Giảm nghèo bền vững: Cơ hội và thách thức (bài cuối)

DIỄM LỆ 09/07/2014 08:37

BÀI CUỐI: THOÁT NGHÈO CÓ...THƯỞNG

“Thưởng hộ, thôn thoát nghèo bền vững” là giải pháp mà nội dung đề án “Thực hiện chính sách khuyến khích thoát nghèo bền vững giai đoạn 2014 - 2015 trên địa bàn tỉnh Quảng Nam” sẽ được UBND tỉnh trình HĐND tỉnh xem xét thông qua tại Kỳ họp thứ 11, khai mạc hôm nay 9.7.

  • Giảm nghèo bền vững: Cơ hội và thách thức (bài 2)
  • Giảm nghèo bền vững: Cơ hội và thách thức (bài 1)
Khi có chính sách khuyến khích, hộ thoát nghèo bền vững sẽ được hỗ trợ nhiều mặt. Ảnh: D.LỆ
Khi có chính sách khuyến khích, hộ thoát nghèo bền vững sẽ được hỗ trợ nhiều mặt. Ảnh: D.LỆ

Khuyến khích thoát nghèo

Theo kết quả điều tra, rà soát hộ nghèo, hộ cận nghèo năm 2013 của các huyện, thành phố (chuẩn nghèo giai đoạn 2011 - 2015), được UBND tỉnh phê duyệt tại Quyết định số 459/QĐ-UBND ngày 11.2.2014, so với năm 2012, tỷ lệ hộ nghèo của tỉnh giảm 3,02%, còn 14,91%. Tuy nhiên tỷ lệ hộ nghèo của tỉnh vẫn cao gấp rưỡi khu vực duyên hải miền Trung (10,15%) và gấp đôi tỷ lệ chung 7,6% của cả nước. Theo đánh giá của Ban chỉ đạo giảm nghèo tỉnh, tỷ lệ giảm nghèo tuy nhanh và đạt mục tiêu đề ra, nhưng lại thiếu tính bền vững, hộ tái nghèo hàng năm còn cao, như năm 2012 có 8.865 hộ tái nghèo, 9 tháng đầu năm 2013 có hơn 3.000 hộ tái nghèo (hộ nghèo thoát qua cận nghèo, chỉ cần một trận đau ốm hay thiên tai là rơi vào hộ nghèo lại ngay). Ngoài việc thoát nghèo thiếu tính bền vững, nhiều chính sách ưu đãi hỗ trợ khiến nhiều hộ nghèo có tâm lý không muốn thoát nghèo. Ông Nguyễn Dương Triều, Trưởng ban Văn hóa - xã hội HĐND tỉnh, đánh giá: “Qua những đợt giám sát, chúng tôi thấy việc điều tra khảo sát hộ nghèo còn khó khăn, tiêu chí thu nhập khó xác định. Nhiều chính sách nhưng người dân tiếp cận nhỏ lẻ nên không thể tạo thành động lực thoát nghèo. Có chính sách trở thành lãng phí như đầu tư xây nhà ở 134 cho đồng bào dân tộc thiểu số, hay đầu tư các công trình vệ sinh, nước sạch, chợ... nhưng bị bỏ hoang. Khi thoát nghèo, người dân bị cắt toàn bộ sự hỗ trợ cũng dễ rơi vào lại cảnh nghèo. Vì thế, để hạn chế tái nghèo, khuyến khích, động viên kịp thời những hộ, thôn thoát nghèo, cần thiết phải thực hiện thí điểm chính sách khuyến khích thoát nghèo của tỉnh. Nếu thực hiện thí điểm đạt kết quả tốt, tỉnh nên xem xét có đề án riêng, đánh giá tính bền vững sau một thời gian thực hiện”.

Chính sách thí điểm khuyến khích thoát nghèo UBND tỉnh trình tại Kỳ họp HĐND tỉnh lần thứ 11, sẽ áp dụng với hộ nghèo và thôn nghèo có đăng ký thoát nghèo bền vững. Đối với hộ nghèo, phải có cam kết đăng ký thoát nghèo 3 năm trở lên kể từ năm 2014. Chính sách gồm hỗ trợ 100% mệnh giá mua thẻ bảo hiểm y tế, miễn giảm học phí cho học sinh cấp phổ thông, hỗ trợ chi phí học tập 70 nghìn đồng/tháng cho trẻ mẫu giáo và học sinh, hỗ trợ tiền ăn trưa cho trẻ 3 - 5 tuổi mức 120 nghìn/trẻ/tháng, cấp bù 50% học phí cho học sinh - sinh viên hệ chính quy, đều được thực hiện trong 2 năm sau thoát nghèo bền vững. Hộ thoát nghèo còn được hỗ trợ vay vốn mức lãi suất 0%, thưởng một lần số tiền 5 triệu đồng. Đối với thôn đăng ký thoát nghèo có tỷ lệ hộ nghèo hiện tại hơn 30%, phải giảm tỷ lệ hộ nghèo 6%/năm, tỷ lệ hộ cận nghèo giảm 4%/năm trong 2 năm liên tục kể từ năm 2014. Đối với thôn có tỷ lệ hộ nghèo hơn 50% phải giảm tỷ lệ hộ nghèo từ 7,5% trở lên, tỷ lệ hộ cận nghèo giảm 5% trở lên. Thôn thoát nghèo theo đăng ký được thưởng một lần bằng công trình cần thiết cho cộng đồng thôn trị giá 300 triệu đồng. Chính sách đặt ra mục tiêu mỗi năm phấn đấu có tối thiểu 2.500 hộ nghèo tự nguyện đăng ký thoát nghèo bền vững, đến năm 2015 giảm tỷ lệ hộ nghèo toàn tỉnh còn dưới 10%, hộ cận nghèo còn dưới 5%.

Nhiều thách thức

Quảng Nam hiện có 58.269 hộ nghèo và 44.047 hộ cận nghèo; 91 thôn có tỷ lệ hộ nghèo từ 30 - dưới 50%; 350 thôn có tỷ lệ hộ nghèo từ 50% trở lên. Về thôn đặc biệt khó khăn thuộc vùng dân tộc và miền núi, toàn tỉnh có 463 thôn thuộc 19 xã khu vực II và 84 xã khu vực III, với điều kiện tự nhiên khắc nghiệt, điều kiện phát triển kinh tế - xã hội thấp, trình độ dân trí không cao... Theo ông Nguyễn Quang Hòa - Phó Giám đốc Sở LĐ-TB&XH, tỷ lệ hộ nghèo càng về sau càng thấp, nhưng càng khó tác động giảm nghèo bởi nhóm còn lại thuộc dạng yếu thế, già cả neo đơn, ốm đau bệnh tật, không có sức lao động. Thôn, xã nghèo có điều kiện tự nhiên không thuận lợi cũng khó thoát nghèo cả khi được đầu tư. Như vậy, ngay cả khi có chính sách khuyến khích thoát nghèo, hiển nhiên vẫn sẽ có một bộ phận nghèo “bền vững” tồn tại.

Khi thí điểm chính sách khuyến khích giảm nghèo, một điều khiến nhiều người băn khoăn là liệu sẽ có được bao nhiêu thôn, xã đăng ký thoát nghèo bền vững. Hộ nghèo đăng ký thoát nghèo bền vững có hy vọng đạt được, nhưng với thôn thì vô cùng khó khăn. Ông Nguyễn Xuân Tấn - Chủ tịch UBND xã Trà Don (huyện Nam Trà My) băn khoăn: “Chính sách khuyến khích thoát nghèo rất cần, bởi như thế hộ nghèo mới thoát nghèo bền vững được. Nhưng hộ nghèo đăng ký thì được, sợ rằng thôn rồi đến xã ở miền núi không dám đăng ký. Bởi tâm lý đồng bào dân tộc hay ỷ lại, trông chờ nên động viên một hộ thoát nghèo đã là khó, huống chi động viên cả thôn thoát nghèo. Theo tôi, có lẽ không thôn trưởng nào ở miền núi dám đăng ký thoát nghèo bền vững”. Lãnh đạo các huyện 30a của tỉnh gồm Nam Trà My, Phước Sơn, Tây Giang, thậm chí là huyện 30b, 30c (hưởng cơ chế đầu tư bằng 75%, 50% của cơ chế 30a) khi được hỏi đều ủng hộ thí điểm thực hiện chính sách khuyến khích thoát nghèo, nhưng lại không dám chắc sẽ có nhiều thôn, sau này là xã đăng ký thoát nghèo bền vững.

Nếu được thông qua, có lẽ Quảng Nam sẽ là tỉnh đầu tiên trong cả nước áp dụng cơ chế “thưởng hộ, thôn thoát nghèo bền vững” (trước đây đã có vài địa phương thực hiện nhưng ở cấp huyện và chỉ áp dụng đối với hộ nghèo) có cam kết thoát nghèo bền vững trong 3 năm liên tiếp kể từ năm được công nhận thoát nghèo. Dù dự lường sẽ có nhiều khó khăn khi triển khai, nhưng hy vọng cách làm này sẽ là động lực quan trọng để các hộ nghèo trên địa bàn tỉnh nỗ lực thoát nghèo. Bởi, từ trước tới nay chỉ người nghèo mới được hưởng các chính sách hỗ trợ, nên việc khuyến khích, động viên hộ biết vươn lên thoát nghèo là điều đáng làm. Đây cũng sẽ là động lực cho các hộ nghèo khác vươn lên, bứt ra khỏi tâm lý “muốn nghèo”. Và điều quan trọng, đừng để sau 3 năm, khi hết hưởng cơ chế “thưởng”, hộ thoát nghèo không còn giữ được sự bền vững, lại trở thành hộ nghèo.

Không chạy theo thành tích

Thực hiện chính sách khuyến khích thoát nghèo nhằm thúc đẩy nhanh tốc độ giảm nghèo bền vững và hạn chế tái nghèo. Do đó, UBND tỉnh khẳng định, không vì thành tích giảm nghèo mà áp đặt chỉ tiêu giảm hộ nghèo và hộ cận nghèo. Công tác điều tra, rà soát hộ nghèo, hộ cận nghèo là yếu tố quan trọng, có ý nghĩa quyết định, là cơ sở để đánh giá kết quả giảm nghèo và thực hiện có hiệu quả đề án khuyến khích thoát nghèo bền vững giai đoạn 2014 - 2015. Cùng với việc khen thưởng các cá nhân, tập thể có thành tích giảm nghèo, cũng sẽ xem xét trách nhiệm các cá nhân, tổ chức và người đứng đầu trong việc tổ chức thực hiện không hiệu quả các chính sách, chương trình giảm nghèo trên địa bàn; không tập trung chỉ đạo dẫn đến kết quả điều tra, rà soát hộ nghèo, hộ cận nghèo hằng năm không phản ánh đúng thực trạng của địa phương. Khi triển khai đề án (sau khi được HĐND tỉnh thông qua), lấy chính sách khuyến khích hộ thoát nghèo bền vững làm cơ bản, là nền tảng để giảm tỷ lệ hộ nghèo của thôn và xã. Đồng thời phát huy vai trò chủ động, tính tự giác, tinh thần tích cực và ý thức thoát nghèo của từng hộ nghèo, thôn có tỷ lệ nghèo cao để đăng ký thoát nghèo hoặc giảm nghèo nhanh, bền vững.

Theo đó, đề án đưa ra mục tiêu phấn đấu mỗi năm có tối thiểu 2.500 hộ nghèo (khoảng 12.500 nhân khẩu) tự nguyện đăng ký thoát nghèo bền vững và không tái nghèo từ 3 năm trở lên, kể từ năm 2014. Đến cuối năm 2015 có 80 thôn tỷ lệ hộ nghèo từ 30% trở lên đạt tiêu chuẩn và mức giảm nghèo (6%/năm) theo quy định của đề án; giảm tỷ lệ hộ nghèo chung toàn tỉnh còn dưới 10%, tỷ lệ hộ cận nghèo còn dưới 5%.

Tổng kinh phí thực hiện đề án giai đoạn 2014 - 2015 hơn 125,456 tỷ đồng. Trong đó, thực hiện chính sách khuyến khích hộ thoát nghèo hơn 100,427 tỷ đồng; chính sách khuyến khích thôn có tỷ lệ nghèo cao đăng ký và đạt tiêu chuẩn, mức giảm nghèo 24,184 tỷ đồng; kinh phí thực hiện quản lý điều hành đề án 845 triệu đồng. Về nguồn kinh phí, từ ngân sách tỉnh hơn 44,293 tỷ đồng; ngân sách các huyện, thành phố gần 25,313 tỷ đồng; nguồn ngân sách cho vay ưu đãi (thu hồi) 55,85 tỷ đồng.

DIỄM LỆ

(0) Bình luận
x
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Giảm nghèo bền vững: Cơ hội và thách thức (bài cuối)
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO