Việc giáo dục học sinh có ý thức bảo vệ môi trường (BVMT) đang được các trường học trên địa bàn tỉnh chú trọng triển khai và thực hiện rộng rãi.
Cô và trò Trường Mẫu giáo Hương Sen (huyện Nông Sơn) khám phá môi trường vườn hoa của bé. Ảnh: THIÊN THU |
Chiều cuối tuần tại Trường Tiểu học Phạm Phú Thứ (huyện Nông Sơn) lúc nào cũng đông vui, rộn ràng tiếng nói cười của giáo viên và học sinh khi tham gia lao động vệ sinh khuôn viên trường học và tuyến đường tự quản. Cô Trương Thị Thê - Phó Hiệu trưởng Trường Tiểu học Phạm Phú Thứ cho biết, từ nhiều năm nay nhà trường duy trì việc lao động vệ sinh cuối tuần, qua đó giáo dục cho học sinh ý thức không vứt rác bừa bãi, biết giữ gìn vệ sinh môi trường sống. “Vào ngày nghỉ hằng tuần, dưới sự hướng dẫn của giáo viên, học sinh khối lớp 4 và 5 thay phiên mang chổi và dụng cụ lao động cùng chăm sóc tuyến đường dài hơn 500m từ cổng chào thôn Phước Bình Trung (xã Sơn Viên) nối tuyến đường ĐT 611 tới cổng trường. Không chỉ quét dọn thu gom rác thải, các em còn chăm sóc cây xanh hai bên đường để tạo cảnh quan xanh sạch đẹp” - cô Thê nói.
Nguyễn Anh Thư - Liên đội trưởng, học lớp 5C thổ lộ: “Em rất phấn khởi vì góp chút công sức bé nhỏ của mình khi tham gia làm sạch đoạn đường để BVMT, giữ không khí trong lành và tạo sự đoàn kết, gắn bó giữa các bạn trong lớp”. Ngoài ra, việc giáo dục môi trường cũng được giáo viên dạy lồng ghép thông qua các môn học chính khóa như: Đạo đức, Tự nhiên và xã hội, Địa lý… và nhà trường tuyên truyền bằng khẩu hiệu, băng rôn hưởng ứng Ngày môi trường thế giới nhằm góp phần nâng cao ý thức giữ gìn và BVMT trong học sinh.
Tương tự, tại Trường Mẫu giáo liên xã La Dêê - Đắc Tôi (Nam Giang) việc giáo dục cho trẻ biết BVMT luôn được nhà trường đặt lên hàng đầu. Cô Zơrâm Kiên (người dân tộc Tà Riềng) - Hiệu trưởng Trường Mẫu giáo liên xã La Dêê - Đắc Tôi cho hay, thông qua hoạt động ngoài trời, hoạt động khám phá khoa học, giáo viên hướng dẫn trẻ tham gia cuộc trò chuyện bằng những câu hỏi ngắn gọn, đơn giản nhằm bước đầu tạo hứng thú cho trẻ đối với nội dung đặt ra về BVMT, như: Tại sao con người lại phải trồng cây? Cây sống được là nhờ vào đâu? Muốn cây xanh trong sân trường tươi tốt các con cần phải làm gì?... Qua các hoạt động trải nghiệm này sẽ dần hình thành cho trẻ có thái độ, ứng xử đúng đắn, tôn trọng và thân thiện với môi trường xung quanh. Theo cô Zơrâm Kiên, ở bậc học mầm non, mọi thứ còn xa lạ đối với trẻ nên giáo viên lồng ghép các tình huống thiết thực về giáo dục ý thức BVMT để trẻ trải nghiệm. Cô có thể cho trẻ đóng vai làm người nông dân chăm sóc vườn rau, hay làm cô lao công dọn dẹp đường phố, bác sĩ khám bệnh cho nhân dân...
Cô Zơrâm Hằng - giáo viên Trường Mẫu giáo liên xã La Dêê - Đắc Tôi chia sẻ, trong hoạt động học tập, giáo viên tích hợp nhiều môn học như: Giáo dục âm nhạc, Làm quen chữ cái, Bé với thiên nhiên và giới thiệu góc nghệ thuật để trẻ thỏa sức sáng tạo. Qua đó, giáo dục cho các con tình yêu thiên nhiên đất nước, thích thú với môi trường sạch sẽ và phân biệt được những hành vi tốt, hành vi xấu tác động đến môi trường sống. Các cô còn hướng dẫn trẻ không vẽ bậy lên tường, đi vệ sinh đúng nơi quy định, phân loại rác thải và làm gương cho trẻ trong việc sử dụng tiết kiệm điện, nước, nhiên liệu.
THIÊN THU