Giãn khách ra ven đô

QUỐC TUẤN 14/01/2016 10:27

Những năm gần đây, ngoài việc giãn bớt dân ra ngoại thành, Hội An còn tích cực mở rộng các loại hình du lịch ở ngoài trung tâm phố cổ nhằm kéo khách ra ven đô để bảo tồn và phát huy di sản bền vững.

Đa dạng các loại hình du lịch

Khoảng một thập niên trở lại đây, thương hiệu du lịch Hội An đã có sức hấp dẫn rất lớn đối với khách thập phương bởi vẻ đẹp trầm mặc, hiền hòa của cảnh quan và con người nơi đây. Tuy vậy, lượng khách tham quan tăng trưởng đều đặn qua các năm khiến khu vực phố cổ trở nên chật chội, ngột ngạt và tiềm ẩn nhiều nguy cơ gây hư hại, nhàm chán cho di sản. Chính điều đó đã thôi thúc những người làm du lịch nơi đây đẩy mạnh chiến lược mở rộng không gian du lịch cho đô thị cổ. Không còn gói gọn trong lĩnh vực du lịch di sản, khách thập phương sẽ được khám phá những nét đẹp của Hội An từ du lịch biển đảo; du lịch sinh thái; du lịch cộng đồng, làng nghề, làng quê sông nước… Giờ đây, những cụm du lịch ở ngoại ô đã trở thành địa chỉ không thể thiếu trong cẩm nang du lịch của du khách khi đến với Hội An.

Du khách hào hứng đạp xe khám phá cảnh quan, sinh thái Hội An.
Du khách hào hứng đạp xe khám phá cảnh quan, sinh thái Hội An.

Về du lịch biển đảo địa phương chủ trương tập trung phát triển các loại hình nghỉ dưỡng dài ngày; giải trí thể thao trên biển, trên cát; sáng tác mỹ thuật; du thuyền, đua thuyền buồm; ẩm thực biển… Về du lịch sinh thái sẽ có các sản phẩm đặc trưng như cắm trại ngoài trời; du lịch nông nghiệp; công viên sinh thái, vườn sinh vật cảnh; du lịch sinh thái cảnh quan các bãi nổi trên sông… Với mảng du lịch cộng đồng gắn với làng nghề, làng quê, du khách sẽ được tham quan các làng chài, làng rau…; tự tạo sản phẩm tại làng nghề; lưu trú cùng người dân để khám phá sinh hoạt văn hóa truyền thống… Tóm lại, từ luống rau, con trâu cho tới cây ngô đồng… đều đã và đang được sử dụng để trở thành các sản phẩm du lịch hấp dẫn trong mắt khách du lịch.

Các khu chức năng, cơ sở vật chất, hạ tầng giao thông cũng đang được thành phố tích cực hoàn thiện để phục vụ cho nhu cầu của du khách. Các loại hình biệt thự nhà vườn, nhà có sân vườn, cụm homestay được khuyến khích phát triển để giữ cảnh quan làng quê sinh thái thu hút khách ra ngoại ô. Ông Nguyễn Hùng Linh - Phó phòng Thương mại và du lịch Hội An cho hay: “Về cơ bản, cụm trung tâm phố cổ Hội An vẫn sẽ là trọng tâm để thu hút khách du lịch đến với Hội An nhưng các vùng ven đô sẽ được chú trọng, tiếp tục phát triển mạnh mẽ hơn, góp phần bổ trợ để tạo nên các sản phẩm du lịch đa dạng, phong phú cho Hội An, góp phần bảo tồn và phát huy di sản này một cách bền vững”.

Đưa khách tham quan rừng dừa giúp người dân Cẩm Thanh tăng thêm thu nhập. Ảnh: Q.T
Đưa khách tham quan rừng dừa giúp người dân Cẩm Thanh tăng thêm thu nhập. Ảnh: Q.T

Nhiều mục đích

Việc giãn khách ra vùng ngoại ô đã và đang đem lại những lợi ích trông thấy cho thành phố, mà đầu tiên chính là việc giảm tải cho trung tâm phố cổ. Nhiều người phàn nàn rằng Hội An đã bớt đi vẻ trầm mặc như trước đây bởi lượng khách quá đông dồn về một không gian hẹp, nhiều lúc gây ra tình trạng nhốn nháo “người chen chúc người” khiến du khách không thể cảm nhận được vẻ đẹp độc đáo của di sản. Đây là thực trạng khó tránh khỏi khi Hội An trở thành “địa chỉ đỏ” trong bản đồ du lịch của Việt Nam và được du khách thập phương biết đến. Vì thế chỉ có cách phát triển đa dạng thêm các loại hình du lịch ở ven đô để hút khách mới làm giảm thiểu tác động tiêu cực cho phố cổ, bởi lượng khách đổ về ngày một đông.

Từ việc tạo thêm nhiều điểm du lịch mới, Hội An đã tăng được số ngày lưu trú bình quân của khách nước ngoài lên khoảng 4,5 ngày vào năm 2015 (năm 2001 chỉ khoảng 1,98 ngày). Ông Nguyễn Văn Sơn - Phó Chủ tịch UBND TP. Hội An cho biết, không gian du lịch thành phố sẽ được phát triển theo hướng mở, có trọng điểm và mang tính chuyên đề. Hướng tới phát triển du lịch “xanh”, du lịch cộng đồng, du lịch có trách nhiệm; gắn hoạt động du lịch với gìn giữ phát huy các giá trị tài nguyên, di sản văn hóa vật thể, phi vật thể, con người và khu dự trữ sinh quyển thế giới.

Một “mũi tên” khác mà thành phố hướng đến khi mở rộng không gian du lịch của Hội An chính là tạo sinh kế để người dân hưởng lợi một cách bền vững. Giờ đây không chỉ các doanh nghiệp hay dân cư khu vực trung tâm khai thác được nhiều lợi ích từ du lịch, mà người dân ở các vùng ven đô cũng được tạo điều kiện tối đa để tăng thu nhập từ hoạt động này. Đơn cử như tại Cù Lao Chàm, tổng doanh thu từ các hoạt động du lịch năm 2015 là 160 tỷ đồng thì doanh thu của cộng đồng đã đạt mức 80 tỷ đồng, tức chiếm một nửa nguồn thu. Đặc biệt với xã Cẩm Thanh, cách đây khoảng 5 năm, vùng đất giàu tiềm năng này gần như “trắng” du lịch, đất đai rất cằn cỗi, lĩnh vực sản xuất chính của người dân chủ yếu là nông nghiệp và ngư nghiệp. Nhưng hiện tại các hộ dân đã bắt đầu biết dựa vào du lịch để tìm kiếm sinh kế, phát triển kinh tế bằng việc kinh doanh homestay, trồng rau hữu cơ, đưa đón khách tham quan rừng dừa bằng thuyền, thúng… với khoảng 2.000 lao động tham gia hoạt động du lịch - dịch vụ. Ông Lê Thanh - Chủ tịch UBND xã Cẩm Thanh cho biết: “Trước đây, Cẩm Thanh là xã nghèo của thành phố, nhiều hộ còn phải nhận hỗ trợ gạo cứu đói từ Nhà nước. Hiện tại nhờ vào định hướng phát triển du lịch cộng đồng một cách đúng đắn, bộ mặt nơi đây đã khởi sắc rất nhiều, đời sống người dân ngày càng phát triển, thu nhập đã tăng lên khoảng 25 triệu đồng/người/năm”.

    QUỐC TUẤN

(0) Bình luận
x
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Giãn khách ra ven đô
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO