Sở LĐ-TB&XH vừa tổ chức hội thảo “Thực trạng và giải pháp bình đẳng giới (BĐG) tỉnh Quảng Nam”. Tại hội thảo, các đại biểu đều khẳng định, trong những năm qua, BĐG đã được quan tâm ở hầu hết các lĩnh vực. Tuy nhiên, vẫn còn nhiều việc phải làm để dần xóa bỏ rào cản nhằm hướng đến sự bình đẳng “thực chất”.
Nâng dần vị thế phụ nữ
Thời gian qua, trong quy hoạch ban chấp hành, ban thường vụ, các chức danh chủ chốt ở cấp huyện, tỷ lệ nữ chiếm tỷ lệ cao nhất chỉ đạt 14,6%, ở cấp tỉnh cao nhất đạt 9,71%. Theo bà Phạm Thị Ngọc Ánh - Phó Trưởng ban Vì sự tiến bộ phụ nữ ngành y tế tỉnh, tỷ lệ nữ hiện chiếm gần 74% tổng số lao động toàn ngành, tuy nhiên, cán bộ nữ nắm giữ chức vụ chủ chốt vẫn còn rất ít. Dù chiếm tỷ lệ không cao, nhưng theo đánh giá của Sở Nội vụ, cán bộ nữ được giao đảm nhiệm cương vị công tác nào cũng vững vàng về chính trị, giữ vững phẩm chất đạo đức, có năng lực sáng tạo, phát huy được vai trò trách nhiệm, đảm bảo hiệu quả công tác. Ông Nguyễn Nhật Đức - cán bộ Sở Nội vụ tỉnh cho biết: “Qua thực tiễn công tác, các cán bộ nữ đã thể hiện được năng lực trong điều hành, quản lý, xây dựng và tập hợp quần chúng; làm nòng cốt trong các phong trào ở đơn vị, địa phương. Các chị ngày càng phát huy và khẳng định vai trò của giới nữ trong cơ quan lãnh đạo Đảng, chính quyền, đoàn thể chính trị - xã hội các cấp”.
Các đại biểu tham gia hội thảo đã đưa ra nhiều giải pháp thực hiện công tác bình đẳng giới. Ảnh: D.LỆ |
Ở các địa phương, hoạt động giúp phụ nữ phát triển kinh tế, thoát nghèo như phong trào “Phụ nữ giúp nhau phát triển kinh tế gia đình”, “Phụ nữ làm kinh tế giỏi”, “Giúp phụ nữ nghèo có địa chỉ”... tiếp tục được đẩy mạnh ở 100% cơ sở hội. Hội Liên hiệp phụ nữ tỉnh xác định, có nhiều việc cần làm để nâng cao nhận thức về BĐG, trong đó tập trung vào các giải pháp như giúp phụ nữ tiếp cận với các dịch vụ xã hội; kiến thức pháp luật; vay vốn giải quyết việc làm, phát triển kinh tế; tăng cường đề bạt phụ nữ tham gia vào các tổ chức chính trị - xã hội, bổ nhiệm vào các chức danh chủ chốt...
Ở một khía cạnh khác, theo ông Hồ Xuân Tịnh - Phó Giám đốc Sở VH-TT&DL, bất bình đẳng là nguyên nhân sâu xa gây nên bạo lực gia đình, vấn đề đang được cả xã hội quan tâm. Trong các nguyên nhân gây tổn hại sức khỏe, thể chất; tổn thương về tâm lý, tinh thần; tan vỡ gia đình; rối loạn trật tự, an toàn xã hội... đều có hơn 80% xuất phát từ bạo lực gia đình. Trong khi đó, lâu nay các cấp, hội đoàn thể chưa thực sự can thiệp vào vấn đề bạo lực gia đình một cách tích cực do tâm lý nể nang, sợ “mất lòng” và còn vì suy nghĩ đó là “chuyện nhà người ta”. Vì thế BĐG cần được chú trọng từ mỗi gia đình để góp phần thực hiện bình đẳng thực chất trong toàn xã hội.
Giải pháp cho BĐG
Quảng Nam hiện có 18.012 (trong tổng số 28.456) cán bộ, công chức, viên chức là nữ (chiếm tỷ lệ 63,3%). Từ năm 2011 đến năm 2013, Sở Nội vụ đã phối hợp với Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh xây dựng kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng (kỹ năng lãnh đạo, kỹ năng giao tiếp, thuyết trình...) cho cán bộ nữ cấp huyện, xã, đặc biệt là cán bộ nữ thuộc Dự án 600 của Trung ương và Đề án 500 của tỉnh ở các xã thuộc các huyện miền núi. |
Những phân tích đưa ra tại hội thảo cho thấy sự bình đẳng hiện nay vẫn chưa “thực chất” trên nhiều khía cạnh. Góp ý giải pháp cho BĐG, bà Nguyễn Thị Thanh Hóa - cán bộ Hội Liên hiệp phụ nữ tỉnh nêu cách làm của đơn vị mình: “Hội Liên hiệp phụ nữ tỉnh thường xuyên phối hợp các ngành liên quan tăng cường tuyên truyền chủ trương, chính sách, pháp luật của Đảng, Nhà nước có liên quan đến quyền lợi phụ nữ, trẻ em; triển khai những biện pháp nhằm ngăn chặn, triệt phá các tổ chức chuyên mua bán phụ nữ - trẻ em... Phối hợp tuyên truyền Công ước xóa bỏ mọi hình thức phân biệt đối xử với phụ nữ, nhằm đảm bảo cho phụ nữ có địa vị pháp lý ngang bằng với nam giới như quyền bình đẳng về việc làm, giáo dục, chính trị, hôn nhân và gia đình”.
Đối với ngành VH-TT&DL, thời gian tới ngành sẽ lồng ghép công tác BĐG vào tiêu chí xét gia đình văn hóa, thôn - khối phố, cơ quan văn hóa và tiêu chí xây dựng nông thôn mới. “Toàn ngành tiếp tục đẩy mạnh và nhân rộng mô hình gia đình phát triển bền vững, câu lạc bộ - nhóm phòng, chống bạo lực gia đình tăng từ con số 105 hiện nay lên 250 trong năm 2014. Thành lập các địa chỉ tin cậy và đường dây nóng về công tác phòng, chống bạo lực gia đình tại các địa phương trên địa bàn tỉnh vào năm 2014” - ông Tịnh nói. Đại diện Sở Nội vụ cho rằng, cần đẩy mạnh hơn nữa việc lồng ghép công tác BĐG vào chương trình phát triển kinh tế - xã hội của mỗi địa phương và nhiệm vụ chính trị của các cơ quan, đơn vị. Cần thực hiện tốt công tác tạo nguồn, phát hiện, bồi dưỡng cán bộ nữ ở các đơn vị, địa phương thuộc tỉnh nhất là cán bộ nữ thuộc Dự án 600 của Trung ương và Đề án 500 của tỉnh...
Ông Lê Huy Tứ - Chánh Văn phòng Sở LĐ-TB&XH tỉnh góp ý: “Các biện pháp thúc đẩy BĐG phải được thực hiện trên nhiều lĩnh vực của đời sống xã hội và gia đình. Trong đó cần quan tâm đối với miền núi, vùng đồng bào dân tộc thiểu số, bãi ngang ven biển và hải đảo, những nơi tỷ lệ hộ nghèo còn cao, nơi thu hồi đất sản xuất để đầu tư các dự án, với các chính sách như chăm sóc sức khỏe bà mẹ và trẻ em, sức khỏe sinh sản; cho hộ nghèo, hộ cận nghèo vay vốn sản xuất, cho vay vốn xuất khẩu lao động; hỗ trợ hộ nghèo về nhà ở, đào tạo nghề cho lao động nông thôn, miễn giảm học phí cho học sinh, sinh viên...”. Cũng theo ông Tứ, tỉnh cần ban hành chính sách hỗ trợ cán bộ nữ tham gia đào tạo để chuẩn hóa trình độ chuyên môn, lý luận chính trị, đào tạo sau đại học; tạo điều kiện cho phụ nữ tham gia các hoạt động chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội; quan tâm xây dựng đội ngũ cán bộ nữ, quy hoạch, đề bạt bổ nhiệm cán bộ nữ lãnh đạo, quản lý các cấp”.
DIỄM LỆ