Gian nan cuộc chiến giữ rừng

HOÀNG YÊN -  PHẠM TRỌNG 31/07/2015 08:34

Cuộc chiến giữ rừng, bảo vệ các loại gỗ quý ở Phước Sơn vẫn đang diễn ra từng ngày. Để những cánh rừng già mãi xanh, không ít cán bộ kiểm lâm phải đổ mồ hôi, nước mắt và có cả máu...

Sống với “rừng thiêng nước độc”

Tuần tra rừng có thể coi là công việc vất vả nhất mà lực lượng kiểm lâm phải thực hiện thường xuyên. Rừng bao la là vậy, thâm u là vậy nhưng sẽ trở nên “teo tóp”  nhanh chóng nếu như không có dấu chân của người giữ rừng…

Cuối tháng 6.2015, chúng tôi theo chân lực lượng kiểm lâm Phước Sơn trong một chuyến tuần tra rừng vào tiểu khu 646, 652, 653 (thuộc suối Mò O, khu vực khe Dứa, thôn 10, xã Phước Hiệp), nơi có nhiều “diễn biến nóng” về khai thác gỗ và vàng trái phép trong thời gian gần đây. Theo lời kể của ông Trần Lanh - Hạt trưởng Hạt Kiểm lâm Phước Sơn, chỉ riêng việc đi đến nơi cũng mất hơn nửa ngày. Thông thường, một đoàn hơn chục anh em cán bộ kiểm lâm cứ liên tục luân phiên bất kể ngày đêm. Cửa rừng cách đường cái 5,6km, mỗi lần đi tuần, các anh đi xe đến cửa rừng, gửi lại nhà dân, rồi đi bộ vài giờ đồng hồ vào chốn rừng thiêng. Nơi ăn, nghỉ của các anh là những lều lán di động nên thiếu thốn, khó khăn đủ bề. Cuộc sống nơi “rừng thiêng, nước độc”, các anh đều phải tự khắc phục dựa trên kinh nghiệm trong các chuyến đi rừng và kinh nghiệm của bà con truyền lại. Ông Lanh cho biết: “Ở đoạn đầu cuộc hành trình, chúng tôi phát hiện khá nhiều súc gỗ được vứt ngổn ngang bên đường. Vào sâu, chúng tôi đã bắt tại trận 2 lâm tặc đang dùng máy cưa xăng triệt hạ mấy cây cổ thụ. Thấy chúng tôi, chúng vứt cưa bỏ chạy vào rừng sâu. Nhưng cũng có một điều bất hợp lý mà rất… hợp lý rằng, khi vào rừng, dẫu kiểm lâm có phát hiện ra hàng đống gỗ thì cũng đành chịu. Gỗ quá nặng chúng tôi không thể vận chuyển về được đành ra ngoài bìa rừng lập chốt, đợi lúc nào lâm tặc kéo gỗ ra mới chặn bắt. Khốn nỗi, ngày trước lâm tặc còn “dại” nên đốn bao nhiêu gỗ kéo ra ngoài tập kết bấy nhiêu, còn bây giờ sau khi đốn, cưa thành phách chúng vẫn để lại trong rừng, rồi thuê người dân dùng xe Win chở ra 2 - 3 phách... rất khó cho chúng tôi bắt và xử lý vi phạm”.

Gian nan tuần tra rừng.
Gian nan tuần tra rừng.

Trước đây, khi nạn khai thác rừng chưa ồ ạt như bây giờ, mỗi khi các đối tượng khai thác rừng trái phép thấy cán bộ bảo vệ rừng là bỏ chạy, nhưng một vài  năm trở lại đây chúng ra mặt chống đối quyết liệt. Kiểm lâm viên Phạm Mẫn (Hạt Kiểm lâm Phước Sơn) nói: “Mình ngoài sáng, lâm tặc trong tối, trên đường đi chúng còn rải đinh để xe kiểm lâm bị thủng lốp nhằm giữ chân cán bộ trong rừng, hoặc trong nhiều đợt truy quét, khi bị phát hiện, lâm tặc hung hãn ném đá gây thương tích cho anh em kiểm lâm”.
Kiểm lâm viên Phạm Mẫn đã có 8 năm gắn bó với rừng Phước Sơn, không ít lần anh phải đau xót khi chứng kiến cảnh những cánh rừng bị tàn phá. Rừng quá mênh mông, trong khi sức lực của đội ngũ kiểm lâm vẫn là rất nhỏ bé. Được giao phụ trách kiểm lâm địa bàn xã Phước Hiệp, nơi có diện tích rừng lớn, nạn khai thác vàng và gỗ diễn ra liên tục, nên cuộc sống sinh hoạt của anh chủ yếu gắn bó với rừng, ở trong rừng. Có những đợt tuần tra rừng, anh phải mang theo thực phẩm và nước uống, đêm dựng lán ngủ lại trong rừng 4 - 5 ngày liền mới về. Anh nói: “Coi rừng như tính mạng của mình, trên thân thể tôi vẫn còn nhiều vết sẹo do té ngã khi rượt đuổi, bị lâm tặc chống đối đánh trả”.

Lâm tặc rải đinh nhằm ngăn chặn việc tuần tra rừng của kiểm lâm. Ảnh: H.Y
Lâm tặc rải đinh nhằm ngăn chặn việc tuần tra rừng của kiểm lâm. Ảnh: H.Y

Vì sự bình yên của rừng

Rừng thuộc Khu bảo tồn thiên nhiên Sông Thanh có diện tích khá rộng, gồm hơn 93.000ha vùng lõi và gần 108.400ha rừng tự nhiên, độ che phủ rừng trên 81%, trải rộng trên địa bàn giáp ranh Phước Sơn với huyện Nam Giang. Do vậy, trọng trách trên vai của những người gác rừng nơi đây ngày càng nặng nề.

Ông Trần Lanh, Hạt trưởng Hạt Kiểm lâm Phước Sơn cho biết, đặc trưng của rừng Phước Sơn là rừng giàu, có nhiều loại gỗ quý hiếm như đinh, lim, sến, táu, chò, gõ… Để ngăn chặn tình trạng khai thác gỗ trái phép, Hạt Kiểm lâm Phước Sơn đã thực hiện chốt chặt cửa rừng, bất cứ người nào vào rừng đều bị kiểm soát. Ngoài ra Hạt Kiểm lâm cũng tăng cường cán bộ xuống các địa bàn, trung bình mỗi xã có 3 - 4 cán bộ để thường xuyên tuần tra. Lực lượng kiểm lâm cũng phối hợp chặt chẽ với lực lượng biên phòng, công an tiến hành truy quét, ngăn chặn các đối tượng khai thác trái phép. Mới đây, UBND huyện và Chi cục Kiểm lâm tỉnh chỉ đạo Hạt Kiểm lâm Phước Sơn và các ngành chức năng liên quan như Ban Quản lý rừng phòng hộ, Ban Chỉ huy Quân sự huyện, Công an huyện đồng loạt kiểm tra truy quét đẩy đuổi các đối tượng phá rừng tại các điểm phức tạp tại Khu bảo tồn thiên nhiên Sông Thanh. Trong 20 ngày, đã đẩy đuổi hàng trăm lượt người ra khỏi rừng, phá hủy 18 lán trong rừng, xử phạt 8 vụ vi phạm, tịch thu 53,2m3 gỗ các loại, thu giữ 2 cưa xăng, 3 xe máy…

Ông Nguyễn Mạnh Hà - Chủ tịch UBND huyện Phước Sơn cho biết, để ngăn chặn việc khai thác và vận chuyển gỗ trái phép trên địa bàn, UBND huyện đã chỉ đạo các xã triển khai ngay các biện pháp bảo vệ rừng; giao các xã thành lập các đội tuần tra bảo vệ, nhất là các xã vùng trọng điểm có nguy cơ phá rừng cao; tổ chức tuyên truyền vận động các hộ dân không tham gia khai thác vận chuyển gỗ trái pháp luật, kiểm tra tạm trú, tạm vắng, không cho gửi xe máy, gửi gỗ trong gia đình. Bên cạnh đó, tiếp tục tăng cường hoạt động của đoàn liên ngành bảo vệ rừng đã thành lập theo quyết định của UBND huyện, nay bổ sung một số thành viên, đặc biệt là lực lượng công an và Ban Chỉ huy Quân sự huyện, tổ chức kiểm tra rừng, tuần tra ngày đêm trên các tuyến đường, ngăn chặn các xe máy, ô tô vận chuyển gỗ; kiểm tra chặt chẽ các xưởng mộc, xưởng xẻ gỗ; cài cắm thông tin, theo dõi các trường hợp để có biện pháp xử lý…

HOÀNG YÊN -  PHẠM TRỌNG

(0) Bình luận
x
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Gian nan cuộc chiến giữ rừng
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO