Chuyện một người gieo hạt nơi núi rừng

MẠNH HÙNG 20/11/2021 17:58

(QNO) - Hơn 35 năm trước, thầy giáo Phan Đình Phúc đặt chân lên miền rừng núi hoang vu huyện Nam Giang, nhận nhiệm vụ ở Trường Phổ thông dân tộc bán trú THCS liên xã Cà Dy – Tà Bhing, huyện Nam Giang, bắt đầu sự nghiệp gieo những con chữ đầu tiên. Hành trình khó nhọc, gian nan ấy qua đi, để hôm nay trong sự nghiệp “cõng chữ lên non” của thầy đã đơm hoa kết trái, những lớp học trò ngày nào giờ đây cũng đã thành đạt, có người trở lại nối tiếp sự nghiệp của thầy.

Không khí Ngày nhà giáo Việt Nam tại trường Phổ thông dân tộc bán trú THCS liên xã Cà Dy – Tà Bhing.
Không khí Ngày Nhà giáo Việt Nam tại trường Phổ thông dân tộc bán trú THCS liên xã Cà Dy - Tà Bhing.

Một tiếng “thầy” từ lòng dân

Gia đình anh Trần Văn Thanh và chị Nguyễn Thị Mến (thôn Đồng Râm) có 2 thế hệ cha mẹ và con cái đều là học trò của thầy) chia sẻ: Bà con trong huyện từ già đến trẻ hỏi thầy Phúc ai cũng biết, bởi ngoài dạy học thầy còn là một người hăng say với công tác từ thiện. Bao trận bão lũ, thầy đều có mặt để kịp thời an ủi động viên, giúp dân dựng nhà, lo lắng từng cuốn vở, cái áo để học sinh tiếp tục đến trường.

Anh Lý Thành Đông (người dân thôn Đồng Râm) kể thêm: Ai cũng yêu quý thầy vì thầy sống trong lòng dân, ai gọi thầy cũng nghe máy, ai đến thầy cũng chuyện trò rất nhiệt tình và chu đáo.

35 năm bụi phấn bạc mái đầu

Nhận được sự phân công của sở Giáo dục tỉnh Quảng Nam – Đà Nẵng, tháng 9.1986, chàng trai trẻ Phan Đình Phúc mang theo lòng nhiệt huyết làm hành trang đi bộ suốt 3 ngày trời, vượt rừng núi lên huyện Nam Giang để bắt đầu sự nghiệp “trồng người”.

"Đất nước lúc bấy giờ hết sức khó khăn, thầy cô giáo phải đốt cây lồ ô để lấy ánh sáng. Một miếng sắn cõng ba hạt gạo cho qua bữa nhưng được cái đồng bào rất yêu quý giáo viên" – thầy Phúc chia sẻ. Phụ huynh thay nhau vào rừng hái rau, củ, quả biếu thầy, ai có gì thì góp nấy, lâu lâu họ lại gom được cho thầy vài lít tà vạc (một loại rượu lên men từ cây tà vạc trong rừng) để bày tỏ sự yêu mến, kính trọng.

Vận động các mạnh thường quân giúp đỡ kịp thời những hoàn cảnh khó khăn trên địa bàn.
Vận động các mạnh thường quân giúp đỡ kịp thời những hoàn cảnh khó khăn trên địa bàn.

Cuộc sống bữa no, bữa đói, không riêng gì giáo viên mà người dân trong vùng phải chống chọi với những đợt sốt rét rừng khiếp đảm. Con đường đến lớp vốn đã phải trèo đèo lội suối, thì vào mùa mưa còn khó khăn gấp bội, nhiều thôn làng bị dòng nước cô lập, đói và dịch bệnh đã trở thành cơn ác mộng lúc bấy giờ. Chính vì thế mà ngày qua ngày, học sinh bỏ học càng nhiều.

Thương hoàn cảnh các em, ngoài giờ lên lớp thầy Phúc cũng như nhiều giáo viên khác phải lặn lội hàng chục cây số đường rừng đến từng nhà, bằng mọi cách vận động học sinh tiếp tục đến trường.

Thầy Phúc nhớ lại: có em bỏ học nhiều quá, hễ thấy thầy đến vận động là bỏ chạy, thầy buồn không hiểu vì sao học sinh sợ mình, mãi sau này mới biết các em còn phải lên rẫy, phải trông em, phải làm tất bật những công việc của người trưởng thành. Các em không phải sợ thầy, sợ đến trường, mà sợ đi học rồi thì ở nhà không có ai làm việc nhà giúp cha mẹ. Từ đó, khi vận động được các em đến trường thì có em lại phải cõng theo em nhỏ để chăm tại lớp... 

Gian nan là vậy, nhưng với tình yêu thương, sự sẻ chia, ân cần nâng cánh những ước mơ học được cái chữ đã tạo nên động lực, thành sức mạnh để thầy trò cùng nuôi dưỡng niềm tin vào tương lai. Niềm tin đó đã thắp sáng nơi núi rừng. Những lớp học trò thuở ấy cho đến hôm nay đều trưởng thành và công tác trên chính quê hương mình, cũng có em trở lại mái trường xưa làm đồng nghiệp của thầy, nối tiếp con đường vinh quang của nghề “gieo con chữ”, thắp sáng thêm niềm tin cho những thế hệ tiếp theo.

Làm cha giữa mùa dịch

Giờ đây, các em đã được học dưới ngôi trường mới khang trang, không còn phải lo cái ăn, cái mặc, các em chỉ chuyên tâm học hành. Nhưng những ngày tháng êm đẹp của thầy và trò đã bị xáo trộn khi vùng quê yên bình này đại dịch Covid-19 hoành hành. Khi gia đình trong lớp có em bị F0 thì 28 em học sinh và thầy cô của lớp phải cách ly tại trường, ngoài công tác chuyên môn ra thầy cô còn phải vừa làm cha, làm mẹ, lo cho các em từng bữa cơm, giấc ngủ, động viên các em vượt qua thời gian cách ly.

Thầy Phan Đình Phúc dạy các em bị cách ly tại trường.
Thầy Phan Đình Phúc dạy các em bị cách ly tại trường.

Ông Châu Ngọc Vĩnh – Trưởng phòng GD-ĐT huyện Nam Giang cho biết: Ngoài những thành tích trong quá trình giảng dạy thì thầy Phan Đình Phúc là một người rất năng động và nhiệt huyết với những hoạt động bên ngoài, tích cực vận động nhiều nguồn lực khác nhau để giúp đỡ kịp thời cho những hoàn cảnh khó khăn, mang niềm vui lớn cho các em học sinh, khuyến khích động viên để các em hoàn thành tốt hơn thành tích học tập của mình.

Đón nhận những tình cảm của các lớp học trò thân yêu nhân ngày 20.11 năm nay, thầy Phan Đình Phúc không thể giấu nổi niềm cảm xúc nơi khóe mắt. Bởi 35 năm gắn bó nơi núi rừng này, thầy đã chứng kiến, sẻ chia tình yêu thương và chứng kiến sự trưởng thành của bao lớp thế hệ học trò để rồi mùa tựu trường năm 2022 thầy sẽ về miền xuôi, nghỉ ngơi sau bao năm dài cống hiến với nghề giáo. Song, mái trường dân tộc nội trú liên xã Cà Dy – Tà Bhing cũng như bao thế hệ học sinh và người dân huyện Nam Giang này, hình ảnh thầy Phúc vẫn luôn đọng mãi trong ký ức về một người thầy trân quý, yêu thương

(0) Bình luận
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Chuyện một người gieo hạt nơi núi rừng
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO