Thời gian gần đây, độ che phủ rừng được nâng cao ở vùng tây lẫn vùng đông, nhưng theo đánh giá chung của các chuyên gia, hệ đa dạng sinh thái rừng có xu hướng giảm do thảm thực vật ít có chức năng phòng hộ.
Độ che phủ rừng nâng cao thời gian qua chủ yếu do trồng rừng sản xuất. Ảnh: TRẦN NGUYỄN |
Do sức ép phát triển kinh tế - xã hội, giảm nghèo ở miền núi nên nhiều nơi chấp nhận điều chỉnh diện tích rừng với chức năng phòng hộ sang mục đích sản xuất. Ở miền núi, việc xây dựng các tuyến đường Hồ Chí Minh, đường Đông Trường Sơn, đường tuần tra biên giới... làm suy giảm đáng kể phần diện tích rừng nguyên sinh ở dãy Trường Sơn, làm tăng áp lực lên nguồn tài nguyên thiên nhiên hiện có. Trong khi đó, vùng đồng bằng, quá trình công nghiệp hóa, đô thị hóa, nuôi trồng thủy sản... với tốc độ nhanh cũng tác động tiêu cực lên các hệ sinh thái. Tình trạng phá rừng phòng hộ lấy diện tích đất cát ven biển để nuôi trồng thủy sản gây suy giảm đáng kể tính đa dạng sinh học ở các hệ sinh thái cửa sông.
Ở vùng đông, việc quy hoạch các dự án du lịch, phát triển đô thị cũng thu hẹp nhiều diện tích rừng phòng hộ ven biển. Từ hơn 500ha rừng trước năm 2000, đến nay tổng diện tích rừng ngặp mặn trên địa bàn huyện Núi Thành chỉ còn hơn 100ha; tập trung nhiều nhất ở các xã Tam Giang (gần 30ha), Tam Hải (22,5ha), Tam Nghĩa (hơn 18ha). Trong đó, diện tích tập trung dọc theo phía ngoài đê khoảng 86,8ha (chiếm 82,37%), ở những vùng trong đê 18,57ha (chiếm 17,63%). Phần lớn diện tích rừng được tái phục hồi tự nhiên nằm trên các đìa nuôi tôm bị bỏ hoang từ sau những năm 2006. Những năm gần đây, các xã Tam Hòa, Tam Giang, Tam Hải, Tam Nghĩa (Núi Thành) triển khai nhiều dự án trồng, khôi phục rừng ngập mặn nhưng vẫn chỉ dừng lại ở trình diễn mô hình là chính. “Lá chắn” rừng ven biển yếu ớt do nguồn lực đầu tư của Nhà nước còn hạn hẹp. Theo kế hoạch, năm 2018, dự án trồng rừng ngập mặn trên địa bàn huyện Núi Thành chỉ triển khai tại xã Tam Hòa với quy mô gần 8ha. Ở khu vực miền núi, dù các nhà máy thủy điện cán đích chỉ tiêu “trả nợ” toàn bộ diện tích rừng đã chuyển đổi mục đích sử dụng nhưng phải cần thời gian dài mới phục hồi đa dạng hệ sinh thái. Ông Đặng Tấn Giãn - Phó Trưởng ban Dân tộc tỉnh cho rằng, độ che phủ rừng của tỉnh nâng cao chủ yếu tập trung ở rừng sản xuất; còn rừng tự nhiên, phòng hộ lại giảm. Ở bình diện quốc gia, ông Lê Xuân Cảnh - Viện trưởng Viện Sinh thái và tài nguyên sinh vật nêu ra con số: rừng nghèo, rừng trồng hoặc rừng đang phục hồi chiếm tới 2/3 tổng diện tích rừng Việt Nam; còn rừng giàu và rừng kín chỉ chiếm 4,6%. Trên cả nước, rừng nguyên sinh hiện chỉ còn khoảng 0,57 triệu héc ta và khả năng phục hồi rất thấp. Nguyên nhân chính gây suy thoái đa dạng sinh học là do sức ép mở rộng diện tích canh tác nông nghiệp vào đất rừng.
TRẦN NGUYỄN