Định vị mới sau thiên tai

THÀNH CÔNG - ALĂNG NGƯỚC 10/10/2021 06:04

Những hậu quả nặng nề của đợt mưa lũ tháng 10.2020 tác động mạnh đến tư duy của đồng bào lẫn chính quyền trong việc tìm kiếm giải pháp, tăng khả năng thích ứng và chống chịu với thiên tai. Không hẳn và không thể nhanh chóng khôi phục được hạ tầng, đời sống sản xuất, nhưng sau gần một năm, có thể thấy những nỗ lực đã góp phần thiết lập một định vị mới, với những tính toán dần căn cơ, bền vững hơn trước đây, cho cộng đồng miền núi.

Sau thiên tai, người dân thôn Ga’nil (xã A Xan, Tây Giang) đang dần hoàn thiện nhà ở trên mặt bằng định cư mới. Ảnh: ALĂNG NGƯỚC
Sau thiên tai, người dân thôn Ga’nil (xã A Xan, Tây Giang) đang dần hoàn thiện nhà ở trên mặt bằng định cư mới. Ảnh: ALĂNG NGƯỚC

TÁI THIẾT HẠ TẦNG AN CƯ

Phước Sơn là địa phương bị tàn phá nặng nề nhất sau đợt bão lũ năm 2020. Đặc biệt, khu vực 5 xã vùng cao chịu thiệt hại về người và của chưa từng có trong lịch sử. Song song với việc từng bước tái định cư, tổ chức sản xuất, ổn định đời sống người dân, địa phương này dành nhiều công sức và thời gian cho việc khôi phục hệ thống giao thông.

Duy trì thông tuyến

Các tuyến ĐH huyết mạch gần như đứt gãy toàn bộ, thiệt hại hàng trăm tỷ đồng do mưa bão gây ra khiến Phước Sơn phải chật vật với tái thiết và kết nối hạ tầng giao thông. Các tuyến ĐH1, ĐH2, ĐH5… bị hư hại gần như toàn bộ, tiềm ẩn nhiều rủi ro và thực tế liên tục bị sạt lở trở lại do mưa lớn. Việc duy trì thông tuyến là nỗ lực lớn của địa phương để đảm bảo đời sống, sinh hoạt cho dân.

Người dân dựng nhà mới nơi khu tái định cư. Ảnh: T.C
Người dân dựng nhà mới nơi khu tái định cư. Ảnh: T.C

Ông Hồ Văn Phức - Chủ tịch UBND xã Phước Thành cho hay, các cống ngầm tạm, cầu tạm cùng nhiều vị trí trên tuyến đường từ Phước Kim đi Phước Thành thường xuyên hư hại nặng, tiềm ẩn nhiều nguy cơ rủi ro. Huyện đã chỉ đạo xã kích hoạt các phương án phòng chống thiên tai, rà soát vị trí dân cư có thể cao sạt lở, chủ động di dời dân mỗi khi có bão lũ, đồng thời chốt chặn tại các điểm có nguy cơ bị sạt lở, không cho người dân qua lại; kêu gọi người dân đi nương rẫy về nhà tránh trú bão an toàn... Phương tiện, nhân lực thường xuyên được duy trì, tăng cường ngay sau các đợt mưa bão lớn, nhờ đó tình trạng chia cắt, cô lập nhanh chóng được khắc phục.

“Nỗ lực thông tuyến của các đơn vị giúp cho đời sống, sản xuất không bị ảnh hưởng quá nghiêm trọng. Sau đợt mưa bão cuối năm 2020, địa phương không còn xảy ra tình trạng cô lập quá lâu, trong khi phương án tại chỗ được phát huy tốt hơn nhờ những điều chỉnh kịp thời. Tuy nhiên đây vẫn chỉ là những giải pháp mang tính tạm thời trong khi chờ cấp trên triển khai việc đầu tư, thi công tuyến đường mới” - ông Phức nói.

Tuyến đường từ Phước Công đi Phước Lộc cũng được khắc phục cơ bản. Đường từ trung tâm xã Phước Lộc đi đến các thôn cũng đã thông, vừa tạo điều kiện cho việc thi công các khu tái định cư cho người dân tại thôn 6, vừa phục vụ việc đi lại, sinh hoạt của người dân địa phương.

