Ông Lê Văn Khả ở khối phố Mỹ Thạnh Bắc (TP.Tam Kỳ) gửi đơn phản ánh: Lều quán, công trình phụ mà gia đình ông đang ở, làm ăn được xây dựng từ tháng 3.2004 nằm trên đất bà nội cho năm 2000. Trước đây, khu vực này là đất nghĩa địa mà dự án xây dựng Trường Chính trị tỉnh, dự án hồ điều hòa Nguyễn Du đã giải phóng mặt bằng, bồi thường. Trong đơn, ông Khả cũng thừa nhận đất nguyên thủy thuộc quyền sử dụng của ông Lê Văn Cường, bà Lê Thị Đào, ông Nguyễn Văn Quá và bà Phạm Thị Thủy trồng hoa màu, bạch đàn và đất nghĩa địa. Trao đổi với chúng tôi, ông Khả cho rằng, nếu trả lại cảnh quan đô thị cho thành phố, ông sẵn sàng tháo dỡ lều quán phía trước, nhưng Nhà nước cần tạo điều kiện để ông tiếp tục buôn bán làm ăn vì ông đã sinh sống hơn 10 năm nay.
Lều quán của ông Khả sát cổng Văn Thánh Khổng Miếu tồn tại hơn 10 năm nay. Ảnh: T.N |
Ông Trương Công Ba - cán bộ địa chính phường Tân Thạnh cho biết, trước đây gia đình ông Khả có làm nhà, buôn bán ở khu vực gần đó, sau dịch chuyển qua sát bên cổng vào Văn thánh Khổng miếu. Ông Khả dựng lều quán không phép, giấy tờ đất không có trong hồ sơ 299, 60/CP. Ông chỉ đem hồ sơ chế độ cũ ra làm căn cứ, nhưng toàn bộ viết bằng chữ Nho, lại không có tờ bản đồ nên không thể xác định được thửa đất. “Giấy tờ của chế độ cũ cũng là một trong những yếu tố được xem xét giải quyết nhưng với điều kiện đất ở không biến động. Trong khi đó, đất ông Khả đang dựng quán do Nhà nước quản lý lâu nay. Sai sót là 10 năm trước chính quyền không lập biên bản xây dựng công trình trái quy định” - ông Ba nói.
Làm việc với chúng tôi, ông Huỳnh Tấn Lịch - Phó Chủ tịch UBND phường Tân Thạnh khẳng định, quan điểm của địa phương là giải quyết có tình có lý, tạo điều kiện cho ông Khả tự tháo dỡ trả lại mặt bằng, chính quyền cũng bố trí địa điểm mới thuận lợi để ông làm ăn buôn bán.
TRẦN NGUYỄN