Nội dung giải trình, chất vấn giữa đại biểu HĐND tỉnh với Chánh Thanh tra tỉnh tại Kỳ họp thứ 6 diễn ra chiều 13.12 đã làm “sáng rõ” một số khuất tất, liên đới đến số liệu sai phạm. Đó là trách nhiệm chấp hành các quyết định hành chính của đối tượng bị thanh tra. Tiếc rằng, tương quan giữa kiến nghị thu hồi với thực tế thu hồi trong những năm gần đây rất chênh lệch. Đến nỗi, dù ghi nhận nỗ lực và chia sẻ khó khăn của ngành nhưng Chủ tịch HĐND tỉnh vẫn thẳng thắn nhận xét: Hiệu lực pháp luật kém quá!
Nhiều cử tri có thể đã chia sẻ với vị lãnh đạo Thanh tra tỉnh khi ông giải trình rằng, không phải vụ việc nào kiến nghị là thu hồi được ngay, thậm chí có kết luận đã 10 năm nhưng đến nay các cơ quan liên quan vẫn đang theo dõi tiến độ thu hồi. Ấy là sai phạm tại một phòng giáo dục, tại một cơ quan hành chính cấp tỉnh, mà đối tượng sai phạm chỉ còn cách… trích lương trả nợ dần. Hay như chuyện hơn 180 triệu đồng sai phạm của một công ty xuất khẩu lâm đặc sản giờ thuộc diện nợ khó đòi bởi đơn vị ấy đã chuyển bán. Lại có vụ dính dáng đến một công ty xây dựng có trụ sở tại Hà Nội, Thanh tra tỉnh thậm chí cậy nhờ Thanh tra Chính phủ vào cuộc xử lý nhưng rốt cuộc lại tìm hoài không thấy vì đơn vị ấy “mất tích”. Ngay đến các Ban quản lý công trình, vốn có trách nhiệm giám sát chất lượng nhưng khi công trình hoàn thành thì ban quản lý cũng giải thể. Và đương nhiên, trách nhiệm liên quan của họ xem như cũng “giải thể” theo. Bởi nói như Chánh Thanh tra tỉnh Phan Việt Cường, khi đó các thành viên ấy “người đi đông người đi tây” cả rồi!
Nhưng ở góc độ giám sát của HĐND tỉnh, các đại biểu vẫn chưa thỏa mãn. Thậm chí, Chủ tịch HĐND tỉnh Nguyễn Văn Sỹ cho rằng nếu không có giải pháp quyết liệt thu hồi tiền sai phạm, cứ để chung chung như thế thì rồi cũng huề cả làng. Không chỉ pháp luật bị nhờn, mà chính ngành thanh tra cũng bị coi thường. Trước tỷ lệ thu hồi tiền sai phạm quá thấp (chưa được một nửa), vấn đề đặt ra là trách nhiệm cụ thể của chính ngành thanh tra chứ không chỉ riêng đối tượng bị thanh tra. Đây là lý do để một nữ đại biểu HĐND tỉnh gợi ý: Nếu các giải pháp tổng hợp mà Thanh tra tỉnh đưa ra vẫn không hiệu quả, thì đâu là trách nhiệm cụ thể của ngành?
Sẽ dễ hiểu vì sao cử tri yêu cầu phải xử lý công bằng trong tất cả vụ việc sai phạm, không lý gì vụ này làm nghiêm vụ khác lại chây ì, bởi mọi công dân phải bình đẳng trước pháp luật. Nhưng cũng dễ thông cảm cho ngành thanh tra, bởi một số kiến nghị không thể thực hiện ngay lập tức vì nhiều lý do, trong đó có nguyên nhân phải trả dần, có nguyên nhân Chủ tịch UBND tỉnh vừa ký quyết định. Nhưng yếu tố “trách nhiệm” đặt ra ở đây sẽ cùng lúc đo lường sự nghiêm túc từ nhiều phía. Thứ nhất, đối tượng sai phạm phải chấp hành, nếu không sẽ phải sử dụng các công cụ khác như phong tỏa tài sản – tài khoản, kể cả chuyển xử lý hình sự. Thứ hai, cán bộ có trách nhiệm giám sát (đơn cử các ban quản lý) không thể ngoài cuộc. Thứ ba, chính ngành thanh tra cũng phải soát xét lại chất lượng công tác của chính mình trước khi đề xuất giải pháp quyết liệt hơn trong quá trình hậu thanh tra.
Rốt cuộc, chỉ có khía cạnh cá nhân là thứ dễ nắm bắt, nếu muốn bàn về trách nhiệm. Còn để cá nhân dù ở cương vị nào (thanh tra - bị thanh tra - giám sát thanh tra) được “giải thể” trách nhiệm mỗi khi xong việc, thì mọi chuyện sẽ lại rơi vào tình trạng “huề cả làng”, như bình luận của vị chủ trì nội dung chất vấn tại Kỳ họp thứ 6.
KỲ SINH