Giải phóng mặt bằng dự án đường cao tốc Đà Nẵng – Quảng Ngãi: Gặp khó về vốn

CÔNG TÚ 01/03/2014 16:36

(QNO) - Buổi làm việc giữa đoàn công tác của Bộ GTVT do Thứ trưởng Nguyễn Ngọc Đông làm trưởng đoàn với UBND tỉnh diễn ra vào chiều 28.2 về giải phóng mặt bằng (GPMB) phục vụ dự án đường cao tốc Đà Nẵng - Quảng Ngãi đã tháo gỡ nhiều vướng mắc, song vốn thực hiện lại gặp khó.

Thứ trưởng Nguyễn Ngọc Đông yêu cầu nhà thầu gói 3A khẩn trương ký quỹ đền bù, đảm bảo an dân.
Thứ trưởng Nguyễn Ngọc Đông yêu cầu nhà thầu gói 3A khẩn trương ký quỹ đền bù, đảm bảo an dân.

Tiến độ khả quan

Dự án đường cao tốc Đà Nẵng - Quảng Ngãi có tổng chiều dài 139,52km, trong đó đi qua Quảng Nam dài 91,235km trên địa bàn của 7 huyện, thành phố gồm Điện Bàn, Duy Xuyên, Quế Sơn, Thăng Bình, Phú Ninh, Tam Kỳ và Núi Thành. Tổng mức đầu tư sau khi được điều chỉnh là 27.968 tỷ đồng, do Tổng Công ty Đầu tư và phát triển đường cao tốc Việt Nam (VEC) làm chủ đầu tư. Trong đó, chi phí dành cho công tác GPMB (tính cả bồi thường, tái định cư) là 1.831 tỷ đồng; riêng Quảng Nam chiếm 1047,338 tỷ đồng. Số diện tích đất phải thu hồi khoảng 691,1154ha (đất ở và vườn ao chiếm 58,9409ha); có 6.749 hộ dân bị ảnh hưởng với 887 hộ phải bố trí tái định cư (TĐC) tương ứng với 1.157 lô đất. Từ khối lượng công việc khổng lồ mà trung ương giao cho tỉnh GPMB như trên, các cấp, các ngành và các địa phương bị ảnh hưởng của dự án thời gian qua bằng nhiều giải pháp đã có nhiều nỗ lực, cố gắng thực hiện được 43,772km/91,235km (đạt 48%). Đến nay, Quảng Nam đã giải ngân xong 474,615 tỷ đồng trong tổng số 492 tỷ đồng mà Bộ GTVT bố trí. Số vốn còn lại sẽ giải ngân hết trước ngày 15.3 năm nay khi các huyện, thành phố đang trình phương án chờ phê duyệt để chi trả.

Báo cáo với đoàn công tác của Bộ GTVT, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đinh Văn Thu cho biết, xác định công tác GPMB để xây dựng dự án trọng điểm quốc gia này là trách nhiệm của cả hệ thống chính trị, nên Quảng Nam đã tổ chức nhiều cuộc họp tháo gỡ vướng mắc, kể cả trên công trường; ban hành các văn bản, chỉ thị liên quan nhằm tập trung cao độ thực thi nhiệm vụ.

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đinh Văn Thu cho biết, vừa qua, lãnh đạo tỉnh đã trực tiếp đi thực địa, tổ chức họp với từng địa phương nhằm tháo gỡ những vướng mắc trong GPMB, chỉ đạo và đôn đốc đẩy nhanh tiến độ (Báo Quảng Nam đã phản ánh). Hiệu quả triển khai ở các huyện, thành phố chuyển biến rất tích cực. Bây giờ thiếu vốn, công sức mà cán bộ cơ sở bỏ ra nhằm tuyên truyền, vận động nhân dân ủng hộ chủ trương và đồng ý nhận tiền đền bù sẽ trở thành công cốc. Bởi nếu để lâu, họ lại sợ người dân sẽ đổi ý. Trong điều kiện nội lực có hạn, tỉnh lại “kham” ứng kinh phí GPMB cho cả dự án mở rộng quốc lộ 1 và đường cao tốc quả là quá sức. Thế nhưng, tiến độ GPMB dự án đường cao tốc hiện đang khả quan thì không có lý do gì “kìm hãm” nó lại. Vì vậy, ngoài việc tỉnh linh hoạt ứng kinh phí GPMB trước trong một số trường hợp cần thiết, Bộ GTVT và chủ đầu tư cần có giải pháp thiết thực cho vấn đề trên.

Thay mặt lãnh đạo tỉnh, đồng chí Đinh Văn Thu đề nghị Bộ GTVT và VEC bố trí tiếp 141 tỷ đồng để các địa phương kịp chi trả cho dân trong tháng 3; trong tháng 4 và tháng 5 tiếp tục bố trí thêm 414 tỷ đồng mới kịp hoàn thành GPMB, bàn giao toàn tuyến trước ngày 30.6.2014 theo kế hoạch của tỉnh. VEC  khẩn trương tổ chức tiếp nhận mặt bằng còn lại 28,672/43,772km đã giải tỏa, đặc biệt đoạn qua TP.Tam Kỳ giải phóng xong từ năm 2011 nhưng đến nay chủ đầu tư vẫn chưa nhận.

Trong quá trình triển khai thi công, các nhà thầu sử dụng nhiều tuyến tỉnh lộ, huyện lộ và đường xã để làm đường công vụ vào công trường phục vụ xây dựng. Vì vậy, tỉnh đề nghị Bộ GTVT và VEC chỉ đạo các Ban Quản lý dự án, nhà thầu khảo sát, xây dựng kế hoạch, thời gian sử dụng đường công vụ cũng như nhu cầu trọng tải vận chuyển vật tư, thiết bị phục vụ thi công. Trên cơ sở ấy, đơn vị liên quan thực hiện cải tạo, nâng cấp các tuyến đường của địa phương mà sử dụng làm đường công vụ; có biện pháp đảm bảo quyền lợi nhân dân trong vùng dự án khi có thiệt hại xảy ra. VEC khẩn trương thống nhất với nhà thầu thi công gói thầu 3A thực hiện ký quỹ theo dự trù kinh phí đã được Trung tâm Kiểm định chất lượng công trình - Sở Xây dựng lập, đảm bảo khắc phục sự cố chấn động nhà 2 bên đường công vụ liên thôn Kỳ Lam, Kỳ Long (xã Điện Thọ, Điện Bàn) sau này khi đã phục vụ thi công gói thầu 3A để người dân yên tâm.

Gặp khó về vốn

Thay mặt Bộ GTVT, Thứ trưởng Nguyễn Ngọc Đông đánh giá cao và cảm ơn sự nỗ lực của UBND tỉnh, các cấp, các ban ngành, hội đoàn thể có liên quan ở Quảng Nam thời gian đã thực hiện linh hoạt và đạt được kết quả cao trong công tác GPMB phục vụ dự án. Thứ trưởng yêu cầu VEC, các Ban Quản lý dự án làm việc các nhà thầu để lập kế hoạch tổng hợp, chọn thứ tự ưu tiên triển khai thi công các gói thầu; phối hợp cùng địa phương tiến hành khảo sát thêm các đường công vụ khác xong trước ngày 15.3 năm nay; nắm thường xuyên tổng kinh phí để chủ động bố trí vốn GPMB hợp lý.

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đinh Văn Thu kiến nghị Bộ GTVT sớm có giải pháp bố trí vốn GPMB.
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đinh Văn Thu kiến nghị Bộ GTVT sớm có giải pháp bố trí vốn GPMB.

Trước sự “đùn đẩy trách nhiệm” giữa chủ đầu tư và nhà thầu trong việc ký quỹ đền bù (sau khi hoàn trả đường công vụ) cho 139 hộ dân bị ảnh hưởng nứt nhà do dư chấn trong quá trình vận chuyển vật tư, trang thiết bị quá tải trọng gây nên, Thứ trưởng Nguyễn Ngọc Đông yêu cầu liên danh nhà thầu gói 3A gồm Tổng Công ty Xây dựng công trình giao thông 4 và Tổng Công ty Xây dựng Thăng Long sớm thực hiện. Đồng thời, VEC và các bên liên quan chuẩn bị khẩn trương đưa gói thầu số 2 vào thi công, khi đó sẽ có đường công vụ khác phục vụ xây dựng gói thầu này và chính gói thầu 3A. Thứ trưởng Nguyễn Ngọc Đông cũng mong Quảng Nam thông cảm vì chưa thể đáp ứng đầy đủ theo nhu cầu vốn phục vụ công tác GPMB mà tỉnh đã đề nghị (trong tháng 3 chỉ bố trí được 90 tỷ đồng). Trong một số trường hợp cần thiết, Bộ GTVT rất mong tỉnh chia sẻ cho ứng trước kinh phí thực hiện công tác trên.

Theo phản ứng của các địa phương tham dự buổi làm việc, Bộ GTVT và VEC thời gian trước đây liên tục hối thúc và có ý kiến đánh giá việc triển khai GPMB qua địa bàn Quảng Nam chưa đáp ứng nhu cầu. Nay, công tác này đang có những chuyển biến tích cực thì nguồn vốn phân bổ lại không đủ. Thực tế đó sẽ gây rất nhiều khó khăn cho địa phương. “Một khi người dân đồng ý nhận tiền đền bù hoặc chấp nhận suất đầu tư hạ tầng, chúng tôi phải chi trả tiền ngay lập tức để họ bàn giao mặt bằng. Nó sẽ giảm áp lực cho việc xây dựng các khu TĐC vừa kéo dài thời gian, lại dễ khiến người dân mất lòng tin vì chờ đợi lâu quá. Chưa kể, chúng ta phải phòng ngừa trường hợp có thiểu số phần tử xấu lôi kéo, vận động bà con không hợp tác” - một cán bộ làm công tác GPMB chia sẻ.

CÔNG TÚ

  • Giải phóng mặt bằng dự án đường cao tốc Đà Nẵng - Quảng Ngãi: Chưa đáp ứng tiến độ
  • Giải phóng mặt bằng mở rộng quốc lộ 1 và đường cao tốc: "Cần thực hiện tốt công tác an dân"
  • Quyết liệt triển khai giải phóng mặt bằng dự án mở rộng quốc lộ 1 và đường cao tốc
  • Tam Kỳ: Đầu tư Trạm dừng nghỉ trên đường cao tốc Đà Nẵng - Quảng Ngãi
  • Giải phóng mặt bằng đường cao tốc Đà Nẵng - Quảng Ngãi: Chạy đua với thời gian
  • Khởi công gói thầu A4 đường cao tốc Đà Nẵng - Quảng Ngãi
  • Đẩy nhanh tiến độ giải phóng mặt bằng dự án mở rộng quốc lộ 1 và đường cao tốc Đà Nẵng - Quảng Ngãi
  • Di dời mốc địa chính để thi công đường cao tốc Đà Nẵng - Quảng Ngãi
  • Dự án đường cao tốc Đà Nẵng - Quảng Ngãi: Tuyên truyền pháp luật cho dân bị thu hồi đất
(0) Bình luận
x
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Giải phóng mặt bằng dự án đường cao tốc Đà Nẵng – Quảng Ngãi: Gặp khó về vốn
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO