Đến thời điểm này, các ngành chức năng chưa phát hiện vụ phá rừng nghiêm trọng nào xảy ra trước và trong Tết Nguyên đán. Đặc biệt, các “tọa độ nóng” tồn tại dai dẳng trước đây đã tạm yên ắng.
Trước tết, UBND tỉnh chỉ đạo ngành kiểm lâm phải thực hiện nghiêm túc kế hoạch, liên tiếp mở các đợt “tổng tấn công” theo bản đồ phá rừng đã vạch sẵn. Kiểm lâm huyện Phước Sơn bố trí lực lượng tuần tra rừng thường xuyên ở tiểu khu 640 xã Phước Hòa – huyện Phước Sơn vùng giáp ranh với xã Cà Dy - huyện Nam Giang; khu vực thủy điện Đăk Mi 4 (xã Phước Hòa, Phước Hiệp), thủy điện 4B thuộc xã Phước Hòa. Thời điểm trước và trong tết, các vụ vận chuyển, tiêu thụ gỗ được phát hiện với khối lượng rất nhỏ. Lúc truy quét, ngành chức năng địa phương này nhận định, chỉ có vùng giáp ranh giữa Phước Sơn với xã Sông Trà (Hiệp Đức), tình trạng phá rừng phòng hộ chiếm đất trồng rừng còn tái diễn, mà vụ việc đang tiếp tục điều tra làm rõ. Trong khi đó, mở các đợt truy quét vào khu vực Khe Vinh (tiểu khu 299 và 301), Khe Ru (tiểu khu 300) thuộc xã Tà Pơ, lưu vực thuộc các thủy điện Sông Bung 4, Sông Bung 5 và Sông Bung 6 (Nam Giang) và một số địa điểm ở thượng nguồn sông Thu Bồn qua địa phận huyện Nông Sơn, Đội Kiểm lâm cơ động và phòng cháy chữa cháy rừng số 1 (thuộc Chi cục Kiểm lâm tỉnh) chưa phát hiện vụ phá rừng, vận chuyển gỗ nào quy mô hơn 5m3. Những cung đường gỗ lậu; địa danh phá rừng đưa vào phương án truy quét đã thực sự im ắng trong tết.
Phương tiện và gỗ lậu bị tịch thu tại Khu bảo tồn thiên nhiên Sông Thanh thời điểm trước Tết Ất Mùi. Ảnh: T.N |
Báo cáo của Chi cục Kiểm lâm tỉnh cho thấy, từ ngày 15 đến 23.2, hai Đội Kiểm lâm cơ động và phòng cháy chữa cháy rừng số 1 và số 2 tuần tra, kiểm soát trên các tuyến đường Hồ Chí Minh, quốc lộ 14E, 14B, tuyến sông Vu Gia – Thu Bồn… chỉ phát hiện 11 vụ khai thác, vận chuyển lâm sản trái phép với khối lượng gần 15m3 gỗ. Trong đó, Nam Trà My tạm giữ hơn 5,1m3, Nam Giang hơn 1,6m3 gỗ, Đại Lộc hơn 5,5m3 và Hiệp Đức gần 1m3 gỗ xẻ. Một con số rất “khiêm tốn” so dịp tết các năm trước! Theo ông Phan Tuấn – Chi cục trưởng Chi cục Kiểm lâm tỉnh, số vụ và khối lượng gỗ lậu tịch thu giảm mạnh so với dịp tết trước đây không phải do kiểm lâm “lười” truy quét mà nguyên nhân là sự đồng bộ vào cuộc từ các ngành và chính quyền địa phương. Nhận thức được tình trạng xâm hại tài nguyên rừng sẽ tăng vào thời điểm tết, nên gần như toàn lực lượng đã dồn sức giữ rừng. Cái chính là lâm tặc có thể thay đổi thời gian hoạt động để đối phó với các cuộc truy quét gắt gao của lực lượng chức năng. Trước đây vào dịp tết, ở thượng nguồn sông Vu Gia, Thu Bồn, lâm tặc thường vận chuyển gỗ bằng đường sông hơn đường bộ. Gỗ lậu tập kết thành bè, sau đó được các phượng tiện thuyền máy kéo về cất giấu dưới bến sông rồi đem tiêu thụ. Một thời thượng nguồn Thu Bồn nổi lên như… dòng sông gỗ lậu. Thế nhưng, Tết Nguyên đán vừa rồi lực lượng kiểm lâm chưa phát hiện vụ cất giấu, hay vận chuyển gỗ bằng đường thủy.
Trong khi đó, đoàn kiểm tra khoáng sản, lâm sản liên ngành của huyện Phước Sơn cho biết, chuyến ra quân truy quét các “điểm nóng” xâm hại tài nguyên rừng dịp trước tết, đoàn kiểm tra phá hủy hàng chục lán trại, làm mất khả năng vận hành của máy móc, phương tiện hoạt động trong rừng. Các vụ khai thác vàng thường kết hợp với tận thu gỗ. Theo ông Đoàn Xuân Thanh – Hạt trưởng Hạt Kiểm lâm huyện Nông Sơn, để ngăn chặn các đối tượng khai thác, mua bán, vận chuyển lâm sản trái phép trên địa bàn huyện trong dịp tết, các ngành chức năng địa phương đã tăng cường kiểm tra, nhất là tuần tra kiểm soát trên các tuyến dọc sông Thu Bồn, khu vực Khe Diên, tuyến đường Đông Trường Sơn và khu vực giáp ranh với các huyện lân cận. Ngành kiểm lâm tỉnh hiện vẫn tăng cường, bố trí lực lượng và nêu cao tinh thần cảnh giác giữ rừng sau dịp tết nhưng thực tế, một số nơi gỗ lậu vẫn tuồn được về xuôi do lâm tặc sử dụng thủ đoạn tinh vi, móc nối với người dân địa phương để khai thác, tiêu thụ gỗ trái phép nên chính quyền các địa phương và ngành chức năng cần có nhiều giải pháp căn cơ, hiệu quả hơn nữa trong công tác giữ rừng.
TRẦN NGUYỄN