Đã 3 năm nay, thay vì tổ chức cuộc thi “Tiếng hát tiểu học” hay “Giọng hát hay” như trước đây, Liên đội Trường Tiểu học Trần Quốc Toản (thị trấn Hà Lam, Thăng Bình) tổ chức chương trình “Thần tượng âm nhạc Trần Quốc Toản idol”. Theo thầy giáo Nguyễn Văn Nhàn - Tổng phụ trách đội Trường Tiểu học Trần Quốc Toản, các cuộc thi hát cấp trường những năm trước đòi hỏi đầu tư tập luyện rất nhiều, từ diễn viên đến dàn dựng, trang phục, đạo cụ; giáo viên chủ nhiệm phải theo sát các em. Nhưng với “Thần tượng âm nhạc Trần Quốc Toản idol”, học sinh sẽ tự đăng ký, không giới hạn số lượng, chỉ cần có năng khiếu. “Cuộc thi được chia thành 2 vòng, sơ khảo và chung khảo. Ở vòng sơ khảo, các em hát không cần đầu tư quá nhiều. Chỉ cần có chất giọng, giám khảo nhìn thấy tiềm năng từ giọng hát đó, em nào cảm nhịp tốt thì chọn vào vòng trong. Áp lực của học sinh ở những cuộc thi theo đó giảm đi và giáo viên chủ nhiệm cũng vơi bớt gánh nặng. Các em đăng ký tự do nên cuộc thi là nơi phát hiện ra được những giọng hát mới xuất sắc” - thầy Nhàn cho biết.
Niềm vui của học sinh Trường Tiểu học Trần Quốc Toản khi nhận được “tấm vé vàng” vào vòng trong của “Thần tượng âm nhạc Trần Quốc Toản idol”. Ảnh: THU SƯƠNG |
Sau 2 mùa làm khán giả, cuộc thi năm nay, Trần Ngọc Thủy Tiên, học sinh lớp 4B mới mạnh dạn đăng ký tham gia và đã lọt vào đêm thi chung kết diễn ra vào cuối tuần qua. Tiên chia sẻ: “Em đặc biệt thích hát, nhưng từ trước đến nay em rất sợ đám đông. Hai năm vừa rồi thấy các bạn thi nhiều nên năm nay em đăng ký tham gia. Ở vòng sơ khảo, em tự chọn bài, tự mở youtube lên và tập hát. Cho đến bây giờ, em vẫn không thể nào quên được cảm giác cầm trên tay “tấm vé vàng” mà giám khảo trao để được tiến vào vòng trong”.
Dõi theo hành trình của mỗi cuộc thi do Liên đội Trường Tiểu học Trần Quốc Toản tổ chức, sẽ nhận thấy được rất nhiều cung bậc cảm xúc của các thí sinh nhỏ tuổi. Từ hồi hộp, lo lắng đến cảm giác vui sướng vỡ òa khi nhận được “tấm vé vàng” vào vòng trong hay những giọt nước mắt khi may mắn chưa mỉm cười. Trước khi bước vào vòng chung kết, học sinh sẽ được rèn luyện kỹ năng đứng trên sân khấu, tập phong thái dạn dĩ, tự tin trước đám đông... Đó là những kỹ năng mềm rất cần thiết cho các em sau này.
Trước đó, tại xã Bình Minh, cuộc thi hát của học sinh Trường THCS Phan Đình Phùng năm nay là nơi thể hiện của các cây hát dân ca. Cô giáo Lê Thị Thu Thủy - Tổng phụ trách đội Trường THCS Phan Đình Phùng cho biết, khác với mọi năm, cuộc thi năm nay dành riêng cho các khúc hát dân ca; ngay cả các ca khúc mang âm hưởng dân ca cũng không được chấp nhận. Cùng với việc học môn âm nhạc ở nhà trường và các hoạt động ngoại khóa, cuộc thi hát dân ca sẽ góp phần tích cực trong việc giáo dục học sinh về nguồn cội. Dẫu lần đầu tiên tổ chức, nhưng cuộc thi đã thu hút được 32 học sinh đến từ 14 lớp tham gia. “Để có được phần biểu diễn chỉn chu, giáo viên chỉ hướng dẫn, còn chủ yếu các em tự tập luyện. Việc tự tập luyện cũng nhằm tạo điều kiện để học sinh tự mày mò tìm hiểu, khám phá những đặc trưng của dân ca từng vùng miền. Từ đó, khơi dậy đam mê yêu thích âm nhạc cổ truyền dân tộc trong học sinh” - cô giáo Thu Thủy chia sẻ.
Anh Trần Hữu Phước - Phó Bí thư Thường trực Huyện đoàn Thăng Bình cho biết: “Hằng năm, các liên đội trên địa bàn huyện đều tổ chức sân chơi âm nhạc cho học sinh. Không có quy định chung về hình thức thi, mỗi trường tùy vào điều kiện thực tế sẽ có những kế hoạch tổ chức khác nhau, nhưng mục đích chung là góp phần phát triển cảm hứng âm nhạc trong nhà trường. Đồng thời để cho các em có cơ hội được trải nghiệm, bớt căng thẳng sau những giờ học chính khóa; thỏa niềm đam mê, yêu thích ca hát”.
THU SƯƠNG