Ông Lê Quang Trung - Chủ tịch UBND huyện Phước Sơn cho hay, do nhiều trở ngại về trình tự thủ tục, việc thi công khắc phục các tuyến giao thông trọng điểm có phần chậm. Tuy nhiên, hiện nay trục huyết mạch qua các xã vùng cao Phước Kim, Phước Công, Phước Thành và Phước Lộc gồm các tuyến ĐH1, ĐH2 và ĐH5 đã được UBND tỉnh phê duyệt kế hoạch lựa chọn nhà thầu tổng thể. Kinh phí xây dựng 3 tuyến đường này cộng với 2 cây cầu khoảng 500 tỷ đồng.

“Chúng tôi đã đẩy nhanh việc hoàn thiện hồ sơ thủ tục, đề xuất với tỉnh để tạo điều kiện cho việc thi công được sớm triển khai. Nhiều công trình đang được đẩy nhanh, cơ bản đáp ứng được các yêu cầu về phòng chống thiên tai.

Quân khu 5, Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh cũng đang triển khai các công trình do mình quản lý ở trên địa bàn huyện để đưa vào khai thác sử dụng khi có tình huống khẩn cấp trước mùa mưa bão năm nay. Những công trình này được tỉnh đánh giá về mặt cơ bản thì có thể đáp ứng được công tác sẵn sàng ứng phó với thiên tai” - ông Trung nói.

Tính toán an cư, tái sản xuất

Song song với việc khắc phục về hạ tầng, Phước Sơn cũng đẩy nhanh tiến độ tái định cư, làm nhà ở cho đồng bào ở vùng sạt lở. Hiện nay, nhà ở cho người dân bị mất nhà hoặc hư hại nhà cửa tại 4 khu tái định cư tại các xã Phước Kim, Phước Thành, Phước Lộc đã cơ bản hoàn thành, bà con bắt đầu dọn về nhà mới. Vấn đề đất sản xuất cũng được địa phương tính toán để người dân đảm bảo sinh kế.

Ông Hồ Văn Đoàn (thôn 2, xã Phước Lộc) cho hay, nhà của gia đình ông tại thôn 3 bị cuốn trôi hoàn toàn sau bão lũ. Nhờ sự quan tâm, hỗ trợ của địa phương, ông Đoàn được cấp đất tái định cư tại thôn 2, đồng thời được các cấp chính quyền hỗ trợ xây nhà mới.

“Sau nhiều tháng phải ở tạm trong lán trại, gia đình chúng tôi đã chuyển về nơi ở mới từ vài ngày nay. Rất mừng vì không phải chịu cảnh mỗi lần mưa gió phải chạy đi tìm chỗ trú ẩn, từ nay có thể an tâm ở trong nhà mới, kiên cố, an toàn hơn trước” - ông Đoàn nói.

Cùng với việc an cư cho dân, bài toán sinh kế cũng đã được tính đến. Với nguồn lương thực hỗ trợ, bà con có thể đủ gạo ăn trong suốt mùa mưa lũ năm nay. Địa phương cũng đã vận động người dân khôi phục những diện tích đất ruộng, đất rẫy bị sạt lở để tái sản xuất. Với những hộ không còn đất sản xuất, cộng đồng đã chia sẻ đất mới cho họ để kiếm cái ăn lâu dài.

Vừa cải tạo thủy lợi, địa phương vừa nghiên cứu đề xuất chuyển đổi một số diện tích để bổ sung đất sản xuất cấp cho dân, tìm nguồn lực để tái sản xuất, khảo sát các dự án mới. Nhiều mô hình mới được tính đến, như trồng sâm Ngọc Linh tại xã Phước Lộc, phát triển cây dược liệu, tập trung cho kinh tế vườn, kinh tế trang trại, chăn nuôi để giảm thiểu tác động thiên tai đến sản xuất của người dân sau này.

THAY ĐỔI TƯ DUY THÍCH ỨNG

Vừa khắc phục thiệt hại, vừa lồng ghép chương trình tái thiết với phục hồi và phát triển kinh tế xã hội địa phương là quan điểm chỉ đạo chung của tỉnh trong ứng phó thiên tai, đáp ứng những yêu cầu mới.

Các khu tái định cư tại Phước Sơn sớm được hoàn thành, tạo điều kiện người dân vào ở trước mùa mưa lũ 2021 theo tiến độ được giao. Ảnh: T.C
Các khu tái định cư tại Phước Sơn sớm được hoàn thành, tạo điều kiện người dân vào ở trước mùa mưa lũ 2021 theo tiến độ được giao. Ảnh: T.C

Ông Trương Xuân Tý - Phó Giám đốc Sở NN&PTNT, Phó Trưởng ban Thường trực Phòng chống thiên tai - Tìm kiếm cứu nạn (PCTT-TKCN) tỉnh cho hay, tỉnh đã sớm có chỉ đạo cho các địa phương rà soát các khu đất ổn định lâu dài để bố trí sắp xếp dân cư cho người dân, cơ bản các địa phương đã sắp xếp xong đối với những khu vực có nguy cơ cao.

Đặc biệt tại các huyện Nam Trà My, Phước Sơn, Tây Giang, người dân bị mất nhà ở đã cơ bản di dời về các khu tái định cư mới, an toàn hơn, giảm thiểu nguy cơ lặp lại những bi kịch đã từng xảy ra trong mùa mưa bão năm 2020.

Nhờ huy động tối đa các nguồn lực, cùng với sự trợ sức của các nhà hảo tâm, việc triển khai tái định cư có thêm điều kiện thuận lợi để đáp ứng yêu cầu đặt ra, đáp ứng tiến độ mà tỉnh giao. Việc tái định cư xen ghép cũng bước đầu phát huy hiệu quả, chung tay giải quyết khó khăn trong việc tìm kiếm quỹ đất bố trí tái định cư.

“Để chủ động hơn trong ứng phó, việc ứng dụng các giải pháp công nghệ, xây dựng “app phòng chống thiên tai” tích hợp trong ứng dụng Smart Quảng Nam đang được tiến hành, tạo thêm một kênh thông tin hữu hiệu để bà con chủ động theo dõi, nắm bắt và được hướng dẫn kiến thức, kỹ năng trong các tình huống thiên tai khẩn cấp. Công tác tập huấn, hướng dẫn sẽ được triển khai kịp thời để tăng năng lực ứng phó cho cấp cơ sở lẫn người dân miền núi” - ông Tý thông tin.

Theo Chủ tịch UBND tỉnh Lê Trí Thanh, thiên tai tháng 10.2020 khiến người dân và các cấp ngành nhìn nhận lại những thách thức, từ đó đưa ra các biện pháp phù hợp hơn trong tình huống khẩn cấp lẫn những tính toán lâu dài.

“Tỉnh đã xây dựng phương án phòng chống thiên tai trong điều kiện dịch bệnh Covid-19, trên cơ sở đó các địa phương nhất là khu vực miền núi, đồng bằng ven biển chủ động xây dựng các phương án phù hợp với địa phương mình. Không chỉ điều chỉnh phù hợp với tình hình dịch bệnh, công tác ứng phó và khắc phục hậu quả thiên tai sắp tới cũng sẽ có nhiều thay đổi, với mục tiêu bền vững, lâu dài hơn, phát huy được hiệu quả tối đa trong từng tình huống khẩn cấp” - ông Thanh nói.

BÌNH YÊN Ở VÙNG ĐẤT MỚI

Sau đợt thiên tai tháng 10.2020, cơ hội “tái thiết” cuộc sống được trao cho người dân ở Nam Trà My, thông qua các khu dân cư mới hình thành bởi nguồn lực đầu tư của Nhà nước và xã hội hóa. Gần tròn 1 năm sau thảm họa, ám ảnh cũ về trận lở đất đã dần vơi trên những gương mặt ở cộng đồng Ca Dong, Xê Đăng, Mơ Nông…

Khu tái định cư nóc Ông Sinh (xã Trà Vân) được hình thành sau thiên tai cuối năm 2020.Ảnh: ALĂNG NGƯỚC
Khu tái định cư nóc Ông Sinh (xã Trà Vân) được hình thành sau thiên tai cuối năm 2020.Ảnh: ALĂNG NGƯỚC

Bớt lo “họa núi đè”

Gần tròn 1 năm kể từ khi hứng chịu trận lở núi kinh hoàng khiến 8 người chết, cùng 12 người bị thương, nóc Ông Sinh (thôn 1, xã Trà Vân) nay đã dần ổn định nếp sống mới. Một khu tái định cư được hình thành, là nơi sinh sống của hơn 40 hộ đồng bào Xê Đăng, thoát nạn từ “họa núi đè” vào cuối năm ngoái.

Bà Hồ Thị Hồng vẫn nhớ như in buổi chiều định mệnh cướp đi mạng sống nhiều người dân trong làng. Giữa ầm ào dòng nước từ phía thượng nguồn, chỉ trong tích tắc, nhiều ngôi nhà bị vùi lấp. Cả làng hoảng loạn, không ai nghĩ mình sống sót. Chuyện cũ chưa phai mờ, nhưng người Xê Đăng ở nóc Ông Sinh không ai muốn kể chuyện đau lòng thêm một lần nữa. Bây giờ, về mặt bằng mới, qua vài trận mưa núi, họ đã thấy mình an tâm hơn rất nhiều.

“Về đây, Nhà nước cấp cho nhà mới, hỗ trợ gạo ăn, nước sinh hoạt. Nhà cũng không sát núi cao như trước đây nữa, nên người dân đã yên tâm rất nhiều” - bà Hồng nói.

Ông Hồ Văn Huyện - Chủ tịch UBND xã Trà Vân cho hay, sau đợt thiên tai cuối năm 2020, chính quyền địa phương tìm mặt bằng, xây dựng 3 khu tái định cư. Các khu ở mới này đều khá an toàn, không chỉ tránh được sạt lở đất, mà còn giảm thiểu được rủi ro lũ quét.

Bởi, trước khi chọn mặt bằng, chính quyền xã tham vấn rất nhiều ý kiến từ già làng, những người có uy tín trong cộng đồng, cho đến các hộ dân có nhu cầu chuyển ở. Thậm chí, một số mặt bằng, địa phương còn tham khảo ý kiến từ các nhà chuyên môn về địa chất, nhằm hạn chế mức độ rủi ro do thiên tai, bão lũ.

Ổn định cuộc sống mới

Chủ tịch UBND huyện Nam Trà My - ông Trần Duy Dũng cho biết, sau gần 1 năm nỗ lực triển khai sắp xếp dân cư, đến nay, cơ bản địa phương đã dựng lại không gian sống mới đảm bảo an toàn cho người dân vùng thiên tai.

Cụ thể, hơn 320 hộ dân được di dời và bố trí nơi ở mới, với tổng nguồn kinh phí phân bổ hơn 26 tỷ đồng. Ngoài nóc Ông Sinh, khu tái định cư Bằng La (xã Trà Leng) cũng được xem là công trình tái thiết có quy mô lớn, kịp thời giúp người dân ổn định cuộc sống lâu dài.

Để tái tạo không gian sống mới cho người dân, Nam Trà My đã lập 7 phương án đồng bộ trong việc sắp xếp, ổn định dân cư miền núi dựa trên mức hỗ trợ theo Nghị quyết 12 của HĐND tỉnh, cùng các nguồn lực lồng ghép từ xã hội hóa.

“Đến nay, chúng tôi đã xây dựng xong 79 ngôi nhà của người dân bị sụp hoàn toàn trong đợt bão lũ cuối năm ngoái. Ngay sau khi được bàn giao, người dân đã vào ở, đảm bảo ổn định cuộc sống mới. Ngoài ra, hơn 200 ngôi nhà bị hư hỏng nặng, cùng hơn 100 ngôi nhà khác nằm trong diện nguy cơ sạt lở cao cũng kịp thời được khắc phục và di dời đến vị trí an toàn trước mùa mưa bão năm nay” - ông Dũng nói.

Sau thời gian bố trí tái định cư, đời sống của người dân vùng sạt lở Nam Trà My đã dần ổn định. Thời gian tới, cùng với rà soát, đánh giá lại những khu vực dễ bị ảnh hưởng bởi thiên tai, địa phương nỗ lực xây dựng và triển khai các phương án “kép” gắn ổn định đời sống với sinh kế bền vững.

PHỤC HỒI SẢN XUẤT

Cùng với nỗ lực xây dựng các khu tái định cư ổn định cuộc sống, nhiều diện tích đất sản xuất nông nghiệp bị thiệt hại sau đợt mưa lũ vào cuối năm ngoái cơ bản đã được Tây Giang khắc phục, đảm bảo nhu cầu tái sản xuất cho người dân miền núi.

Cánh đồng Chuôr - ruộng lúa nước của cộng đồng Cơ Tu Tây Giang đang dần được khôi phục, đánh dấu sự trở lại bằng màu xanh của lúa.
Cánh đồng Chuôr - ruộng lúa nước của cộng đồng Cơ Tu Tây Giang đang dần được khôi phục, đánh dấu sự trở lại bằng màu xanh của lúa.

Ông Tơ Ngôl Nhưng (41 tuổi, trú thôn Ga’nil, xã A Xan, Tây Giang) nhìn lại ruộng vườn và mô hình kinh tế trở lại xanh tốt trong niềm vui khó tả. Ông Nhưng nói, có ít nhất 2 sào ruộng lúa nước, cùng 1.000 gốc quế 2 năm tuổi trồng xen với gừng và cây sắn được phục hồi, tiếp tục phát triển.

Đợt mưa lũ vào cuối tháng 10.2020 đã cuốn đi nhiều diện tích lúa nước đang vào thời kỳ trổ bông trên cánh đồng bậc thang Chuôr. Hàng nghìn gốc quế, gừng, vườn sắn, khoai… trên rẫy cũng bị vùi lấp, sạt trụt gây hư hại nghiêm trọng. “Thời điểm đó, gia đình tôi không biết bắt đầu từ đâu vì tất cả đã bị lũ phá hủy” - ông Nhưng chia sẻ.

Quyết tâm làm lại, bắt đầu từ việc dựng lại nhà ở. Cùng với sự góp sức của cộng đồng và chính quyền địa phương, căn nhà rộng hơn 100m2 đã được xây dựng trên mặt bằng định cư mới. Chi phí dựng nhà, ngoài 40 triệu đồng hỗ trợ của huyện, ông Nhưng nhận thêm 25 triệu đồng từ nhà hảo tâm giúp việc triển khai, hoàn thiện nhà ở được nhanh chóng. Sau tròn 1 năm, trên mặt bằng định cư mới của thôn Ga’nil, hàng chục hộ dân đã hoàn thiện nhà cửa, chuyển vào ở trong niềm vui trước mùa mưa bão năm nay.

“Có nhà mới rồi, mình bắt đầu nuôi lại đàn vịt và trồng thêm vườn sắn. Sắp tới, khu rẫy nào có thể phục hồi, mình tính sẽ mở rộng trồng cây đảng sâm kết hợp trồng cam, để khởi động lại mô hình kinh tế lâm nghiệp như trước đây” - ông Nhưng bộc bạch.

Ông Tơ Ngôl Thiếu - Chủ tịch UBND xã A Xan cho biết, sau mưa lũ cuối năm 2020, có đến hàng trăm héc ta đất sản xuất của người dân bị vùi lấp, hư hại. Nặng nề nhất, là cánh đồng lúa nước Chuôr và vườn trồng cây dược liệu dưới tán rừng của người dân địa phương. Thiên tai bão lũ bất ngờ, lần đầu tiên xuất hiện với sức tàn phá nghiêm trọng. Dù vậy, với tinh thần đoàn kết, chung tay góp sức của người dân địa phương, công tác khắc phục nhanh chóng được triển khai đem lại cuộc sống mới bình yên cho cộng đồng.

“Chỉ số ít đất sản xuất bị hư hỏng nặng, không thể phục hồi. Còn lại, cơ bản được khôi phục như cũ, người dân tiếp tục sản xuất trên mảnh đất của gia đình, nỗ lực vượt qua khó khăn, sớm ổn định cuộc sống” - ông Thiếu nói.

Phó Chủ tịch UBND huyện Tây Giang - ông Lê Hoàng Linh cho hay, đợt mưa lũ cuối năm 2020, Tây Giang có hơn 1.400ha đất nông, lâm nghiệp cùng 623 con gia súc và hơn 12.000 con gia cầm bị vùi lấp, cuốn trôi. Mưa lũ cũng phá hủy nhiều cầu cống giao thông, các công trình thủy lợi, nước sinh hoạt của người dân... với tổng thiệt hại ước hơn 372 tỷ đồng.

Đến nay, công tác khắc phục cơ bản đã đi vào giai đoạn “nước rút”, Tây Giang ưu tiên xây dựng nhà ở, đường giao thông huyết mạch và phục hồi sản xuất nông - lâm nghiệp cho người dân ổn định cuộc sống.

(0) Bình luận
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Định vị mới sau thiên tai
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO