Sắp xếp các cơ sở giáo dục nghề nghiệp công lập: Kỳ vọng tinh gọn và hiệu quả

DIỄM LỆ 29/05/2021 05:47

Từ 6 cơ sở giáo dục nghề nghiệp (GDNN) chỉ còn lại 1 cơ sở với tên gọi là Trường Cao đẳng Quảng Nam, chính thức hoạt động vào ngày 1.6.2021. Các công đoạn sắp xếp, bàn giao cơ sở vật chất và con người từ 6 trường về một đầu mối đang được thực hiện khẩn trương. Sự sắp xếp này đặt kỳ vọng về một chặng đường mới của sự nghiệp đào tạo nhân lực, đáp ứng sự phát triển của Quảng Nam trong giai đoạn mới.

Thời gian qua, việc đào tạo nghề ở các cơ sở giáo dục nghề nghiệp công lập đã đào tạo lượng lớn lao động của tỉnh. Ảnh: D.L
Thời gian qua, việc đào tạo nghề ở các cơ sở giáo dục nghề nghiệp công lập đã đào tạo lượng lớn lao động của tỉnh. Ảnh: D.L

BÀN GIAO NGUYÊN TRẠNG

Sáp nhập các cơ sở GDNN là việc làm cần thiết, theo tinh thần Nghị quyết số 19-NQ/TW ngày 25.10.2017 của Hội nghị lần thứ sáu Ban Chấp hành Trung ương khóa XII về tiếp tục đổi mới hệ thống tổ chức và quản lý, nâng cao chất lượng và hiệu quả hoạt động của các đơn vị sự nghiệp công lập. Các cơ sở GDNN của tỉnh sẽ được bàn giao nguyên trạng, 6 trường nghề sáp nhập thành Trường Cao đẳng Quảng Nam.

Trụ sở chính của Trường Cao đẳng Quảng Nam là cơ sở của Trường Cao đẳng Kinh tế - kỹ thuật hiện nay. Ảnh: D.L
Trụ sở chính của Trường Cao đẳng Quảng Nam là cơ sở của Trường Cao đẳng Kinh tế - kỹ thuật hiện nay. Ảnh: D.L

Khắc chế khó khăn, phát huy thuận lợi

Đề án của UBND tỉnh về sắp xếp các cơ sở GDNN tiến hành sáp nhập các trường Cao đẳng (CĐ) Công nghệ Quảng Nam, Trung cấp nghề (TCN) Bắc Quảng Nam, TCN Nam Quảng Nam, TCN Thanh niên dân tộc - miền núi Quảng Nam, Trung cấp Văn hóa, nghệ thuật và du lịch Quảng Nam và Trường CĐ Kinh tế - kỹ thuật Quảng Nam, đổi tên thành Trường CĐ Quảng Nam. Việc bàn giao đang được khẩn trương thực hiện.

Theo Sở LĐ-TB&XH, thời gian qua, trong lĩnh vực GDNN, hệ thống cung ứng dịch vụ sự nghiệp công đã hình thành trong tỉnh, mạng lưới các cơ sở trải rộng đến khu vực nông thôn, miền núi, trên những địa bàn khó khăn để thực hiện nhiệm vụ đào tạo nguồn nhân lực đáp ứng nhu cầu người học nói riêng, nhu cầu thị trường lao động nói chung.

Các cơ sở GDNN công lập giữ vai trò chủ đạo, vị trí then chốt trong cung ứng dịch vụ sự nghiệp công trong GDNN và góp phần thực hiện chính sách an sinh xã hội. Việc thực hiện cơ chế tự chủ, tự chịu trách nhiệm của các cơ sở GDNN công lập đã có được kết quả bước đầu.

Chính sách xã hội hóa cung ứng dịch vụ sự nghiệp công đã góp phần mở rộng mạng lưới, tăng quy mô, số lượng, đa dạng hóa ngành nghề đào tạo và nâng cao chất lượng các đơn vị sự nghiệp ngoài công lập.

Bà Trương Thị Lộc - Giám đốc Sở LĐ-TB&XH tỉnh cho biết, bên cạnh những kết quả tích cực, sự nghiệp GDNN vẫn còn nhiều hạn chế. Chẳng hạn như việc đổi mới hệ thống còn chậm, mạng lưới các cơ sở chủ yếu còn theo đơn vị hành chính, chưa chú trọng quy hoạch theo ngành, lĩnh vực, đặc điểm vùng miền và nhu cầu thực tế.

Hệ thống tổ chức còn cồng kềnh, chồng chéo, quản trị nội bộ yếu kém, chất lượng, hiệu quả dịch vụ còn thấp. Cơ cấu đội ngũ cán bộ, viên chức chưa hợp lý, chất lượng chưa cao, năng suất lao động thấp.

“Chi tiêu ngân sách Nhà nước cho các cơ sở GDNN công lập còn chưa hiệu quả, một số đơn vị nhiều năm không đạt chỉ tiêu kế hoạch được giao.  Thực hiện cơ chế tự chủ tài chính còn chậm, lộ trình điều chỉnh giá dịch vụ sự nghiệp công chưa kịp thời. Hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước còn hạn chế.

Vì những lý do trên nên việc sắp xếp là cần thiết, nhằm khắc phục những khó khăn, phát huy thuận lợi trong sự nghiệp đào tạo nguồn nhân lực có tay nghề phục vụ cho sự nghiệp đào tạo nhân lực của tỉnh” - bà Lộc cho biết.

Sẽ không có sự xáo trộn lớn

Sáp nhập nhưng không có sự xáo trộn lớn, đó là nguyên tắc ổn định hoạt động dạy và học. Các trường vẫn tiến hành tuyển sinh năm học 2021 - 2022 cho đến thời điểm trước sáp nhập; hoạt động dạy và học, tổng kết năm học 2020 - 2021 vẫn diễn ra bình thường. Tại 6 trường nghề, công tác tư tưởng cho cán bộ, giáo viên đã được thực hiện suốt thời gian qua, nên dù có tâm tư nhưng cơ bản ổn.

Ông Bùi Xuân Tuấn - Phó Hiệu trưởng phụ trách Trường TCN Nam Quảng Nam cho biết: “Quan điểm là sáp nhập nguyên trạng nên mọi hoạt động vẫn diễn ra bình thường tại các đơn vị, từ tuyển sinh, đào tạo và giải quyết việc làm sau đào tạo, học sinh, sinh viên vẫn yên tâm học tập.

Viên chức, người lao động tại các đơn vị vẫn thực hiện tốt các nhiệm vụ được phân công cho đến thời điểm này. Việc sắp xếp nhân sự của trường sẽ do ban giám hiệu của trường mới - Trường Cao đẳng Quảng Nam xem xét quyết định. Sự sắp xếp có diễn ra nhưng không có sự xáo trộn lớn nên mọi việc đang được tiến hành thuận lợi”.

Các trường có một số lo lắng nhất định trước thời điểm bàn giao, như việc tuyển sinh cho năm học mới vẫn liên tục được thực hiện, nhưng chưa ứng được kinh phí khi trường đang sáp nhập nên sẽ khó khăn trong mua phôi liệu tổ chức dạy và học sau tuyển sinh, lo ăn uống cho sinh viên thuộc diện được ngân sách Nhà nước hỗ trợ trong thời điểm cuối tháng 5.2021.

Tuy nhiên, về vấn đề này, bà Phan Thị Thanh Thảo - Phó Giám đốc Sở Tài chính thông tin: “Đối với vấn đề tài chính trong thời điểm sáp nhập, tỉnh chốt thời điểm từ 25.5 không thực hiện tạm ứng nữa, từ 26.5 đến 31.5 chốt số liệu, thực hiện bàn giao. Nên các trường chủ động tạm ứng kinh phí cho hoạt động tùy theo tình hình thực tế ở mỗi trường. Vì bàn giao nguyên trạng nên khi đầy đủ cơ sở pháp lý sẽ đưa hoạt động của trường mới đi vào nền nếp, ổn định từng bước.

Đề nghị ban giám hiệu trường mới khi công bố quyết định thành lập xong thì liên hệ ngay Sở Tài chính để thực hiện các thủ tục liên quan đến tài chính, đảm bảo cho hoạt động của trường mới diễn ra suôn sẻ”.

BỐ TRÍ LẠI TOÀN BỘ NHÂN SỰ

Việc bàn giao và thành lập Trường CĐ Quảng Nam đang được thực hiện gấp rút ở các cơ sở GDNN, từ sắp xếp nhân sự, cơ sở vật chất, bộ khung đào tạo.

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Trần Văn Tân yêu cầu Trường Cao đẳng Quảng Nam phải là nơi đào tạo nguồn nhân lực chất lượng của tỉnh. Ảnh: D.L
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Trần Văn Tân yêu cầu Trường Cao đẳng Quảng Nam phải là nơi đào tạo nguồn nhân lực chất lượng của tỉnh. Ảnh: D.L

Khẩn trương

Theo Kế hoạch số 2266 ngày 19.4.2021 của UBND tỉnh về sắp xếp các cơ sở GDNN công lập, các công đoạn thống kê cơ sở vật chất, con người, tài chính, tình hình dạy và học... đều đang được các trường khẩn trương thực hiện, bàn giao theo tiến độ được giao là đến ngày 31.5 phải xong. Tổ giúp việc của Hội đồng bàn giao nguyên trạng các cơ sở GDNN đã làm việc với từng cơ sở GDNN để bàn giao.

UBND tỉnh đã ấn định thời gian công bố thành lập Trường CĐ Quảng Nam, cùng với ban giám hiệu mới vào ngày 31.5, sẽ chính thức đi vào hoạt động từ ngày 1.6.2021. Trong thời điểm này, công việc bàn giao đan xen với công việc chuẩn bị hình thành một bộ khung mới với ban giám hiệu đã được quyết định gồm 1 hiệu trưởng và 4 phó hiệu trưởng.

Các khoa phòng, đơn vị trực thuộc, lãnh đạo các phòng ban đều đang được lãnh đạo tỉnh, Sở Nội vụ cùng với ban giám hiệu nhà trường tính toán phù hợp. Tổ chức bộ máy sau sáp nhập gồm có hội đồng trường, ban giám hiệu, 5 cơ sở trực thuộc là cơ sở ở các trường nghề cũ, 5 phòng chức năng, 10 khoa chuyên môn, và 3 trung tâm thực hiện các chức năng thuộc trường.

Ông Huỳnh Công Hải - Phó Hiệu trưởng phụ trách Trường TCN Bắc Quảng Nam cho biết: “Nhà trường đã tổ chức họp cán bộ chủ chốt các phòng, khoa, giao nhiệm vụ cụ thể chuẩn bị các nội dung bàn giao về chuyên môn, tài chính, tài sản, con người theo hướng dẫn của các sở, ngành liên quan.

Tổ chức họp toàn thể viên chức, người lao động để triển khai các văn bản, lắng nghe tâm tư, nguyện vọng của viên chức, người lao động khi tiến hành sáp nhập trường. Vì bàn giao nguyên trạng nên tâm lý giáo viên, người lao động và học sinh đang theo học ổn định, chỉ chờ về trường mới sẽ có sự phân công công việc cụ thể hơn”.

Theo ông Hải, tổng số viên chức, người lao động của trường là 35 người, gồm biên chế 23 người, hợp đồng theo Nghị định 161 có 6 người, hợp đồng chuyên môn là 7 người. Trường thực hiện thanh quyết toán các nội dung công việc đã thực hiện từ các nguồn kinh phí được giao, các chế độ chính sách cho giáo viên, nhân viên, học sinh và một số công tác phục vụ công tác đào tạo tại trường. Mọi công việc của cán bộ, giáo viên sẽ được phân công, sắp xếp cụ thể dựa vào nguyện vọng của họ và đề xuất của nhà trường.

Sắp xếp nhân sự

Về việc chuẩn bị đối với các trường, ông Lưu Tấn Lại - Phó Giám đốc Sở Nội vụ lưu ý: “Đối với Trường CĐ Quảng Nam, về nhân sự thì Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã thống nhất gồm 1 hiệu trưởng và 4 phó hiệu trưởng, và Chủ tịch UBND tỉnh đã có quyết định cụ thể. Về việc bàn giao thì tổ giúp việc làm việc với các trường tiến hành thủ tục bàn giao trong tuần cuối của tháng 5.2021.

Những khó khăn vướng mắc được giải quyết cụ thể ở từng cuộc bàn giao. Biên chế, nhân sự căn cứ trên đề xuất của các trường, có danh sách cụ thể rõ ràng viên chức chính thức và số lao động hợp đồng, từ đó Sở Nội vụ sẽ có quyết định về nhân sự phù hợp với nguyện vọng của cán bộ, người lao động. Vì bàn giao nguyên trạng nên ban giám hiệu trường mới sẽ tiếp nhận nguyên trạng”.

Ông Lại cũng khẳng định, về các khoa phòng, lãnh đạo khoa phòng thì căn cứ vào đề án, kế hoạch của UBND tỉnh về sắp xếp các cơ sở GDNN, các trường hiện nay đã đề xuất cụ thể. Tất cả khâu chuẩn bị phải chu đáo, hoàn chỉnh để Trường CĐ Quảng Nam đi vào hoạt động từ ngày 1.6.2021.

Nhân sự sau sáp nhập là vấn đề được cán bộ, giáo viên, người lao động quan tâm nhiều nhất. Vấn đề này, lãnh đạo Sở LĐ-TB&XH, Sở Nội vụ đã đề xuất và UBND tỉnh sẽ điều chuyển nguyên trạng đội ngũ viên chức, lao động hợp đồng của các trường về Trường CĐ Quảng Nam. Tổng nhân sự hiện nay là 367 người (gồm 232 biên chế, 5 hợp đồng theo Nghị định 68 và 130 hợp đồng lao động). Tổng biên chế sự nghiệp được giao sau khi sáp nhập là 319 biên chế, biên chế thực hiện đến thời điểm bàn giao là 232 biên chế.

Như vậy, về nhân sự sẽ không có vướng mắc gì lớn. Các sở, ngành sẽ phối hợp tham mưu UBND tỉnh sắp xếp phù hợp theo nguyện vọng của lao động, đúng quy định để thuận tiện cho cán bộ, giáo viên. Nguyên tắc bố trí vị trí việc làm được UBND tỉnh quán triệt phải phù hợp với chuyên môn, nghiệp vụ; phù hợp với vị trí công việc đang đảm nhận; đảm bảo các hoạt động được xuyên suốt, ổn định, nhất là hoạt động dạy và học.

KỲ VỌNG Ở CHẶNG ĐƯỜNG MỚI

Sáp nhập các cơ sở GDNN công lập của Quảng Nam nhằm tinh gọn, hiệu lực, hiệu quả, đáp ứng được nhu cầu đào tạo nhân lực cho sự phát triển.

Lao động miền núi được đào tạo ở các trường nghề đóng góp đáng kể cho công cuộc giải quyết việc làm góp phần giảm nghèo. Ảnh: D.L
Lao động miền núi được đào tạo ở các trường nghề đóng góp đáng kể cho công cuộc giải quyết việc làm góp phần giảm nghèo. Ảnh: D.L

Theo số liệu dự báo, đến năm 2025, dân số toàn tỉnh hơn 1,5 triệu người, trong đó dân số từ 15 tuổi trở lên hơn 1,1 triệu người và số người tham gia lực lượng lao động là 932 nghìn người. Trong đó lao động qua đào tạo khoản 680 nghìn người (tỷ lệ 70 - 75%).

Giai đoạn 2021 - 2025, hệ thống cơ sở GDNN trên địa bàn tỉnh đào tạo mới và đào tạo lại khoảng 125 nghìn lượt người. Đến năm 2025, tổng quy mô tuyển sinh của các cơ sở GDNN là 25.000 người/năm, ở các trình độ cao đẳng, trung cấp, sơ cấp và đào tạo nghề dưới 3 tháng. Lĩnh vực nông - lâm - ngư nghiệp sẽ đào tạo 3.500 người; công nghiệp - xây dựng là 10.500 người, thương mại - dịch vụ khoảng 11.000 người.

Để đáp ứng nhiệm vụ trên, sự vào cuộc ngay từ những ngày đầu mới thành lập của Trường CĐ Quảng Nam sẽ đóng vai trò rất quan trọng. Xác định được vấn đề này, các trường nghề hiện nay dù trước ngưỡng cửa sáp nhập vẫn liên tục tuyển sinh, tiến hành các bước dạy và học cho năm học mới. Điều đó thể hiện trách nhiệm lớn lao của đội ngũ lãnh đạo, cán bộ, giáo viên hiện hữu của các cơ sở GDNN.

Hơn 3.000 học sinh, sinh viên sẽ được đào tạo tại Trường CĐ Quảng Nam trong năm học 2021 - 2022 là con số hiện hữu, và con số này sẽ tăng thêm sau khi Trường CĐ Quảng Nam chính thức đi vào hoạt động với các cơ sở trực thuộc ở khắp các vùng, miền của tỉnh.

Ông Trần Đình Quế - Trưởng phòng Đào tạo nghề (Sở LĐ-TB&XH) cho biết: “Việc sáp nhập đã được bàn tính kỹ lưỡng, chuẩn bị các bước chu đáo nên đến lúc này diễn ra suôn sẻ, đảm bảo tiến độ đề ra. Việc cả tỉnh chỉ còn một cơ sở GDNN công lập sẽ khắc phục được tình trạng đầu tư dàn trải, để tập trung đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị hiện đại, công nghệ cao phục vụ cho nhu cầu giảng dạy và học tập. Tình trạng thừa thiếu cục bộ về đội ngũ giáo viên cũng sẽ được khắc phục”.

Theo ông Quế, nguồn lực tuyển sinh cũng được tập trung, tránh được sự chồng chéo ngành đào tạo, nâng cao chất lượng đào tạo, giữ vững các ngành đào tạo truyền thống, tiến tới xây dựng trường cao đẳng chất lượng cao của tỉnh. Ngoài ra, sự gắn kết liên thông chặt chẽ trong hệ thống GDNN trong toàn tỉnh sẽ là cơ sở thuận lợi để khai thác, sử dụng hiệu quả nhân lực, đội ngũ giảng viên và máy móc thiết bị, nâng cao chất lượng đào tạo nghề, đào tạo nhân lực, phục vụ sự phát triển của tỉnh.

Ông Trần Văn Tân - Phó Chủ tịch UBND tỉnh: Trường Cao đẳng Quảng Nam phải là nơi đào tạo nguồn nhân lực chất lượng của tỉnh

“Việc sắp xếp, thành lập Trường CĐ Quảng Nam là chủ trương quan trọng, với kỳ vọng lớn sẽ đào đạo nguồn nhân lực chất lượng cao đáp ứng sự phát triển của tỉnh” - ông Tân khẳng định, và cho biết: 

“Đến lúc này, việc sắp xếp nhân sự, cơ sở vật chất, bàn giao ở các cơ sở GDNN về Trường CĐ Quảng Nam diễn ra suôn sẻ, không có khó khăn gì lớn là điều đáng mừng vì các đơn vị đã đồng thuận. Trường CĐ Quảng Nam sẽ có các chi nhánh vệ tinh là các trường hiện nay. Mọi cơ sở pháp lý, hoạt động đều có hiệu lực từ ngày 1.6, đảm bảo bộ máy Đảng, chính quyền, đoàn thể đều sáp nhập, hoạt động suôn sẻ.

Việc bàn giao về con người, biên chế, nhân sự phải đi trước, Sở Nội vụ chủ trì thực hiện trước, rồi vấn đề tài chính sẽ đi theo sau. Muốn vậy các đơn vị đề xuất danh sách nhân sự, sở, ngành của tỉnh cùng với ban giám hiệu mới sẽ tính toán phù hợp.

Số biên chế cho phép so với số biên chế đang có sau sáp nhập vẫn còn khoảng trống lớn, nên những người thuộc diện hợp đồng nếu đủ điều kiện xét tuyển hay thi tuyển thì sẽ tính toán theo lộ trình sau khi có trường mới, đáp ứng được nhu cầu, nguyện vọng của lao động nhưng phải đảm bảo đạt chuẩn theo quy định.

UBND tỉnh đã yêu cầu các trường khóa sổ, ngừng rút dự toán kết thúc vào ngày 25.5. Các đơn vị chủ động thanh quyết toán, tạm ứng cho việc cần thiết trước cho hoạt động thiết yếu của trường, phục vụ cho học sinh, sinh viên diện được hỗ trợ theo đúng quy định. Vấn đề phát sinh giải quyết quyền lợi cho giáo viên, học sinh vẫn phải tiếp tục thực hiện cho đến ngày sáp nhập.

Trường CĐ Quảng Nam hoạt động từ ngày 1.6, nhưng tinh thần là phải làm việc ngay từ những ngày cuối tháng 5. Hiệu quả sau sáp nhập là điều cần nhất, chất lượng đào tạo mới là vấn đề quan trọng nhất, là kỳ vọng lớn nhất sau sáp nhập. Kỳ vọng của lãnh đạo tỉnh chính là một cơ sở GDNN chất lượng cao, đào tạo được nguồn nhân lực đáp ứng yêu cầu của sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa của tỉnh”.

(0) Bình luận
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Sắp xếp các cơ sở giáo dục nghề nghiệp công lập: Kỳ vọng tinh gọn và hiệu quả
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO