Nhiều doanh nghiệp “biến mất” sau vài cuộc thống kê gần đây của các cơ quan quản lý cho thấy “sức khỏe” của doanh nghiệp đã yếu đi rõ rệt. Những thông tin về doanh nghiệp đói vốn, còn tín dụng không thể tăng trưởng được, đẩy nền kinh tế địa phương sụt giảm đã khiến chính quyền và cơ quan quản lý sốt ruột. Nhiều kế hoạch đối thoại, kết nối đã được tổ chức nhưng chưa thể hiện thực hóa trong hiện tại. Những thống kê từ Phòng Thương mại và công nghiệp Việt Nam (VCCI) đã chỉ ra hiện nhiều doanh nghiệp không chỉ “chết” vì các nguyên nhân tự thân, mà còn do bất cập về môi trường pháp lý và chính sách. Những điều kiện kinh doanh bất hợp lý mọc lên như nấm suốt nhiều năm qua. Hệ thống luật lệ chồng chéo và thiếu minh bạch dẫn đến cơ quan quản lý dễ vận dụng để tạo thuận lợi cho mình, đẩy khó khăn cho doanh nghiệp; chính quyền không “chung thủy” khi kêu gọi được doanh nghiệp đầu tư vào địa phương thì thay đổi chủ trương, phớt lờ quy hoạch, đẩy họ vào tình thế khó khăn.
Trong báo cáo VCCI doanh nghiệp nói rủi ro pháp lý và chính sách vẫn là rủi ro lớn nhất đối với doanh nghiệp. Tại Quảng Nam, đã từng có văn bản gửi tới VCCI từ Công ty CP Giao thương Quảng Xưa (Hiệp Đức) cho biết doanh nghiệp vừa và nhỏ gặp rất nhiều khó khăn trong việc thực hiện các dự án đầu tư. Cái khó lớn nhất chính là thủ tục hành chính, tiếp cận nguồn vốn đầu tư, thông tin về thị trường, tiếp cận khoa học công nghệ. Chính những khó khăn này đã làm suy yếu nội lực bản thân doanh nghiệp, thậm chí dẫn đến phá sản vì không đủ nội lực cạnh tranh với các doanh nghiệp nước ngoài. Hay như ông Nguyễn Phương Nam - Giám đốc Công ty CP Đất Quảng nói trong cuộc đối thoại doanh nghiệp mới đây là không thể khai thác được đất sét, không có cơ chế nào hỗ trợ, nguy cơ doanh nghiệp đứng bên bờ vực phá sản hoặc phải rời bỏ thị trường đã được báo trước.
Thực tế, Quảng Nam có rất ít doanh nghiệp đầu đàn cỡ lớn, đủ mạnh để cạnh tranh ngang ngửa trên thương trường. Số lượng doanh nghiệp rời bỏ thị trường ngày càng gia tăng không thể là chuyện bình thường được mà đó là chỉ dấu bất an của nền kinh tế, thể hiện sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp không phải lúc nào cũng suôn sẻ. Chắc chắn chính quyền không đủ lực để cứu tràn lan, doanh nghiệp phải dựa vào nỗ lực chính mình để vượt khó và muốn tồn tại lâu dài thì phải thay đổi tư duy, có chiến lược phát triển bài bản. Phải chấp nhận hàng loạt doanh nghiệp phá sản theo quy luật khắc nghiệt của thị trường cũng là chuyện đương nhiên. Doanh nghiệp phá sản chắc chắn sẽ gây hệ lụy cho nền kinh tế, nhưng đó cũng là sự sàng lọc để tồn tại những doanh nghiệp mạnh khỏe trong “cơ thể” của nền kinh tế. Tuy nhiên, để đạt con số 7.500 doanh nghiệp vào năm 2020 thì bình quân mỗi năm Quảng Nam phải phấn đấu tăng thêm số doanh nghiệp hoạt động ít nhất là 550, nhưng phải giảm thiểu thấp nhất số doanh nghiệp rời bỏ thị trường… nên chính sách hỗ trợ của Nhà nước vẫn là điều cần thiết!
NHẬT PHONG