(QNO) - Nhiều nước châu Á hiện đang gồng mình gánh chịu nhiều hậu quả nặng nề của thiên tai với nhiều người thiệt mạng chỉ trong vòng vài ngày.
Cây cổ thụ tại bang Odisha trốc gốc do siêu bão Phailin. |
Theo diễn biến mới nhất thì sau khi đổ bộ và tàn phá miền Bắc Philippines hồi đầu tuần qua khiến ít nhất 13 người thiệt mạng, bão Nari đang tiến vào miền Trung Việt Nam. Theo các nhà chức trách Philippines, bão Nari kèm mưa to gió lớn, làm đổ nhiều cây cối và tốc mái nhiều căn nhà, khiến nhiều nơi bị ngập lụt. Cơn bão lớn này đã phá hủy hệ thống điện tại 37 thành phố và thị trấn tại Philippines, khiến nhiều người dân phải sống trong cảnh tối tăm. Đây là cơn bão lớn thứ 19 trong năm nay đổ bộ vào nước này. Mặc dù công tác khắc phục sau bão đang diễn ra hết sức khẩn trương nhưng không thể khỏa lấp những tác động của nó đến đời sống của người dân. Hàng nghìn người chạy lánh bão trở về phải đối mặt với cảnh tượng nhà cửa hoang tàn, sụp đổ… Việc trở lại cuộc sống trước khi bão ập đến không phải là chuyện ngày một ngày hai.
Trước đó, lũ từ sông Mê Kông và mưa lớn kéo dài suốt 3 tuần qua tại Campuchia đã làm ít nhất gần 110 người thiệt mạng và ảnh hưởng tới đời sống của khoảng 1,5 triệu người dân tại đất nước Chùa Tháp. Hay tại Thái Lan, Lào cũng đã có nhiều người thiệt mạng do mưa lớn kéo dài, hàng chục nghìn người mất nhà cửa, hàng nghìn hecta hoa màu bị chìm trong nước, gia súc, gia cầm chết hàng loạt, nhiều người bị ảnh hưởng nặng nề. Chỉ riêng tại Lào, ước tính thiệt hại do bão lụt gây ra trong năm nay cho đất nước Triệu Voi lên tới 17 triệu USD.
Trong khi đó tại Ấn Độ, siêu bão Phailin với vận tốc gió khoảng 220 km/giờ, là cơn bão nhiệt đới mạnh nhất từ 14 năm nay tại Ấn Độ cũng vừa ập vào bờ biển phía Đông nước này, gây ít thiệt hại hơn nhiều so với dự kiến. Theo thống kê sơ bộ, có ít nhất 14 người chết và 18 người đánh cá bị mất tích. Các lo ngại về tác hại của trận bão này dựa trên cơ sở thiệt hại khủng khiếp trong một trận bão tương tự năm 1999, khiến 10 nghìn người thiệt mạng tại chính khu vực này. Lý giải cho kết quả này, đó là nhờ vào chính quyền địa phương đã chuẩn bị tốt : hơn 500 nghìn người đã được sơ tán sớm trước khi bão tới. Kể từ thảm họa năm 1999, hàng chục nơi ở kiên cố đã được xây dựng bên bờ biển. Ngoài ra, một lực lượng can thiệp để đối phó với thiên tai, với 2,3 nghìn người đã trải qua huấn luyện, được thành lập. Một radar mới được đặt tại khu vực này cho phép có được các dự báo chính xác. Việc chuẩn bị một cơ sở như vậy để đối phó với thiên tai tại bang Odisha trở thành một mẫu mực đối với nhiều khu vực khác tại Ấn Độ. Chắc hẳn, đó là cơ sở mà nhiều nơi trên thế giới thường xuyên gánh chịu thảm họa thiên tai cần học hỏi.
Trên thực tế, thảm họa thiên tai đang ngày một tăng lên về tần suất, tính phức tạp, phạm vi tác động và sức tàn phá. Cho dù không thể ngăn chặn thiên tai, nhưng thế giới có thể làm nhiều hơn để phòng ngừa và giảm nhẹ tác động của nó. Trong thông điệp gởi đi nhân Ngày Quốc tế giảm nhẹ thiên tai (13.10) vừa qua, Tổng Giám đốc Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa của Liên hợp quốc (UNESCO), bà Irina Bokova đã kêu gọi chính phủ và người dân các nước trên thế giới chung tay góp sức và nỗ lực hơn nữa trong công tác phòng ngừa và giảm nhẹ tác động của thảm họa thiên tai. Bà Bokova nhấn mạnh, chính phủ và người dân các nước trên thế giới cần phải có tư duy dài hạn, nâng cao khả năng chống chịu thiên tai cũng như phát huy tính hiệu quả của các hệ thống cảnh báo sớm và các nỗ lực nhân đạo. Cũng theo bà, công tác giảm nhẹ rủi ro thảm họa cần phải được lồng ghép vào các kế hoạch phát triển và chiến lược, đồng thời chú trọng hơn đến giáo dục và đào tạo để có thể làm tốt công tác cứu hộ cũng như duy trì cuộc sống trong và sau thảm họa.
NAM VIỆT