Hôm nay, 27.11, UBND tỉnh tổ chức hội nghị tổng kết 10 năm thực hiện chiến lược phát triển khoa học và công nghệ. Ông Phạm Viết Tích - Giám đốc Sở KH&CN khẳng định: “Cần phải ứng dụng khoa học vào đời sống nhiều hơn”.
PV:Xin ông cho biết ở lĩnh vực nghiên cứu, ứng dụng và chuyển giao công nghệ, Quảng Nam đạt được kết quả như thế nào sau 10 năm?
Ông Phạm Viết Tích: Giai đoạn 2006-2015, ngành KH&CN tỉnh đã triển khai thực hiện 117 đề tài, 15 công trình khoa học và 3 nhiệm vụ bảo tồn nguồn gen cấp tỉnh, nâng tổng cộng các nhiệm vụ KH&CN toàn tỉnh là 135 nhiệm vụ. Trung bình mỗi năm chúng ta có gần 14 nhiệm vụ được phê duyệt, triển khai. Bên cạnh đó, Quảng Nam đã được Bộ KH&CN hỗ trợ thực hiện 16 nhiệm vụ KH&CN cấp quốc gia phục vụ phát triển kinh tế - xã hội, nhất là phục vụ phát triển nông thôn miền núi, phát triển tài sản trí tuệ và các nhiệm vụ cấp thiết phát sinh ở địa phương. Cùng với nhiệm vụ KH&CN cấp tỉnh, cấp nhà nước, 10 năm qua, chúng ta còn có 152 nhiệm vụ/công trình KH&CN cấp cơ sở, trung bình mỗi năm triển khai 15 nhiệm vụ. Nhìn chung, nhiệm vụ nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ triển khai đều khắp các lĩnh vực thuộc 9 chương trình KH&CN cấp tỉnh đến năm 2015, tầm nhìn 2020…
ông Phạm Viết Tích - Giám đốc Sở KH&CN trao chứng nhận quyền sử dụng chỉ dẫn địa lý “Trà My” cho sản phẩm quế vỏ. Ảnh:H.Liên |
PV:Dường như chúng ta đạt được nhiều thành tựu trong lĩnh vực nghiên cứu, song ở lĩnh vực ứng dụng và chuyển giao công nghệ, những kết quả đạt được còn mờ nhạt?
Ông Phạm Viết Tích: Thẳng thắn nhìn nhận, có những nhiệm vụ KH&CN triển khai không đáp ứng yêu cầu, nhất là các nhiệm vụ quản lý còn hàn lâm, chung chung, không mới, khó áp dụng. Mặt khác, nhiều nghiên cứu có kết quả tốt và khả năng ứng dụng cao nhưng thiếu các điều kiện cần thiết để triển khai nhân rộng trên thực tế; một số mô hình ứng dụng tiến bộ kỹ thuật đạt kết quả cao nhưng chậm chuyển giao, nhân rộng. Có nhiều nguyên nhân, trong đó có vai trò, trách nhiệm của cơ quan chủ trì, chủ nhiệm nhiệm vụ cũng như biện pháp chế tài trong việc triển khai ứng dụng kết quả KH&CN còn chưa rõ ràng; các cam kết về điều kiện, cơ sở vật chất phục vụ ứng dụng, nhất là nguồn tài chính đầu tư cho “hậu nghiệm thu” chưa được quan tâm đúng mức. Vì nghiên cứu khoa học có tính mạo hiểm, tính mới nên tính rủi ro cũng cao. Ngay cả những nghiên cứu không thành công, khẳng định “không áp dụng được”, nhưng hiệu quả xã hội mang lại là góp phần khuyến cáo người dân, doanh nghiệp không mạo hiểm đầu tư vào để tránh thất bại.
PV: Vậy thưa ông, giải pháp nào để đưa khoa học đến gần hơn với đời sống trong thời gian đến?
Ông Phạm Viết Tích: Phải xây dựng, kiện toàn các cơ quan khoa học và đội ngũ cán bộ khoa học chuyên sâu là yếu tố quyết định. Đề án quy hoạch, sắp xếp lại hệ thống tổ chức KH&CN toàn tỉnh, là đề án tái cơ cấu lại hệ thống tổ chức KH&CN của tỉnh. Và chính hệ thống này là điểm nối khoa học - đời sống theo lộ trình khoa học “hậu nghiệm thu - tiền ứng dụng”. Bởi lẽ, cơ chế hiện nay chỉ dành cho quá trình nghiên cứu và nghiệm thu nhiệm vụ KH&CN là “cắt đoạn”, “chặt khúc” quy trình quản lý khoa học từ nghiên cứu đến ứng dụng. Kinh phí chỉ mới đầu tư từ ý tưởng, xây dựng nhiệm vụ KH&CN và cuối cùng kết thúc ở khâu nghiệm thu đề tài/dự án. Chính vì sự đứt đoạn này là trở ngại lớn trong việc ứng dụng, nhân rộng kết quả nghiên cứu.
Toàn tỉnh hiện có gần 400 sản phẩm của các doanh nghiệp, làng nghề… được đăng ký bảo hộ quyền sở hữu công nghiệp dưới các hình thức khác nhau, trong đó có 30 nhãn hiệu tập thể và 1 chỉ dẫn địa lý “Trà My” cho sản phẩm quế vỏ, riêng chỉ dẫn địa lý cho sản phẩm sâm Ngọc Linh chung của Quảng Nam và Kon Tum đang lập hồ sơ đăng ký bảo hộ. Mười năm qua, gần 80% các cơ quan hành chính cấp tỉnh và UBND các huyện/thị xã/thành phố triển khai xây dựng và áp dụng hệ thống quản lý chất lượng theo tiêu chuẩn TCVN ISO 9001:2008. Ngành KH&CN cũng đã thực hiện thành công Chương trình hợp tác khung với Viện Hàn lâm KH&CN Việt Nam; xây dựng chủ trương hợp tác với Viện Hàn lâm khoa học Liên bang Nga, thống nhất hình thành Viện Công nghệ cao tại Quảng Nam; triển khai hợp tác trực tiếp với các trường đại học trong nước như: Đại học Nông lâm TP.Hồ Chí Minh, Đại học Kinh tế quốc dân, Đại học Đà Nẵng, Khoa học Huế, Nha Trang… |
Vì vậy, giai đoạn tới, cần đổi mới mạnh mẽ theo hướng: kinh phí đảm bảo cho giai đoạn “hậu nghiệm thu”. Có cơ chế hỗ trợ tài chính cho doanh nghiệp thương mại hóa sản phẩm khoa học.
PV: Xin ông cho biết những nhiệm vụ trọng tâm trong hoạt động nghiên cứu, ứng dụng và chuyển giao KH&CN thời gian đến?
Ông Phạm Viết Tích: KH&CN sẽ chú trọng phát triển hợp lý, đồng bộ giữa 6 lĩnh vực: khoa học tự nhiên, khoa học kỹ thuật - công nghệ, khoa học y dược, khoa học nông nghiệp, khoa học xã hội và nhân văn. Ưu tiên lựa chọn những nhiệm vụ có địa chỉ ứng dụng cụ thể, phấn đấu khoảng 60% nhiệm vụ KH&CN phục vụ trực tiếp cho sản xuất và đời sống. Ưu tiên cho những nhiệm vụ nghiên cứu phát triển giống cây, con, nguồn gen quý hiếm phục vụ nông thôn mới, sản xuất nông nghiệp bền vững, nghiên cứu phục vụ chăm sóc, bảo vệ sức khỏe nhân dân. Chú trọng hoạt động KH&CN phục vụ phát triển kinh tế - xã hội nông thôn, miền núi, vùng sâu, vùng xa và các vùng có điều kiện đặc biệt khó khăn. Cùng với đó, đẩy mạnh phương châm “đưa KH&CN gần hơn với doanh nghiệp”…
Xin cảm ơn ông!
HOÀNG LIÊN (thực hiện)