(QNO) - Nhằm xác lập giá trị nhân văn trong thời hiện đại, đưa giáo dục nhân văn (GDNV) từ nghiên cứu vào thực tiễn giáo dục đại học (ĐH), ngày 6.6 Trường ĐH Duy Tân - Đà Nẵng tổ chức hội thảo khoa học với chủ đề “GDNV trong giáo dục ĐH”, thu hút hơn 300 đại biểu và đông đảo sinh viên nhà trường tham gia.
Phát biểu khai mạc hội thảo, TS. Lê Nguyên Bảo - Hiệu trưởng Trường ĐH Duy Tân cho biết: Qua gần 25 năm xây dựng và phát triển, ĐH Duy Tân luôn thực hiện phương châm “Đào tạo gắn liền với nghiên cứu thực nghiệm trên nền nhân văn hiện đại” để xây dựng chương trình và phương pháp giáo dục nhằm đào tạo đội ngũ tri thức trẻ vừa có năng lực chuyên môn cao, vừa có đạo đức nghề nghiệp, đồng thời có trách nhiệm với đất nước trong thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa.
Để sự nghiệp giáo dục của trường ngày càng phát triển, thực hiện giấc mơ “Duy Tân - Top 300 ĐH châu Á”, nhà trường vẫn không ngừng suy tư về những giải pháp thiết thực và lâu bền. Trong đó, vấn đề GDNV cho sinh viên được chú trọng, hiểu theo nghĩa nhân cách làm người, đạo đức của con người trong các mối quan hệ gia đình, cộng đồng xã hội. Bởi “sản phẩm” của nhà trường là những người trẻ tuổi sẽ tham gia lâu dài vào nhiều hoạt động của xã hội, là chủ nhân của các gia đình nhỏ - nơi tạo ra và nuôi dưỡng các thế hệ tương lai. Nói cách khác, đó là một “sản phẩm” cần phải có và nên bao gồm cả tri thức, kỹ thuật và hiểu biết về cách sống để góp phần tạo nên một xã hội tốt đẹp.
Theo TS. Lê Nguyên Bảo, trên thực tế, ĐH Duy Tân cũng như nhiều cơ sở đào tạo khác đang đối mặt với những đánh giá không vui của xã hội về lối sống, đạo đức của thế hệ trẻ, trong đó có những sinh viên đã tốt nghiệp ĐH. ĐH Duy Tân là một đơn vị đào tạo trong hệ thống giáo dục Việt Nam và ĐH là một khâu trong hệ thống giáo dục chung, nên sẽ không thể có những câu trả lời riêng biệt cho những vấn đề mà xã hội đang đối diện. Vì GDNV quan trọng đối với dân tộc, không chỉ đối với hiện tại mà cả tương lai, cho nên ĐH Duy Tân xin gánh trách nhiệm tạo ra một diễn đàn mang tên “GDNV trong giáo dục ĐH”.
Ban tổ chức đã nhận được 120 bài viết của 130 tác giả đang làm việc tại các trường ĐH, các cơ sở nghiên cứu và giáo dục trên cả nước. Qua đó, biên tập và chọn lọc 48 bài viết chất lượng đưa vào kỷ yếu hội thảo. Mọi bài viết đều hướng đến giải quyết vấn: Làm sao để đào tạo được cho xã hội một lực lượng lao động có kiến thức, có nhân cách tốt?
Theo đó, tựu trung có 3 điểm nhấn. Thứ nhất, GDNV trong môi trường ĐH, vì sao cần? Có nhiều bài tâm huyết của các nhà khoa học, nhất là những kiến nghị của GS-TS. Huỳnh Như Phương (ĐH Khoa học xã hội và nhân văn TP.Hồ Chí Minh), GS-TS. Đoàn Văn Điều (ĐH Sư phạm TP.Hồ Chí Minh), PGS-TS. Thái Phan Vàng Anh (ĐH Sư phạm Huế), TS. Nguyễn Thành Nam (ĐH Văn hóa Hà Nội)… đề cập đến vấn đề GDNV Việt Nam trong bối cảnh toàn cầu hóa với những thuận lợi, thách thức.
Điểm nhấn thứ 2, tri thức nhân loại có vai trò gì, kinh nghiệm thế giới có thể gợi ý gì cho GDNV Việt Nam? Các giá trị nhân văn từ Nhật Bản, Trung Quốc và giáo lý Thiên chúa giáo, Phật giáo… của TS. Trương Thị Thu Trang, TS. Nguyễn Thị Hiền (Viện Hàn lâm khoa học Việt Nam), TS. Hoàng Thị Anh Đào và TS. Nguyễn Thị Mỹ Lộc (ĐH Khoa học Huế)...
Thứ 3, giải pháp nào cho GDNV ở ĐH tại Việt Nam hiện nay? Đây là vùng nhận được rất nhiều lời bàn. GDNV trước hết cần đi từ sự kiến tạo đạo làm người ở ĐH là một giải pháp hợp lý của TS. Trần Hải Yến (Viện Văn học); hay là sự tích hợp giá trị nhân văn thông qua kiến tạo văn hóa của TS. Nguyễn Thành Nhân (ĐH Quốc gia TP.Hồ Chí Minh). Ngoài ra GDNV ở khía cạnh nhân văn sinh thái như sự đề cập của PGS-TS. Ngô Văn Giá (ĐH Văn hóa Hà Nội), TS. Trần Thị Ánh Nguyệt (ĐH Duy Tân). Đặc biệt, còn có cả những giải pháp rất cụ thể như giáo dục nhân cách nghề/tinh thần khởi nghiệp cho sinh viên của PGS-TS. Cao Thị Hảo (ĐH Sư phạm Thái Nguyên); các mô hình GDNV trong thời công nghệ số của TS. Mai Anh Tuấn (ĐH Văn hóa Hà Nội)...
Kết luận hội thảo, Anh hùng lao động, Nhà giáo ưu tú Lê Công Cơ - Chủ tịch HĐQT Trường ĐH Duy Tân nhận định, hội thảo đã đưa ra những quan niệm, đánh giá, phân tích dựa trên nhiều nguồn tri thức phong phú và sâu sắc, xuất phát từ quan sát và thực tiễn làm việc cụ thể ở cả trong và ngoài nước. Hy vọng sau hội thảo, nhà trường vẫn sẽ tiếp tục nhận được nhiều ý kiến trao đổi, những kế sách từ kinh nghiệm thực tiễn đến lý thuyết chung... để có thể lựa chọn được những giải pháp hợp lý, hữu hiệu cho vấn đề GDNV trong môi trường ĐH Việt Nam hiện nay.