Những thành quả nổi bật trong năm 2017 đã tạo ra niềm tin cho ngành GD-ĐT của tỉnh tiếp tục đẩy mạnh triển khai thực hiện nhiệm vụ đổi mới công tác dạy, học và thi thời gian tới.
Năng lực chuyên môn và ý thức trách nhiệm của đội ngũ giáo viên trong tỉnh ngày càng nâng cao. Ảnh: XUÂN PHÚ |
Những thành tích ấn tượng
Năm 2017 tuy còn nhiều khó khăn, song với nỗ lực của toàn ngành, sự nghiệp GD-ĐT toàn tỉnh đã gặt hái được nhiều kết quả nổi bật. Qua đó, tạo nên những điểm nhấn trong quá trình đổi mới và phát triển giáo dục của tỉnh. Trước hết, có thể kể đến mạng lưới trường lớp tiếp tục được mở rộng và xây dựng khang trang. Đến thời điểm này, cả tỉnh có 476 trường học các cấp được công nhận đạt chuẩn quốc gia, tỷ lệ 58,4%; trong đó 135 trường mầm non (tỷ lệ 50,6%), 203 trường tiểu học (73,8%), 123 trường THCS (56%), 15 trường THPT (27,7%). Kết quả này đã đưa Quảng Nam trở thành địa phương dẫn đầu 10 tỉnh, thành phố khu vực miền Trung - Tây Nguyên về số lượng trường chuẩn quốc gia.
Nhờ chỉ đạo thực hiện tốt công tác đổi mới quản lý, dạy và học, chất lượng giáo dục có nhiều chuyển biến. Qua kỳ thi “2 trong 1”, tỷ lệ học sinh (HS) tốt nghiệp THPT năm 2017 đạt hơn 94%, cao hơn nhiều so với 2 năm học trước đó (năm 2016 hơn 87% và năm 2015 hơn 89%). Trong khi đó, tỷ lệ HS đỗ đại học có chiều hướng tăng lên và cao hơn mặt bằng chung của cả nước. Đáng chú ý, học trò Quảng Nam ngày càng khẳng định tài năng của mình tại các sân chơi tri thức tầm quốc gia. Tại kỳ thi HS giỏi quốc gia năm 2017, trong số 56 thí sinh dự thi đã có 31 HS đạt giải, gồm 7 giải nhì, 12 giải ba và 12 giải khuyến khích (năm 2016 đạt 28 giải còn năm 2015 đạt 27 giải). Với thành tích này, Quảng Nam xếp vị thứ 28 quốc gia và thứ nhì các tỉnh khu vực miền Trung - Tây Nguyên. Ngoài ra, tại cuộc thi dành cho học trò trường chuyên năm học 2016-2017, HS Quảng Nam cũng thể hiện được khả năng của mình. Ở kỳ thi HS giỏi các trường THPT chuyên khu vực duyên hải và đồng bằng Bắc Bộ lần thứ X, có 106 HS tham gia giành được 94 giải (7 giải nhất, 21 giải nhì, 36 giải ba, 30 giải khuyến khích). Còn tại kỳ thi Olympic truyền thống 30.4 lần thứ XXIII, với 54 HS dự thi đã đạt được 47 huy chương (9 HCV, 26 HCB và 12 HCĐ). Với kết quả đạt được ở một số cuộc thi vừa qua, có thể nói rằng, chất lượng giáo dục mũi nhọn của tỉnh đã tiệm cận với tốp đầu của cả nước.
Xây dựng đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục để đáp ứng yêu cầu đổi mới căn bản, toàn diện GD-ĐT là ưu tiên hàng đầu trong chỉ đạo của ngành GD-ĐT những năm qua nói chung và năm 2017 nói riêng. Nhờ vậy, tỷ lệ giáo viên trên chuẩn toàn ngành khá cao, cấp học mầm non 59,6%, tiểu học 87%, THCS 58% và THPT 6,3%; ngoài ra, hiện có 5 tiến sĩ, 3 nghiên cứu sinh và 240 thạc sĩ. Năm 2017 cũng là năm đầu tiên tỉnh tổ chức thi tuyển viên chức giáo dục ở tất cả cấp học mầm non, tiểu học, THCS và THPT với tinh thần công khai, công bằng, khách quan, trong đó đáng chú ý là việc giáo viên trúng tuyển viên chức được chọn trường thay vì ngành GD-ĐT phân bổ như trước đây. Với 2 đợt thi của năm 2017, trong đợt 1 đã tuyển dụng được hơn 400 giáo viên; đợt 2 tổ chức vào tháng 12 với chỉ tiêu gần 1.200 và hiện đã có kết quả điểm thi, chờ quyết định chính thức của UBND tỉnh về kết quả trúng tuyển.
Lạc quan đổi mới
Một điểm nhấn đáng chú ý khác trong năm 2017, đó là sau nhiều năm ổn định, phương án tuyển sinh lớp 10 đã được thay đổi. Theo đó, chỉ tiêu xét tuyển vào lớp 10 hạ xuống 90% số HS đã tốt nghiệp THCS nộp hồ sơ dự tuyển ở tất cả trường THPT đồng bằng lẫn miền núi (trước đây đồng bằng 95% còn miền núi 100%). Cạnh đó, phương thức tuyển sinh lớp 10 vào Trường Phổ thông Dân tộc nội trú tỉnh cũng được thay đổi, thay vì xét tuyển theo từng địa phương như trước chuyển sang thi tuyển cạnh tranh đại trà. Vẫn còn có một số ý kiến trái chiều, song nhìn chung việc thay đổi tuyển sinh lớp 10 đã góp phần thực hiện chủ trương đẩy mạnh phân luồng, nâng cao chất lượng đầu vào cho các trường THPT. |
Kết quả đạt được trong năm 2017 đã tạo động lực và niềm lạc quan cho ngành GD-ĐT bước vào năm 2018 với khí thế mới. Theo ông Hà Thanh Quốc - Giám đốc Sở GD-ĐT, nhiệm vụ trọng tâm của ngành vẫn là tiếp tục đẩy mạnh thực hiện có hiệu quả Nghị quyết 29 của Trung ương và Nghị quyết 11 của Tỉnh ủy về đổi mới căn bản, toàn diện GD-ĐT; việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh gắn với các cuộc vận động và phong trào thi đua của ngành. Trong đó, những công việc hàng đầu của năm nay là rà soát, quy hoạch mạng lưới trường lớp; nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ quản lý, giáo viên; đẩy mạnh giao quyền tự chủ cho các cơ sở giáo dục; tập trung nâng cao chất lượng dạy và học, chuẩn bị đầy đủ các điều kiện để tổ chức tốt kỳ thi THPT quốc gia. Ngành cũng sẽ tiếp tục nghiên cứu theo hướng đổi mới công tác tuyển sinh lớp 10 để tham mưu cho tỉnh quyết định phương án tuyển sinh năm học 2018-2019 có chất lượng, hiệu quả.
Cũng trong năm 2018, với vai trò đơn vị chủ công, Sở GD-ĐT tập trung hoàn chỉnh đề án “Phát triển giáo dục miền núi giai đoạn 2018-2020, định hướng đến năm 2025” và đề án “Tập trung nguồn lực nâng cao chất lượng giáo dục Trường Phổ thông Dân tộc nội trú tỉnh đáp ứng yêu cầu tạo nguồn cán bộ dân tộc thiểu số trong giai đoạn mới” để sớm tham mưu cho tỉnh xem xét, ban hành nhằm tạo động lực cho ngành phát triển. Mặc dù thời gian triển khai chương trình giáo dục phổ thông mới được lùi lại, tuy nhiên, nhiệm vụ trong năm 2018 là phải bắt tay ngay vào việc chuẩn bị chu đáo các điều kiện cần thiết về cơ sở vật chất, trang thiết bị, đội ngũ. Theo ông Hà Thanh Quốc, đội ngũ cán bộ, giáo viên là lực lượng chính, yếu tố quan trọng nhất quyết định đến sự thành bại trong việc triển khai thực hiện chương trình. Vì vậy, yêu cầu đặt ra với toàn ngành là phải sớm có sự chuẩn bị về đội ngũ, đủ về số lượng và có chất lượng để khi bắt tay vào thực hiện đạt hiệu quả.
XUÂN PHÚ