Giảm nghèo ở Nam Trà My: Triển khai từng phương án cụ thể

NGUYỄN DƯƠNG 19/10/2015 10:27

Là một trong những huyện có tỷ lệ hộ nghèo cao nhất của tỉnh, Nam Trà My đang từng bước giúp người dân giảm nghèo bằng những giải pháp, phương án cụ thể.

Các cấp vào cuộc

Nam Trà My hiện có hơn 6.500 hộ dân thì có khoảng 4.100 hộ nghèo (chiếm 62,96%). Mặc dù đã có nhiều chủ trương, chính sách về công tác xóa đói giảm nghèo nhưng tỷ lệ hộ nghèo trên địa bàn huyện hàng năm giảm không đáng kể và thiếu tính bền vững. Trước tình hình đó, UBND huyện đã phát động phong trào đăng ký cùng chung tay, đồng hành góp sức hỗ trợ cho các hộ nghèo, cận nghèo thoát nghèo bền vững. “Đối với huyện Nam Trà My, giảm nghèo, thoát nghèo là một bài toán khó, không phải ngày một ngày hai là có thể giải quyết. Trước đây đã có nhiều chính sách, phương án hỗ trợ thoát nghèo nhưng không mang tính bền vững. Lý do căn bản nhất là người dân sợ khi thoát nghèo sẽ mất đi những khoản tiền hỗ trợ. Tư tưởng ỷ lại vẫn còn rất nặng nề. Chính vì vậy, muốn làm được điều này cần phải có giải pháp cụ thể, rõ ràng” - ông Hồ Quang Bửu, Chủ tịch UBND huyện Nam Trà My cho biết.

Sâm Ngọc Linh được người dân Nam Trà My hy vọng sẽ mở ra hướng thoát nghèo. Trong ảnh: trồng sâm trên đỉnh Ngọc Linh. Ảnh: T.Việt
Sâm Ngọc Linh được người dân Nam Trà My hy vọng sẽ mở ra hướng thoát nghèo. Trong ảnh: trồng sâm trên đỉnh Ngọc Linh. Ảnh: T.Việt

Theo đó, UBND huyện Nam Trà My đã chỉ đạo các xã trên địa bàn sớm xây dựng phương án hỗ trợ hộ nghèo, cam kết thoát nghèo bền vững với những báo cáo cụ thể nhất của từng vùng, từng hộ. “Lâu nay chúng ta chỉ làm bề nổi, nghĩa là giao cho người dân một khoản tiền, nói với họ cách giảm nghèo nhưng chưa bám sát với thực tiễn, chưa giám sát để giúp họ thực sự thoát nghèo. Chính vì vậy, lần này chính quyền quyết định phải làm theo đặc điểm của từng vùng, từng hộ. Với gia đình đó, hoàn cảnh đó có thể làm gì thì phù hợp, để nguồn vốn hỗ trợ không bị lãng phí mà không đạt hiệu quả…” - ông Bửu nói. Ngay sau khi các UBND xã hoàn thành phương án xây dựng mô hình hỗ trợ các hộ cam kết thoát nghèo bền vững thì UBND huyện sẽ tiến hành hỗ trợ vốn để những hộ dân này đầu tư, phát triển sản xuất. Ngoài phần cứng do Nhà nước hỗ trợ gồm nguồn vốn chương trình 135, chương trình 30a và các nguồn vốn đóng góp của các tổ chức xã hội… thì UBND huyện sẽ kêu gọi các cơ quan, đơn vị, hội đoàn thể, UBND các xã, các doanh nghiệp đóng trên địa bàn cùng chung tay tham gia đóng góp, giúp người dân thoát nghèo.

Theo ông Đặng Duy Ba, Phó Trưởng phòng LĐ-TB&XH huyện Nam Trà My, mỗi năm huyện sẽ hỗ trợ cho những xã đã có phương án cụ thể và các hộ đăng ký giảm nghèo, thoát nghèo bền vững. Không như lúc trước, số tiền này không đầu tư một cách dàn trải mà chú trọng đầu tư ở một cụm trọng điểm. Như vậy kết quả sẽ cao hơn, bởi với một số tiền đó, nếu đầu tư cho nhiều hộ thì không thể giải quyết được vấn đề. Năm này sẽ chú trọng đầu tư cho hộ này, năm sau sẽ đến hộ khác. Cứ như vậy thì mới mong bà con có sinh kế ổn định được… Cũng theo ông Ba, UBND huyện đã kêu gọi tất cả cơ quan, đoàn thể, hội trên địa bàn cùng chung tay hỗ trợ giúp cho người dân được thoát nghèo. “Mỗi cơ quan, đoàn thể, hội sẽ nhận hỗ trợ cho một hoặc nhiều hộ đã đăng ký thoát nghèo. Không chỉ trong vấn đề vật chất mà cả tinh thần như thường xuyên giám sát, hướng dẫn để người dân làm hiệu quả hơn, qua đó kết quả cũng sẽ được nâng lên…” - ông Ba nói thêm.

Kiên quyết giảm nghèo

Ông Hồ Quang Bửu - Chủ tịch UBND huyện Nam Trà My cho biết, trăn trở nhất của huyện cũng như bản thân ông chính là việc người dân ở đây còn quá nghèo. Ông Bửu nói: “Ở trên một vùng đất có thể trồng ra thứ sâm nổi tiếng thế giới vậy mà người dân còn quá nghèo là khó có thể chấp nhận được. Nếu đổ lỗi cho địa hình hiểm trở, vùng núi khó khăn cũng đúng nhưng căn bản vẫn là nhận thức của người dân còn hạn chế. Nếu biết cách tận dụng lợi thế thì người dân ở đây hoàn toàn có thể thoát nghèo”.

 Để thay đổi nhận thức của người dân là một bài toán khó. muốn làm được thì trước tiên phải tuyên truyền, vận động để người dân hiểu được bản chất vấn đề cần thiết phải thoát nghèo, khi đó những phương án sẽ tối ưu hơn. “Đối địa hình, thổ nhưỡng ở đây thì con vật nuôi thích hợp chính là bò, cây trồng mang lại hiệu quả kinh tế nhất chính là sâm dược liệu và chuối mốc. Chính vì vậy, chúng tôi đã quán triệt và hướng người dân đi theo những mô hình này…” - ông Bửu cho hay.

Đến thời điểm hiện tại, đã có 550 hộ dân (10 xã) đăng ký thoát nghèo năm 2015 (trong đó 394 hộ nghèo và 156 hộ cận nghèo). Đã có 20 cơ quan, đơn vị đóng trên địa bàn nhận hỗ trợ cho những hộ này thoát nghèo. “Ngoài phần cứng từ  các chương trình 30a, 135 của Nhà nước là khoảng 600 triệu đồng/năm/xã, những hộ này sẽ được nhận thêm những hỗ trợ khác như tôn, xi măng, gia cầm, công cụ lao động… hay được hướng dẫn cách bảo quản nông sản, phương pháp tiếp cận thị trường để quảng bá, tiêu thụ sản phẩm làm ra… Với những phương án cụ thể đó, Nam Trà My đang cố gắng để giúp người dân nâng cao đòi sống, từng bước thoát nghèo bền vững. Đề án bảo tồn và phát triển cây sâm Ngọc Linh vừa được Chính phủ phê duyệt đã mở ra những hướng đi mới giúp Nam Trà My cải thiện được tình hình hiện nay” - ông Đặng Duy Ba, Phó phòng LĐ-TB&XH huyện Nam Trà My nói.

NGUYỄN DƯƠNG

(0) Bình luận
x
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Giảm nghèo ở Nam Trà My: Triển khai từng phương án cụ thể
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO