Giới doanh nghiệp Quảng Nam đang rất kỳ vọng vào diễn đàn kết nối với ngân hàng sẽ được mở trong vài ngày tới. Liệu “cơn khát” tín dụng có được giải hạn hay cũng chỉ là cuộc gặp gỡ, thanh minh, giãi bày vốn thường thấy từ hai phía?
Dư nợ đã tăng
Hoạt động tín dụng đã có vẻ “hồng hào” hơn khi cuối tháng 5 Ngân hàng Nhà nước (NHNN) - chi nhánh Quảng Nam công bố tổng dư nợ cho vay nền kinh tế đã trên 25 nghìn tỷ đồng, tăng gần 5% so với đầu năm. Lĩnh vực ưu tiên đang được hưởng mức lãi suất vay thấp nhất trong vòng 5 năm trở lại đây, phổ biến ở mức 7 - 8%/năm (chiếm tỷ trọng 42%/tổng dư nợ); lãi suất cho vay sản xuất, kinh doanh khác mức 8 - 11,5%/năm và các khoản vay trung, dài hạn từ 9,5 - 13%/năm (chiếm 58%/tổng dư nợ). Vốn tín dụng tăng bất ngờ sau một thời gian khá dài bị “âm” được rót chủ yếu vào nông nghiệp - nông thôn, chiếm 31,48% (7.748,39 tỷ đồng); xuất khẩu chiếm 2,41%/tổng dư nợ (649,1 tỷ đồng), công nghiệp hỗ trợ chiếm 1,71%/tổng dư nợ (419,98 tỷ đồng) và tín dụng chính sách chiếm 12,51%/tổng dư nợ (3.134,92 tỷ đồng).
Hy vọng các ngân hàng sẽ nới lỏng tín dụng, đưa vốn vào nền kinh tế nhiều hơn. (Ảnh chỉ có tính minh họa) |
NHNN – chi nhánh Quảng Nam lý giải tổng dư nợ cho vay tăng do một số doanh nghiệp có nhu cầu vay vốn ngắn hạn hoặc tranh thủ nguồn vốn lãi suất thấp để giải quyết thanh khoản, còn nhu cầu vốn để mở rộng sản xuất của doanh nghiệp chưa cao. Một số ngân hàng cũng đang lưỡng lự giải ngân cho vay nuôi trồng, xuất khẩu thủy sản, hỗ trợ ngư dân đóng tàu… vì chi phí thẩm định, kiểm soát và thu hồi vốn khá cao. “Trào lưu” cho vay tiêu dùng, tín chấp cá nhân với lãi suất cao đang được một số ngân hàng hướng tới… Thay đổi tư duy tín dụng để có lợi nhuận ổn định, giảm thiểu rủi ro là chuyện bức bách, nhưng nhu cầu tín dụng lại không phụ thuộc vào mong muốn chủ quan mà chủ yếu là dựa trên “sức khỏe” doanh nghiệp. Hiện, nhiều ngân hàng, tổ chức tài chính thậm chí phải cho nhân viên gọi điện thoại, phát tờ rơi, mời người vay vốn với thủ tục đơn giản, thuận lợi. Điều đó cho thấy, lực cầu tín dụng đang rất yếu, không thể có được tăng trưởng dư nợ ngay một sớm một chiều. Nếu các doanh nghiệp quá “ốm yếu”, không đủ sức hấp thụ thêm vốn thì có muốn, ngân hàng cũng không thể nào mở tín dụng ồ ạt được.
Ông Nguyễn Văn Diện, Giám đốc NHNN – chi nhánh Quảng Nam cho hay ngân hàng không thể đầu tư ồ ạt cho bất kỳ dự án nào. Nếu không đáp ứng được yêu cầu, điều kiện tín dụng thì doanh nghiệp vẫn khó tiếp cận vốn giá rẻ. Doanh nghiệp phải chứng minh phương án sản xuất hiệu quả, dòng tiền trở về và khả năng trả nợ ngân hàng đúng hạn. Ngân hàng không thể hạ chuẩn cho vay vì sợ gây ra rủi ro tín dụng và nguy cơ nợ xấu chồng nợ xấu. “Mối quan tâm không phải ở con số phần trăm tăng trưởng tín dụng mà là năng lực quản lý rủi ro, hóa giải kịp thời những nguy cơ, tháo gỡ nhanh chóng những nút thắt cho nền kinh tế của ngân hàng. Suy cho cùng, điều cần là chất lượng tín dụng, dòng tiền chảy đến nơi cần chảy chứ không phải là con số tăng trưởng nhiều hay ít” - ông Diện nói.
Nới lỏng tín dụng?
Lãi suất và nợ xấu là điều được nhắc đến với tần suất dày đặc khi đề cập hoạt động tiền tệ mấy tháng qua. Dòng tiền đang “ngập ngừng” trước tất cả kênh đầu tư. Vốn vẫn không đến được doanh nghiệp. Tiền không biết giải ngân vào đâu là thực trạng đáng lo ngại hơn cả. NHNN và các ngân hàng thương mại tại Quảng Nam đều nói một trong những nguyên nhân cơ bản cản trở tăng trưởng tín dụng là nợ xấu. Hiện tổng nợ xấu đã gần 882 tỷ đồng, chiếm 3,5%/tổng dư nợ, tăng 9,3% so với đầu năm, chủ yếu là của doanh nghiệp (chiếm tới 91%). Nhưng, lãi suất tín dụng, nợ xấu vẫn chưa được mổ xẻ hoặc giải quyết thiếu căn cơ, thiếu chiều sâu, chưa đúng cả thời điểm lẫn liều lượng nên hiệu quả bị giới hạn. Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Nguyễn Ngọc Quang dự báo tín dụng sẽ còn xuống thấp. Tăng trưởng tín dụng âm là nguy cơ của nền kinh tế. Vốn không được bơm ra thị trường thì sẽ ảnh hưởng rất lớn tới tăng trưởng. Doanh nghiệp đang mất phương hướng. Khó khăn sẽ còn kéo dài đến hết năm. Hỗ trợ cho doanh nghiệp trong thẩm quyền của chính quyền là điều cần thiết.
Hiện thực hóa ý tưởng của chính quyền, một diễn đàn kết nối giữa ngân hàng và doanh nghiệp sẽ được mở trong một vài ngày tới. Giới doanh nghiệp đã đón nhận thông tin này với hai trạng thái tâm lý trái ngược nhau. Kẻ tin trước khó khăn của nền kinh tế, có thể sự “can thiệp” của chính quyền sẽ giúp họ tiếp cận vốn tốt hơn. Có người không tin sự gặp gỡ sẽ đi đến kết quả tốt đẹp. Trên thực tế, không ít doanh nghiệp đã kỳ vọng rất nhiều vào các diễn đàn kết nối giữa ngân hàng và doanh nghiệp, nhưng kết quả cuối cùng cũng chỉ là những tiếng thở dài “càng gỡ, càng rối”. Bởi giới ngân hàng vẫn khăng khăng giữ mục tiêu hoạt động vì lý do an toàn hệ thống, buộc doanh nghiệp phải đáp ứng điều kiện tín dụng. Ngay như ông Nguyễn Quang Việt - Giám đốc Vietcombank với tư cách Chủ tịch Hiệp hội doanh nghiệp Quảng Nam đã phải thừa nhận ngân hàng siết vốn, doanh nghiệp gặp khó, nhưng để vay được tiền thì cũng cần phải có điều kiện. Còn ông Nguyễn Văn Diện nói sẽ khó, nhưng không phải là không có cách để khơi dòng tín dụng. Diễn đàn sắp tới sẽ nâng cao tính chủ động, trách nhiệm của từng ngân hàng, chia sẻ khó khăn, tạo điều kiện doanh nghiệp tiếp cận vốn vay, giúp ngân hàng đưa vốn vào sản xuất, đạt mục tiêu tăng trưởng tín dụng.
Sẽ rất khó để ngân hàng “giải cơn khát” tín dụng cho doanh nghiệp khi chỉ bằng những lời kêu gọi trách nhiệm xã hội. Hy vọng những tuyên bố ấy không chỉ là lý thuyết, nếu như giới ngân hàng có thể nới lỏng điều kiện tín dụng, nhìn vào tính khả thi của những dự án để quyết định cho vay hay không, chứ đừng nhìn vào việc có tài sản thế chấp hay không? Có lẽ sẽ có câu trả lời cụ thể trong một vài ngày tới, sau diễn đàn có tính quyết định trong bối cảnh doanh nghiệp vẫn đang gặp nhiều khó khăn.
TRỊNH DŨNG