Giải bài toán ngập úng đô thị Tam Kỳ

XUÂN PHÚ 20/01/2019 01:02

Tình trạng ngập úng kéo dài hồi giữa tháng 12.2018 đã để lại nhiều nỗi lo đối với chính quyền và người dân TP.Tam Kỳ. Đâu là nguyên nhân và giải pháp nào để không còn tái diễn tình trạng này trong các mùa mưa tới?

Người dân dùng ghe để di chuyển trên đường Phan Bội Châu - Tam Kỳ trong đợt ngập úng giữa tháng 12.2018.Ảnh: PHƯƠNG THẢO
Người dân dùng ghe để di chuyển trên đường Phan Bội Châu - Tam Kỳ trong đợt ngập úng giữa tháng 12.2018. Ảnh: PHƯƠNG THẢO

NGẬP ÚNG BẤT THƯỜNG

Việc đô thị Tam Kỳ bị ngập lớn bất thường chỉ sau vài trận mưa lớn đã gióng lên hồi chuông báo động về sự “ách tắc” của hệ thống thoát nước thành phố.

Trận ngập... lịch sử

Gần một tháng sau đợt mưa lớn làm hệ thống thoát nước đô thị Tam Kỳ hoàn toàn bị tê liệt, gây ra ngập lụt diện rộng trên địa bàn thành phố, ông Lê Bá Lộc (phường Phước Hòa) vẫn chưa hết bàng hoàng. Ngôi nhà ông Lộc trên đường Bạch Đằng đoạn gần cầu Kỳ Phú bị ngập đến cửa sổ và kéo dài đến nhiều ngày sau vẫn chưa rút hết nước. “Cách đây mấy năm khi sửa nhà tôi đã nâng nền lên cao đề phòng mưa ngập. Vậy mà, nó không là gì đối với trận lụt vừa rồi. So với năm 1999 thì đợt lụt năm 2018 nước ngập sâu hơn khá nhiều. Cả dãy phố đều chìm trong biển nước” - ông Lộc kể.

Khu dân cư dọc tuyến đường Bạch Đằng, nhất là khu vực gần chợ Tam Kỳ (phường Phước Hòa), các tuyến đường Phan Châu Trinh hay Nguyễn Thái Học lâu nay bị ngập, xem là chuyện bình thường. Nhưng lần này, một số tuyến đường khá cao cũng bị “thất thủ”. Ông Nguyễn Được trên đường Tôn Đức Thắng cho biết chưa bao giờ chứng kiến nước ngập sâu như vậy. “Hồi năm 1999, tuyến đường Tôn Đức Thắng chỉ bị ngập sơ, nước xâm xấp dưới lòng đường. Còn lần này ngập đến ngang bụng và lên nhanh khiến nhiều người dọn đồ không kịp” - ông Được chia sẻ.

Sông Bàn Thạch không được nạo vét và dọn bèo, rác khiến cho độ thoát lũ hạn chế gây nên ngập lụt vừa qua. Ảnh: X.P
Sông Bàn Thạch không được nạo vét và dọn bèo, rác khiến cho độ thoát lũ hạn chế gây nên ngập lụt vừa qua. Ảnh: X.P

Theo báo cáo của UBND TP.Tam Kỳ, trong đợt mưa lớn từ 9 - 11.12 nhiều tuyến đường trên địa bàn thành phố bị ngập khá sâu. Cụ thể, các tuyến đường nội thị như Nguyễn Văn Trỗi chỗ ngập sâu nhất 1,5m, Phan Bội Châu 1m, Nguyễn Thái Học 1,2m, Phan Châu Trinh 1,5m, Tôn Đức Thắng 1m, Bạch Đằng 1,1m. Đặc biệt, khu vực chợ Tam Kỳ trở thành nơi ngập sâu nhất thành phố - 1,9m, khiến nhiều tiểu thương buôn bán tại chợ bị thiệt hại đáng kể. Tuyến đường ĐT 615 từ thôn Vĩnh Bình đi thôn Thăng Tân cũng ngập sâu đến 2m.

Lời cảnh báo từ trước

Việc đô thị Tam Kỳ biến thành “sông” khi trời mưa to được cảnh báo từ trước, và thực tế trong những năm gần đây đã có một số lần diễn ra. Dù hệ thống thoát nước thuộc dự án thu gom, xử lý nước thải và thoát nước đô thị Tam Kỳ đã thi công cách đây hơn một năm, nhưng dễ thấy một số vị trí trũng thấp trên tuyến đường Phan Châu Trinh vẫn bị tình trạng ngập khi trời mưa to kéo dài. Một số cống thoát nước có hiện tượng chảy ngược lên mặt đường, một số cửa thu nước bị ngập, không phát huy hiệu quả. Rất nhiều lần cử tri thành phố cũng đã lên tiếng về vấn đề này. Tại kỳ họp HĐND TP.Tam Kỳ vừa qua, trong báo cáo trả lời cử tri, UBND thành phố cho biết đã thống nhất chủ trương hợp đồng với Công ty CP Môi trường đô thị Quảng Nam để thực hiện quản lý, vận hành thử nghiệm hệ thống thu gom, xử lý nước thải và thoát nước TP.Tam Kỳ. Trong quá trình thử nghiệm sẽ đánh giá, sửa chữa để khi đưa vào vận hành chính thức (dự kiến đầu năm 2019) thì khắc phục được những tồn tại.

Người dân cũng rất nhiều lần phản ánh tình trạng nhiều khu dân cư, tuyến đường chưa khớp nối hệ thống thoát nước. Cử tri phường Hòa Hương từng đề nghị thành phố kiểm tra các cửa thoát nước trên tuyến đường đê Bạch Đằng không đảm bảo thiết kế dễ dẫn đến nguy cơ vỡ đê khi nước lớn. Theo UBND thành phố, trước khi trình phê duyệt dự án đã tổ chức lấy ý kiến của các cơ quan chuyên ngành và nghiên cứu số liệu thủy văn. Song, từ thực tế đợt mưa lũ vừa qua, thành phố đã chỉ đạo cơ quan chuyên môn kiểm tra và có báo cáo cụ thể để thành phố kiến nghị đơn vị chủ đầu tư là Ban quản lý dự án đầu tư xây dựng tỉnh để có giải pháp điều chỉnh phù hợp.

XUÂN PHÚ

CẦN CÓ QUY HOẠCH THOÁT NƯỚC

Chung quanh câu chuyện ngập lụt và giải pháp chống tái diễn tình trạng này trong những mùa mưa tới, PV. Báo Quảng Nam đã có cuộc trao đổi với ông Nguyễn Minh Nam - Phó Chủ tịch UBND TP.Tam Kỳ. Giải thích cụ thể thêm lý do ngập lụt dưới góc nhìn hạ tầng đô thị, ông Nam nói:

Hầu hết công trình thoát nước trên địa bàn thiết kế theo tần suất lũ 20% (nghĩa là 5 năm 1 lần) trong khi đợt mưa cuối năm 2018 ước lượng diễn ra theo tần suất 50 năm/lần. Do đó, năng lực, hay nói cách khác là kích thước hình học thoát lũ giai đoạn đầu ra sông thấp, còn khi nước sông ngập lên rồi thì không còn ý nghĩa. Chưa kể, đô thị Tam Kỳ có độ dốc thoát nước khá thấp, hướng tuyến thoát nước không đảm bảo, năng lực thoát lũ của các dòng sông hạn chế. Rồi do triều cường dâng lên theo chế độ bán nhật triều ảnh hưởng đến việc thoát nước và ngập kéo dài. Cạnh đó, công tác nạo, kết nối kênh mương, sông, các cửa thu nước lâu nay chưa được quan tâm thực hiện thường xuyên.

Ông Nguyễn Minh Nam - Phó Chủ tịch UBND TP. Tam Kỳ khẳng định, nói đê bao Bạch Đằng ngăn nước chảy ra sông Bàn Thạch là không đúng. Ảnh: X.P
Ông Nguyễn Minh Nam - Phó Chủ tịch UBND TP. Tam Kỳ khẳng định, nói đê bao Bạch Đằng ngăn nước chảy ra sông Bàn Thạch là không đúng. Ảnh: X.P

Ngoài ra, cũng cần đánh giá lại ảnh hưởng của một số công trình cơ bản. Cách đây 2 năm, thành phố đã kiến nghị UBND tỉnh về tuyến đường Điện Biên Phủ, đê Bàn Thạch khu vực Trường Đồng (Tân Thạnh). Khi làm đê đã chỉnh dòng thoát lũ, đẩy hết qua khu vực Xuân Quý xã Tam Thăng gây ngập úng và dòng chảy xiết. Cần nói thêm, khi tính toán làm rõ nguyên nhân cũng cần mở rộng phạm vi điều tra xem lượng nước ngoài khu vực đổ về Tam Kỳ như thế nào.

Có ý kiến cho rằng khi xây dựng đê Bạch Đằng làm nhiệm vụ ngăn lũ, tuy nhiên hệ thống cửa thoát nước khá nhỏ nên nước trong khu vực đô thị không thoát kịp ra sông Bàn Thạch dẫn đến ứ ngập. Ý kiến ông như thế nào?

Theo báo cáo của Phòng Quản lý đô thị TP.Tam Kỳ, hệ thống thoát nước trên địa bàn thành phố gồm có chiều dài đường ống thoát nước trên các tuyến đường là hơn 221km, kênh Ngã Ba chiều dài hơn 1.800m với khẩu độ thoát nước 7,5 - 11m, kênh Nguyễn Du chiều dài 624m với khẩu độ thoát nước 6 - 12m, kênh Duy Tân chiều dài 982m với khẩu độ thoát nước 18m. Tại 3 vị trí cửa kênh là 3 cửa ngăn triều được thiết kế với tần suất 20%, cao trình 2,9m. Hệ thống kè, đê có kè sông Bàn Thạch chiều dài 8.399m gồm 4 đoạn và kè suối Tây Viên dài 2.248m.

Như đã nói, hệ thống mương đầu như thế nào thì mương cuối cũng tương ứng, không thể mở to được. Liên quan đến thiết kế tần suất sẽ liên quan đến bài toán kinh tế. Ví dụ, thiết kế tần suất lũ xảy ra 5 năm/lần thì cao trình thấp,  tiết diện mương thoát nước nhỏ; còn thiết kế 50 năm/lần thì cao độ sẽ cao lên và 100 năm/lần thì cao hơn nữa. Vì vậy, vấn đề này sẽ liên quan đến bài toán kinh tế, tổng quan của đô thị. Trong nguyên lý thiết kế người ta thống nhất quy chuẩn chấp nhận tần suất thiết kế phù hợp, vì liên quan đến cả hệ thống dân cư nữa chứ không riêng gì thoát lũ.

Đê Bạch Đằng là đê bao ngăn nước tràn vào đô thị. Khi hệ thống đê bao hoàn thiện, tất cả điều kiện khác, kể cả việc nghiên cứu có những trạm bơm để đưa nước trong khu vực nội thành ra sông thì lúc đó mới phát huy tác dụng. Khi ấy, công tác kiểm tra, vận hành các cửa ngăn là một việc nữa. Do đó, hiện nay nói đê Bạch Đằng ngăn nước chảy ra là không đúng. Sau đợt mưa lũ cuối năm 2018, tôi cũng có nhận nhiều ý kiến về việc này. Khu vực phường An Sơn đâu bị ảnh hưởng bởi các công trình phía đông và bao nhiêu năm rồi đâu có ngập nhưng tối ngày 9.12 ngập 2m. Lý do là mưa quá lớn.

Để đô thị Tam Kỳ không còn tái diễn tình cảnh bị ngập úng như năm 2018, thành phố có giải pháp gì trong thời gian đến, thưa ông?

Cho đến bây giờ quy hoạch thoát nước Tam Kỳ chỉ có quy hoạch chung chứ chưa có quy hoạch chi tiết, cụ thể. Do đó, thành phố sẽ kiến nghị tỉnh thống nhất chủ trương hỗ trợ kinh phí quy hoạch thoát nước, dự báo bản đồ ngập lụt cho TP.Tam Kỳ với các kịch bản phù hợp. Trên cơ sở đó, tiếp tục nghiên cứu giải pháp xử lý thoát nước cho nội thị, như cải tạo, nâng cấp, sửa chữa mở rộng hệ thống mương cũ. Bản thân độ dốc của các dòng sông của Tam Kỳ khá thấp, bao nhiêu năm rồi cũng không nạo vét. Vì vậy, trước mắt tập trung nạo vét, khơi thông, khớp nối đảm bảo thoát nước cho đô thị. Thành phố cũng đã chỉ đạo các ngành chức năng điều tra, thu thập số liệu qua đợt lũ vừa rồi để đưa vào quy hoạch sau này. Một số khu vực ngập úng cũng sẽ được chỉnh trang, nâng cấp.

Xin cám ơn ông!

NGỌC ÁNH (thực hiện)

Thoát lũ chậm do bê tông hóa quá mức

TH.S - KTS. Nguyễn Văn Phong - Phó Tổng Giám đốc Công ty CP Viện Quy hoạch đô thị nông thôn Quảng Nam cho rằng, đợt lũ vừa qua, đối với đô thị Tam Kỳ có điểm khác biệt so với bình thường hàng năm. Cụ thể, lượng nước chủ yếu từ khu vực Thăng Bình và Phú Ninh qua sông Bàn Thạch, không phải từ sông Tam Kỳ (hồ Phú Ninh không xả lũ) nên có tình trạng chênh lệch mức nước ở phía bắc (phường Tân Thạnh và xã Tam Thăng) và phía nam (sông Tam Kỳ). Các sông ngòi chính chảy qua khu đất quy hoạch cho không gian đô thị Tam Kỳ gồm sông Bàn Thạch, Tam Kỳ và Trường Giang. Sông Bàn Thạch chảy cắt ngang phần trung tâm khu đất quy hoạch không gian đô thị, rồi hợp lưu với sông Tam Kỳ có nguồn là hồ Phú Ninh. Sau đó, sông Tam Kỳ lại hợp lưu với sông Trường Giang đổ ra biển.

“Một số dự án mới hình thành như đường Điện Biên Phủ, dự án đê bao sông Bàn Thạch (nằm trong tiểu dự án cải thiện chống biến đổi khí hậu), dự án đường nối từ quốc lộ đến Khu công nghiệp Tam Thăng… nằm trên hành lang thoát lũ sông Bàn Thạch. Tuy chưa có chênh lệch mực nước giữa thượng lưu và hạ lưu các công trình này, song cũng cần nghiên cứu, đánh giá tác động, luận giải khoa học có phải là tác nhân làm đô thị Tam Kỳ thoát lũ hạn chế hay không?” - ông Phong nói.

Thực tế cho thấy, đồ án quy hoạch không gian đô thị Tam Kỳ cũng chỉ mới giai đoạn triển khai xây dựng quy hoạch chi tiết, phân khu chưa khớp nối hạ tầng xây dựng chi tiết với hạ tầng khung. Dự án đê bao sông Tam Kỳ thi công năm 2018 đến nay mới được khoảng 8km còn dở dang, đợt lũ qua lũ tràn vào bên trong đê gây ngập, cô lập các khu dân cư. Cộng với hạn chế của hệ thống thoát nước của thành phố khiến đô thị ngập sâu và kéo dài thời gian. Vì vậy việc dành vốn đầu tư mở rộng khẩu độ hệ thống cống thoát nước là cần thiết. Theo nhận định của các kiến trúc sư, các công trình xây dựng như cầu Điện Biên Phủ, đường dẫn qua cánh đồng Nhong, đắp cao thành đê sông ngăn nước đã làm trái với quy luật tự nhiên của dòng chảy là một trong những nguyên nhân quan trọng làm chậm khả năng thoát lũ của đô thị Tam Kỳ. Sự can thiệp thô bạo của công trình bê tông cốt thép vô tình bó hẹp dòng chảy tự nhiên có thể được xem là một yếu tố làm cho thành phố như một túi đựng nước mỗi khi xảy ra mưa lớn trên diện rộng. “Về lâu dài, cần có một nghiên cứu tổng thể, chuyên sâu về thoát lũ cho toàn bộ lưu vực sông Trường Giang, Tam Kỳ và Bàn Thạch. Riêng với đô thị Tam Kỳ, phạm vi Khu kinh tế mở Chu Lai, việc phát triển đô thị, công nghiệp và các khu chức năng khác cần tuân thủ theo quy hoạch chuẩn bị kỹ thuật theo đồ án quy hoạch chung đô thị Tam Kỳ và quy hoạch chung khu kinh tế mở đã phê duyệt; chú trọng bảo tồn, hạn chế các công trình trên hành lang thoát lũ…” - ông Phong nêu giải pháp. (HỮU PHÚC)

NGẬP ÚNG KÉO DÀI, VÌ SAO?

Trong khi các địa phương được xem là trọng điểm lũ lụt của tỉnh như Đại Lộc, Hội An, Điện Bàn hay Duy Xuyên bị ngập không đáng kể thì Tam Kỳ lại ngập nặng và kéo dài. Nguyên nhân vì đâu?

Tuyến đường Điện Biên Phủ vừa hoàn thành năm 2018 có thể cản dòng thoát lũ. Ảnh: X.P
Tuyến đường Điện Biên Phủ vừa hoàn thành năm 2018 có thể cản dòng thoát lũ. Ảnh: X.P

Theo số liệu của các cơ quan chuyên môn, đợt mưa trong các ngày 8, 9, 10 tháng 12 tại Tam Kỳ bất thường về tần suất, mô hình và lượng, với lượng mưa lên đến hơn 900mm. Chính lượng mưa lớn kỷ lục đổ xuống trong thời gian ngắn khiến cho hệ thống thoát nước của Tam Kỳ “thất thủ”. Chưa kể, các địa phương lân cận là Phú Ninh, Thăng Bình cũng hứng chịu những trận mưa tương tự và nước từ các huyện này đổ về Tam Kỳ qua các con sông Bàn Thạch, Kỳ Phú, Trường Giang. Thêm vào đó, triều cường dâng cao ảnh hưởng đến việc thoát lũ của các dòng sông. Mực nước trên sông Bàn Thạch tại khu vực chợ Tam Kỳ vượt mức lũ năm 1999.

Hệ thống thoát nước chưa đồng bộ

Trong thời gian qua đã có nhiều dự án, công trình trị thủy cho Tam Kỳ được triển khai nhằm chống ngập như kè suối Tây Viên, kè sông Bạch Đằng, hệ thống thu gom, xử lý nước thải và thoát nước. Cùng với đó là các hồ điều hòa Nguyễn Du, Duy Tân, Ngã Ba được đầu tư có tổng diện tích gần 21ha với lượng nước chứa lên đến gần 419.000m3 có chức năng điều tiết, thoát nước ngập úng trong khu vực nội thị. Vậy mà Tam Kỳ vẫn bị ngập nặng, thậm chí còn nặng hơn các năm trước và một số vùng ngập vượt đỉnh lũ năm 1999.

Theo ông Nguyễn Văn Lệnh - Trưởng phòng Quản lý đô thị TP.Tam Kỳ, sau khi kiểm tra tình hình ngập úng, nghiên cứu các quy hoạch và dự án đã triển khai trên địa bàn thành phố, đơn vị đã có báo cáo đánh giá đầy đủ về thực trạng hệ thống thoát nước, nguyên nhân và đưa ra các giải pháp khắc phục. Ngoài yếu tố thiên nhiên như mưa lớn, triều cường dâng cao thì tốc độ đô thị hóa nhanh, mật độ xây dựng công trình cao dẫn đến giảm mạnh khả năng thấm tự nhiên và chiếm diện tích chứa nước cũng là một trong những nguyên nhân. Cụ thể, nhà ở riêng lẻ được xây dựng từ năm 2000 đến 2018 chiếm hơn 93ha, Khu công nghiệp Tam Thăng 200ha, đường đê sông Bàn Thạch và khu dân cư ADB 21ha, trạm xử lý nước thải Hòa Hương 19ha, khu dân cư đông Tân Thạnh gần 11ha… Trong khi đó, hệ thống hạ tầng kỹ thuật bao gồm hệ thống thoát nước và chống ngập úng không theo kịp với tốc độ phát triển đô thị. Đó là chưa kể, hệ thống thoát nước cũ, nhỏ, vốn không đáp ứng nhu cầu thoát nước, lại bị lấn chiếm, san lấp trái phép và chưa được duy tu, bảo dưỡng thường xuyên.

Phòng Quản lý đô thị TP.Tam Kỳ cũng nhận định, công tác dự báo chưa lường hết được biến đổi khí hậu nên thông số thiết kế theo quy hoạch đã không còn phù hợp với tình hình thực tế khiến một số tuyến thoát nước dù mới được đầu tư cũng trở nên quá tải. Thời gian tới cần triển khai lập quy hoạch chuyên ngành thoát nước TP.Tam Kỳ để có cơ sở triển khai đồng bộ hệ thống thoát nước và giải quyết được hiện trạng ngập úng trên địa bàn thành phố.

Quy hoạch đô thị bất cập

Bên cạnh hệ thống thoát nước chưa đồng bộ, sự bất cập trong công tác quy hoạch đô thị cũng là nguyên nhân khiến cho đô thị Tam Kỳ rơi vào tình cảnh bị ngập sâu. Chẳng hạn, khu dân cư dọc đường Bạch Đằng, khu vực chợ Tam Kỳ khá thấp so với mặt đường nên nước rất dễ bị dồn ứ khi trời mưa to, không thoát được ra sông Bàn Thạch. Trận lụt vừa qua cho thấy, nhiều khu vực khác nước đã rút hết nước nhưng ở đây vẫn còn ngập ứ lênh láng. Điều này cũng được ông Lệnh thừa nhận khi cho rằng, thiếu sự đồng bộ trong quản lý cao độ xây dựng, dẫn đến tình trạng hình thành các vùng trũng thấp cục bộ, đặc biệt là các khu vực đô thị hiện hữu so với các tuyến đường mới được nâng cấp hay các đô thị mới hình thành. Cạnh đó, hiện trạng cao độ các khu dân cư và các tuyến đường thấp dẫn đến nhiều khu vực thấp hơn mức nước sông khi có triều cường và mưa lớn nên nước không thể thoát tự nhiên ra ngoài.

Trong số các nguyên nhân gây ngập lụt, theo Phòng Quản lý đô thị TP.Tam Kỳ, còn có nguyên nhân là tuyến đường Điện Biên Phủ tạo thành tuyến đê ngăn, cản dòng nước thoát trên các sông Bàn Thạch, Kỳ Phú thoát xuống phía hạ lưu. Vì vậy, giải pháp lâu dài là cần phải đánh giá lại tác động, ảnh hưởng khi đô thị hóa khu vực phía đông thành phố sẽ gây ra hiện tượng ngập úng khu đô thị hiện hữu.

TƯỜNG VY

(0) Bình luận
x
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Giải bài toán ngập úng đô thị Tam Kỳ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO