Cội rễ của văn hóa giao thông

SÁU CÒI 18/05/2022 08:36

Va chạm khi tham gia giao thông là điều không ai mong muốn. Nhưng thay vì chia sẻ, cùng tìm tiếng nói chung hay nhờ luật pháp giải quyết, một số đối tượng sau sự cố đáng tiếc đã to tiếng thách thức, dùng vũ lực, thậm chí còn gây án mạng. 

Giúp đỡ người bị tai nạn giao thông là việc nên làm. Ảnh minh họa
Giúp đỡ người bị tai nạn giao thông là việc nên làm. Ảnh minh họa

Đáng lo, cách ứng xử nêu trên lại có xu hướng gia tăng thời gian qua như báo chí phản ánh đã gây bức xúc nơi dư luận xã hội, để lại hệ lụy lâu dài cho gia đình nạn nhân, còn cộng đồng xã hội phải gánh thêm trách nhiệm nặng nề.

Điển hình như rạng sáng 12.5 vừa qua, thông tin ban đầu cho biết một nạn nhân tử vong vì bị đối tượng lái xe ô tô điên cuồng tông vào ngay trên đường phố tại TP.Phan Thiết (Bình Thuận). Nguyên nhân ban đầu được xác định do mâu thuẫn sau khi suýt xảy ra va chạm giao thông.

Sáu Còi từng chứng kiến đôi trai gái điều khiển xe máy va vào xe đạp do một người phụ nữ đứng tuổi điều khiển dẫn đến té ngã. Thay vì hỏi han người đi xe đạp, nam thanh niên trút hết sự bực dọc bằng lời lẽ tục tĩu, thậm chí còn định dùng nắm đấm “nói chuyện” với phụ nữ bằng tuổi mẹ, tuổi chị của mình, nếu không có sự can ngăn quyết liệt của người dân chung quanh.

Qua nhiều vụ hậu va chạm giao thông, chuyên gia nghiên cứu về giao thông, chuyên gia văn hóa cho rằng, cảnh tượng người dân xô xát, tranh cãi đã không còn xa lạ. Chưa rõ ai đúng ai sai, hai bên đã vội vã lời qua tiếng lại, thậm chí chửi bới, đánh nhau giữa đường. Về tâm lý, họ không đủ bình tĩnh để kiểm soát cảm xúc của bản thân nên có lời nói, hành động thiếu văn hóa, gây ra mâu thuẫn gay gắt.

Nhiều người cho rằng, nguyên nhân dẫn đến thực trạng trên chủ yếu do ý thức của một bộ phận người dân về văn hóa tham gia giao thông còn khá hạn chế. Ở khía cạnh khác, việc thiếu hiểu biết pháp luật khiến họ cho mình quyền phán xét người khác mà quên đi những hệ lụy pháp lý có thể sẽ phải đối mặt. Những hành vi này tùy vào tính chất, mức độ có thể bị phạt hành chính hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự về tội giết người.

Trước thực trạng trên, công tác tuyên truyền, phổ biến và giáo dục pháp luật an toàn giao thông cần được đẩy mạnh; xây dựng “Văn hóa giao thông” từ gốc bằng những ví dụ cụ thể, hành động nhỏ nhất.

Như sau va chạm giao thông, trước tiên là nói lời xin lỗi, tìm hiểu xem liệu người bị chấn thương nếu nặng thì nhanh chóng đưa đi cấp cứu để bảo toàn tính mạng. Tránh đẩy mâu thuẫn lên cao, có thể gây ra ẩu đả, thiệt hại về người và tài sản.

Nếu không giảng hòa được, hai bên nhờ pháp luật can thiệp là điều nên làm. Đừng vì va chạm từ lời nói, vì một phút nóng giận mà để hậu quả nghiêm trọng. Hơn lúc nào hết, văn hóa giao thông là cội rễ của an toàn cần được quan tâm từ gốc.

(0) Bình luận
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Cội rễ của văn hóa giao thông
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO