Một dự án mới vừa được Liên hiệp quốc phát động nhằm bảo vệ sức khỏe người lao động trong lĩnh vực khai thác vàng và bảo vệ môi trường.
Hoạt động đào đãi vàng tại Mongolia. Ảnh: business Insider |
Tại một ngôi làng nhỏ và hẻo lánh vùng Kalimantan ở Indonesia, các hoạt động đào đãi vàng diễn ra sôi nổi. Pak Huda - một phu vàng đang làm việc tại bãi nói rằng, những người đến đây đều sử dụng hóa chất thủy ngân để lọc vàng. Pak Huda không cho rằng, hóa chất cực độc này có thể gây bệnh tật cho bản thân mình và cộng đồng. Quan sát hoạt động tại đây, Giám đốc kỹ thuật Yayasan Tambuhak Sinta - một tổ chức giúp đỡ người lao động thủ công trong lĩnh vực khai thác vàng, Sumali Agrawal nói: “Những người sử dụng thủy ngân làm vàng tại đây đều không ý thức được việc sử dụng thủy ngân để lọc vàng có nguy cơ cao gây tổn hại cho sức khỏe họ”.
Thống kê cho thấy, hiện trên toàn cầu có hàng chục triệu lao động tham gia khai thác vàng mỏ tại 70 quốc gia theo phương pháp thủ công, quy mô nhỏ trong đó có cả hàng triệu trẻ em và phụ nữ. Nghèo đói, không có việc làm, sự quản lý yếu kém của chính quyền địa phương, thiếu nhận thức về nguy cơ gây hại của thủy ngân… nhiều người bất chấp sức khỏe và tính mạng để đào vàng với giấc mơ đổi đời. Sản lượng khai thác vàng thủ công chiếm đến 20% tổng sản lượng vàng thế giới. Sử dụng thủy ngân để làm vàng ảnh hưởng tiêu cực đến sức khỏe của chính bản thân, gia đình và cộng đồng. Các chuyên gia y tế cho biết, thủy ngân là hóa chất rất độc hại, dù hít phải một lượng nhỏ nhưng có thể gây tổn hại đối với hệ thần kinh trung ương, tiêu hóa, miễn dịch, phổi và thận, thậm chí có thể gây tử vong. Ngoài ra, thủy ngân được thải ra còn làm ô nhiễm môi trường như nguồn nước, đất đai.
Vào năm 2013, Indonesia cùng với Singapore là hai quốc gia đầu tiên ký kết Công ước Minamata về thủy ngân của Chương trình Môi trường Liên hiệp quốc. Lãnh đạo Bộ Môi trường của Indonesia cho biết, việc ký kết công ước trên thể hiện trách nhiệm và cam kết của Chính phủ Indonesia nhằm bảo vệ sức khỏe người dân trong bối cảnh bùng nổ các điểm khai thác vàng có sử dụng lượng lớn thủy ngân ở nước này. Tuy nhiên đến nay, Indonesia thừa nhận dù đã ban hành lệnh cấm nhưng việc sử dụng hóa chất này làm vàng vẫn còn tiếp diễn. Tại Mongolia - quốc gia vốn sở hữu một trữ lượng vàng, đồng và uranium thuộc loại lớn nhất thế giới cũng cấm sử dụng thủy ngân làm vàng từ năm 2008 nhưng kết quả không mấy khả quan. Để đãi vàng từ cát sỏi, công nhân khai thác mỏ thường dùng thủy ngân lỏng và xyanua và xả thải trực tiếp xuống sông suối, gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng tại Mongolia.
Trước thực trạng báo động trên, Quỹ Môi trường toàn cầu và Môi trường Liên hiệp quốc phát động dự án Cơ hội toàn cầu cho phát triển dài hạn lĩnh vực khai thác vàng quy mô nhỏ, thủ công trong tháng 12 này. Dự án nhằm mục tiêu giảm thiểu rủi ro sức khỏe của người làm vàng tại nhiều quốc gia thông qua việc xúc tiến áp dụng công nghệ sản xuất bền vững trong khai thác và sàng lọc vàng, hỗ trợ các quốc gia thực hiện đầy đủ quy định của Công ước Minamata về thủy ngân…
NAM VIỆT