dân, xem dân là đối tác, là vệ tinh.
(Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lê Trí Thanh)

Tại Tây Giang, đã xuất hiện những “triệu phú” từ cây dược liệu, có thể kể đến Hốih Riếc (thôn Kanoonh, xã A Xan) với 1ha trồng cây đẳng sâm bán giống vài chục triệu đồng mỗi năm và 2ha trồng cây sả chân được doanh nghiệp bao tiêu sản phẩm. Hay như ông Bríu Tam (thôn A Rầng 3, xã A Xan) trồng vài héc ta đẳng sâm, vừa thu hoạch được 80 triệu đồng từ tiền bán giống cho huyện. Ông Bríu Hùng (xã Lăng) trồng 1ha cây ba kích, đang tiếp tục gieo ươm giống để bán và trồng nhân rộng...

Tuy nhiên, ở Nam Trà My hay Tây Giang số hộ vươn lên thoát nghèo từ cây dược liệu còn hạn chế. Nghị quyết 202/NQ-HĐND tỉnh ban hành với cơ chế phát triển cây dược liệu như một làn gió mới, song cần tháo gỡ khó khăn, vướng mắc và chính sách cần đi vào cuộc sống…

Liên kết

Theo Cục Quản lý y, dược cổ truyền: mỗi năm, ngành dược liệu cả nước sử dụng khoảng 60.000 tấn dược liệu các loại, khoảng 80 - 85% trong số đó được nhập khẩu từ Trung Quốc, chủ yếu theo đường tiểu ngạch, nhập lậu. Trong đó, chỉ 1.400 tấn dược liệu nhập khẩu có nguồn gốc rõ ràng được công bố.
Tại Quảng Nam, mỗi năm các cơ sở y tế, y học cổ truyền của tỉnh sử dụng hơn 200 tấn dược liệu và vị thuốc y học cổ truyền chữa bệnh, song hầu hết nguyên liệu đều phải nhập khẩu. Các nhà khoa học từng cảnh báo, không loại trừ khả năng gian lận thương mại trong sử dụng nguyên liệu đầu vào từ các doanh nghiệp dược. Đây là nguyên nhân của tình trạng cầu lớn (80% nhập khẩu) nhưng việc tiêu thụ cây dược liệu trong nước vẫn bấp bênh... Ngay cả với cây sâm Ngọc Linh, một dược phẩm quý hiếm được xếp vào một trong 4 cây sâm quý nhất trên thế giới, nhưng việc khai thác, mua bán, sử dụng vẫn tràn lan khiến vùng sâm tự nhiên dần cạn kiệt.

Quảng Nam đang đi đúng hướng trong việc tạo sự liên kết giữa 4 nhà: Nhà nước - nhà khoa học - nhà doanh nghiệp - nhà nông để phát triển vùng dược liệu. Trong chuỗi liên kết này, Nhà nước tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp với chính sách ưu đãi về đất đai, kêu gọi nhân dân tham gia bảo tồn, phát triển cây dược liệu. Doanh nghiệp đầu tư vốn, nhân lực, tiêu thụ sản phẩm. Trung tâm Sâm Ngọc Linh, Trung tâm Giống cây trồng nông lâm nghiệp chủ động sản xuất cây giống cung ứng. Các chính sách rà soát quy hoạch, giao đất giao rừng, hỗ trợ cấp giống cho đồng bào miền núi trồng cây dược liệu dưới tán rừng phòng hộ giúp giữ rừng bền vững, đã được Nam Trà My, Tây Giang và một số huyện triển khai từ việc lồng ghép nhiều nguồn lực: nguồn vốn 135, 30a, nông thôn mới và nhiều dự án khác. Bước đầu tỉnh đã có cơ chế thông thoáng, tạo điều kiện cho 4 doanh nghiệp (Công ty CP Dược sâm Ngọc Linh, Công ty CP Hoa Thiên Phú, Công ty CP Nguyên liệu giấy miền Trung, Công ty Tân Nghĩa Sơn)... đăng ký thuê dịch vụ môi trường rừng để trồng, ươm giống sâm và một số cây dược liệu tại Nam Trà My (1.100ha). Ngoài ra, hàng nghìn héc ta sâm, cây dược liệu dưới tán rừng đã được người dân trồng ở vùng Nam Trà My, Tây Giang.

Theo Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lê Trí Thanh, việc liên kết, hợp tác với các viện nghiên cứu, trường đại học để ứng dụng khoa học và công nghệ sản xuất giống cây trồng chất lượng cao với số lượng lớn đang được tỉnh đẩy mạnh. Chương trình ký kết hợp tác với Trường Đại học Thái Nguyên thời gian qua về đề án giống cây lâm nghiệp và dược liệu là điển hình. Theo đó, Sở NN&PTNT được giao nhiệm vụ tiếp tục rà soát vướng mắc về đất đai, thủ tục hành chính, tạo đà phát triển cây dược liệu. Tỉnh đang xem xét việc phân cấp cho địa phương nhằm tạo sự năng động trong thu hút doanh nghiệp đầu tư phát triển vùng dược liệu cũng như tháo gỡ một số khó khăn, vướng mắc về đất đai, thủ tục cho các doanh nghiệp đi tiên phong đầu tư phát triển vùng dược liệu.

    TRẦN BÍCH LIÊN

(0) Bình luận
x
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Giấc mơ từ xứ sở cây dược liệu
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO