“Rộn ràng” học trực tuyến

CHÂU NỮ 28/11/2021 14:42

(QNO) - “Cô ơi, em không nghe tiếng cô giảng”, “Cô ơi, bạn X. chưa tắt mic”, “Cô ơi, cho em đi uống nước”, “Cô ơi…”… Lớp học trực tuyến của học trò nhỏ tuổi luôn “rộn ràng” với những câu như vậy.

Cùng lúc đó, ở nhóm zalo của phụ huynh lớp, thỉnh thoảng có người thông báo con em họ bị “văng” ra khỏi lớp học, bị sự cố đường truyền và đề nghị cô giáo "duyệt" cho học sinh vào lớp trở lại.

Học sinh vẫn mặc đồng phục khi ở nhà học trực tuyến. Ảnh: C.N
Học sinh vẫn mặc đồng phục khi ở nhà học trực tuyến. Ảnh: C.N

Đồng hành với con

Do dịch bệnh diễn biến phức tạp, học sinh TP.Tam Kỳ chuyển từ học trực tiếp sang học trực tuyến trong hai ngày cuối tuần. So với các địa phương ở vùng sâu vùng xa, có thể thấy đa số học sinh Tam Kỳ có điều kiện học trực tuyến hơn, ít nhất là về thiết bị, đường truyền.

Tuy nhiên, khi nghe thông tin triển khai dạy học theo cách này, phụ huynh và học sinh vẫn xôn xao. Những học sinh chưa được học theo cách này lần nào thì có vẻ háo hức với cách học mới và thoải mái hơn vì được học ở nhà (chưa kể có thể được tranh thủ “vọc” thiết bị công nghệ trong giờ giải lao).

Phụ huynh thì lo lắng khi con em mình phải tiếp xúc liên tục với màn hình trong thời gian dài, nhất là đối với những học sinh mắc bệnh về mắt và không phải gia đình nào cũng đủ thiết bị học tập, nhất là khi các con cùng học một buổi; cả nỗi lo không có thời gian quản lý con hoặc không thể hỗ trợ, hướng dẫn con sử dụng thiết bị công nghệ trong buổi học đầu tiên...

Các trường học trên địa bàn tỉnh luôn sẵn sàng kế hoạch dạy học bất đắc dĩ này nhưng giáo viên có thể vẫn gặp khó khăn khi chuẩn bị bài giảng theo cách dạy trực tuyến, nhất là đối với giáo viên chưa sử dụng công nghệ thành thạo hoặc lớn tuổi. Tuy nhiên, có thể thấy sự nỗ lực của các giáo viên, phụ huynh, học sinh khi có lớp học sinh tham gia học trực tuyến lên đến 100%.

Học sinh lớp 1 học trực tuyến có sự hỗ trợ của phụ huynh. Ảnh: H.H
Học sinh lớp 1 học trực tuyến có sự hỗ trợ của phụ huynh. Ảnh: H.H

Dù giáo viên mở lớp hướng dẫn học sinh làm quen trước khi học chính thức, nhưng khi vào học, giáo viên cũng phải liên tục nhắc nhở học sinh nghiêm túc, tắt/bật micro khi cần thiết và giải quyết nhiều chuyện khác trong giờ học.

Ở cạnh để hướng dẫn cậu con trai đang học lớp 4 trong buổi học đầu tiên, tôi mới thấy được sự kiên nhẫn và sức “chịu đựng” của cô giáo. Có em xin đi vệ sinh, đi uống nước, nhắn tin lung tung trong nhóm hoặc tranh thủ “méc” bạn này bạn kia… May mắn là sau vài tiết học, mọi chuyện dần trở nên nghiêm túc hơn, trật tự hơn. 

Ấy là con tôi đang học lớp 4 và có mẹ ngồi cạnh, không hiểu học sinh lớp 1, lớp 2 thì sẽ như thế nào khi các em còn quá nhỏ. Tất nhiên không phải phụ huynh nào đồng hành với con trong quá trình học và cũng không phải có học sinh nào cũng có đủ thiết bị để học trực tuyến, có em phải đến nhà bạn để học chung.

Nhiều giáo viên, trường học linh hoạt tìm biện pháp hỗ trợ những học sinh không có điều kiện học trực tuyến như gửi bài giảng để phụ huynh hướng dẫn học sinh học trong thời gian phù hợp.

Lớp học "rộn ràng"

Vẫn biết học trực tuyến chỉ là giải pháp tình thế, sẽ không mang lại hiệu quả và chất lượng như học trực tiếp nhưng ở khía cạnh nào đó, vẫn có mặt tích cực nhất định. Với một số giáo viên, dạy trực tuyến là “trải nghiệm” thú vị khi ngoài học sinh còn có sự theo dõi, đồng hành của phụ huynh.

“Đối với lớp 1, buổi học trực tuyến thành công nhờ sự hỗ trợ rất nhiều từ phụ huynh. Hơn nữa, qua buổi học, phụ huynh có thể nắm bắt được cách dạy của giáo viên đối với con mình ở trường, từ đó dễ dàng hướng dẫn con học ở nhà hơn. Lớp học không phải 39 học sinh như thường ngày mà còn gấp đôi, gấp ba, vì có gia đình cả ba và mẹ cùng học với con” - cô giáo Hoàng Bùi Kim Hiền, Trường Tiểu học Nguyễn Văn Trỗi (Tam Kỳ) nói.

Giáo viên, học sinh có sự tương tác khi học trực tuyến. Trong ảnh: Học sinh đưa tay phát biểu bài. Ảnh: C.N
Giáo viên, học sinh có sự tương tác khi học trực tuyến. Trong ảnh: Học sinh đưa tay phát biểu bài. Ảnh: C.N

Đồng hành với con trong suốt thời gian học trực tuyến, tôi thấy cái hay của cách học này là phụ huynh có cơ hội để “dự giờ” lớp học của con, theo dõi được quá trình học cũng như biết được mức độ tiếp thu kiến thức của con mình đến đâu.

Khi con trả lời đúng, tôi đưa ngón tay cái lên trên ngầm biểu hiện sự khen ngợi; khi con trả lời chưa đúng câu hỏi của cô, tôi sè sẹ nắm tay con để động viên. Từ những phát biểu của học sinh trong lớp, tôi nhắc con: “khi bạn trả lời chưa đúng, con đừng nhận xét là “bạn trả lời sai” mà có thể nói “bạn trả lời chưa chính xác hoặc chưa đúng” để bạn cảm thấy dễ chịu hơn”.

Lớp học của con tôi luôn “rộn ràng” là bởi liên tục có sự tương tác giữa cô giáo và học trò, dù chỉ qua màn hình. Hầu hết học sinh dù học trực tuyến vẫn mặc đồng phục, đeo khăn quàng chỉnh tề.

Đầu tiết học có kiểm tra bài cũ, giới thiệu bài mới; trong giờ học, cô hỏi, trò trả lời, nhiều trò cũng mạnh dạn đưa tay bày tỏ ý kiến của mình; cuối tiết học có nhận xét, dặn dò, có cả lời chúc học trò cuối tuần vui vẻ bên gia đình.

Khác với lớp học trực tuyến của học trò, lớp học online của cán bộ viên chức mà tôi là học viên thường chỉ rộn ràng khi giảng viên điểm danh. Mỗi khi tới giờ điểm danh, nhóm zalo riêng của học viên liên tục hiện lên tin nhắn nhắc nhau trở vào lớp.

Nói vậy để thấy, học trực tuyến (và cả trực tiếp), hiệu quả hay không phụ thuộc phần lớn vào ý thức và sự nghiêm túc của người học, người dạy.

Trong tình hình dịch bệnh Covid-19 diễn biến phức tạp như hiện nay, cộng với tác động mạnh mẽ của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 đến mọi lĩnh vực, đặc biệt là giáo dục, thì việc dạy và học trực tuyến là tất yếu và dù muốn hay không thì ai phải cũng tập thích nghi.

(0) Bình luận
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
“Rộn ràng” học trực tuyến
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO