Vượt qua nhiều trở lực, việc thực hiện đào tạo nghề và giải quyết việc làm cho người lao động ở thị xã Điện Bàn trong 5 năm qua đã có sự chuyển biến rõ nét.
Thực hiện nhiệm vụ đào tạo nghề, giải quyết việc làm giai đoạn 2011 - 2015, thị xã Điện Bàn phải đối mặt với nhiều thách thức, nhất là trong bối cảnh suy thoái kinh tế tác động đến hoạt động sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp, khiến họ phải cắt giảm lao động. Vấn đề nan giải là phần lớn số người thuộc độ tuổi lao động chưa qua đào tạo nghề nên không đáp ứng nhu cầu tuyển dụng từ phía đối tác, đồng thời chuyện tự tìm việc chẳng hề dễ dàng. Trên bước đường đô thị hóa, diện tích đất nông nghiệp tại Điện Bàn bị thu hẹp, điều đó đồng nghĩa với việc dôi dư số lao động “chân lấm tay bùn”, tăng thêm số lượng thất nghiệp. Do đó, quá trình chuyển đổi ngành nghề sang các lĩnh vực phi nông nghiệp thật sự khó khăn. Bà Trần Thị Trị - Trưởng phòng LĐ-TB&XH thị xã Điện Bàn cho biết , lao động nông nghiệp, thợ thủ công hoặc người làm ngành nghề tự do, họ có tư tưởng tiểu nông, tự do phóng túng, khi vào làm việc trong các dây chuyền công nghiệp, một số “công nhân” thích nghỉ lúc nào thì nghỉ. Sự tùy tiện đó khiến họ ít có cơ hội tìm kiếm được việc làm ổn định. Cạnh đó, một số xã, phường chưa xây dựng kế hoạch hàng năm; cán bộ kiêm nhiệm nhiều việc, thay đổi liên tục và nằm ngoài định biên nên làm việc thiếu nhiệt tình và hiệu quả thấp.
Một trang trại nuôi thỏ của Tổ hợp tác thanh niên Thành Đạt (xã Điện Hòa). Ảnh: Thị đoàn Điện Bàn cung cấp |
Khắc phục những khó khăn vừa nêu, Điện Bàn đã chỉ đạo các ngành, địa phương rà soát, thống kê số lượng lao động có nhu cầu học nghề. Qua đó, chính quyền thị xã yêu cầu các ngành chuyên môn phối hợp với các trường, trung tâm dạy nghề có năng lực, uy tín và doanh nghiệp, cơ sở sản xuất kinh doanh trong và ngoài địa bàn mở các lớp đào tạo nghề cho lao động nông thôn. Nhờ vậy, toàn thị xã có 11.050 người được đào tạo nghề, đạt 118% so với kế hoạch đề ra. Nói về hiệu quả phối hợp đào tạo nghề, bà Đinh Thị Lệ - Chủ tịch Hội LHPN Điện Bàn cho hay, đơn vị đã liên kết mở được 7 lớp kỹ thuật chế biến món ăn cho chị em có nhu cầu ở các xã Điện Thọ, Điện Phước và Điện Trung. Cạnh đó, hội còn vận động phụ nữ tham gia các lớp đào tạo về trồng rau an toàn, sử dụng thuốc thú y trong chăn nuôi, trồng lúa năng suất cao… “Ngoài chứng chỉ nghề chế biến món ăn, hội còn phối hợp với Trung tâm Y tế Điện Bàn tập huấn và cấp chứng chỉ Vệ sinh an toàn thực phẩm. Nhờ vậy, nhiều chị mạnh dạn đứng ra làm chủ các cơ sở chuyên cung cấp dịch vụ lễ, tiệc. Tại Điện Thọ, chị Trần Thị Tằm thành lập câu lạc bộ chế biến món ăn” - bà Lệ nói.
Song song với công tác đào tạo nghề, Điện Bàn còn tập trung đẩy mạnh giải quyết việc làm, xem đây là nhân tố quyết định chuyển dịch cơ cấu lao động. Giai đoạn 2011 - 2015, thị xã đào tạo nghề cho 9.300 người và giải quyết việc làm cho 21 nghìn lao động. Cơ cấu lao động chuyển dịch thấy rõ. Cụ thể, năm 2011 tỷ lệ làm việc trong ngành nông - lâm - ngư nghiệp chiếm 36%, đến nay giảm còn 21%. Năng động trong giải quyết việc làm là tuổi trẻ Điện Bàn. Phó Bí thư Thường trực Thị đoàn Điện Bàn Đặng Hữu Tú chia sẻ, đơn vị phối hợp với các bên liên quan tổ chức 6 sàn giao dịch việc làm cho thanh niên, qua đó có 1.500 bạn trẻ nắm bắt được cơ hội nghề nghiệp. Cạnh đó, thị xã còn có 82 mô hình thanh niên làm kinh tế giỏi, 4 tổ hợp tác đã tạo việc làm cho hơn 200 thanh niên. “Thời gian tới, chúng tôi mong các cơ quan chức năng cần tăng cường mở các lớp đào tạo nghề miễn phí cho thanh niên nghèo. Hỗ trợ vốn vay ưu đãi để họ có nhu cầu sản xuất, kinh doanh được tiếp cận nguồn lãi suất thấp. Các phương tiện thông tin đại chúng cũng cần có nhiều chuyên mục, chuyên trang về nghề nghiệp, tạo việc làm nhằm cung cấp kịp thời về nhu cầu lao động cho bạn trẻ nắm bắt” - anh Đặng Hữu Tú đề xuất.
CÔNG TÚ