Hạ tầng giao thông ở Nam Giang: Còn nhiều trắc trở

CÔNG TÚ 15/03/2021 06:13

Hạ tầng giao thông Nam Giang tồn tại nhiều hạn chế, bất cập song việc đầu tư còn gặp rất nhiều khó khăn.

Cầu Bến Giằng là “điểm nghẽn” trên tuyến quốc lộ 14D. Ảnh: C.T
Cầu Bến Giằng là “điểm nghẽn” trên tuyến quốc lộ 14D. Ảnh: C.T

Nỗ lực đầu tư

Đường Hồ Chí Minh, quốc lộ (QL) 14B và QL14D là các tuyến giao thông huyết mạch trên địa bàn huyện Nam Giang. Thời gian qua, các trục xương sống này được trung ương quan tâm nâng cấp, xóa dần các “điểm đen”, điểm tiềm ẩn tai nạn giao thông. Dựa vào những tuyến đường trên, địa phương triển khai quy hoạch, đầu tư kết nối giao thông liên vùng, nội vùng để mở lối phá thế cô lập, tạo thuận lợi cho nhân dân đi lại, thúc đẩy sản xuất và là điều kiện căn bản bố trí dân cư hợp lý, phát triển công nghiệp, thương mại - dịch vụ và du lịch.

Điển hình tại Chà Vàl, mặc dù là xã vùng cao nhưng hoạt động thương mại - dịch vụ khu vực trung tâm xã diễn ra sôi động, dân cư tập trung đông đúc nhờ có địa hình tương đối bằng phẳng, đặc biệt là cư dân tận dụng tốt lợi thế trục QL14D đi qua để kinh doanh.

Về hệ thống giao thông địa phương, giai đoạn 2016 - 2020, huyện Nam Giang huy động các nguồn lực với tổng mức 372,94 tỷ đồng để đầu tư xây dựng các tuyến đường huyện như ĐH3.NG, ĐH4.NG và giao thông nông thôn, đường đến trung tâm các xã Chơ Chun, Đắc Pring hay công trình cầu Sông Thanh kết nối khu tái định cư và vùng sản xuất thôn Pà Căng, Pà Dồn (xã Cà Dy). Đến nay, 12/12 xã có đường ô tô đến trung tâm xã; 75% đường trục xã, liên xã được bê tông hóa, nhựa hóa và 66% đường nông thôn, liên thôn được cứng hóa; 80% đường ngõ, xóm không còn lầy lội; đường trung tâm hành chính huyện hoàn thiện.

Giám đốc Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng huyện Nam Giang - ông Thái Minh Hoàng cho biết, đáng chú ý có tuyến đường vào xã Chơ Chun - địa phương giáp với nước Lào đang được thi công với tổng mức đầu tư 40 tỷ đồng, dự kiến tháng 7 năm nay sẽ hoàn thành, đưa vào sử dụng.

Còn nhiều trở ngại

Bên cạnh kết quả đạt được, đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng gắn với xây dựng nông thôn mới, nhất là hạ tầng giao thông trên địa bàn Nam Giang gặp nhiều trở ngại, nhất là kinh phí còn hạn chế, huy động nguồn lực trong cộng đồng không hề đơn giản do đời sống của người dân miền núi đang khó khăn. Chính vì vậy, đường ô tô chưa đến được trung tâm của nhiều thôn.

Đầu tuyến QL14D kết nối vào đường Hồ Chí Minh và kéo dài lên tận cửa khẩu Nam Giang, giáp biên giới Việt - Lào nhưng bề mặt chật hẹp, nhiều khúc cong, cua nguy hiểm. Cầu Bến Giằng nằm ngay đầu tuyến có tải trọng thấp, chưa đầu tư xây dựng kiên cố bằng bê tông cốt thép. Vào mùa mưa bão, taluy âm và nhất là taluy dương QL14D thường xuyên bị sạt lở gây ách tắc, ảnh hưởng nghiêm trọng đến lưu thông hàng hóa, cứu hộ cứu nạn.

Việc đầu tư nâng cấp, mở rộng QL14D cần được trung ương sớm thực hiện. Bởi lẽ, cung đường không chỉ giải quyết lưu thông thông suốt, an toàn mà còn giải quyết nhiều vấn đề liên quan đến an ninh - quốc phòng, liên kết với các nước trong khu vực Đông Nam Á thông qua hành lang kinh tế Đông - Tây 2.

Theo ông Thái Minh Hoàng, một vấn đề cấp bách nữa là các tuyến đường vào vùng sản xuất đang thiếu và yếu, rất cần sự quan tâm đầu tư từ nguồn vốn trung hạn 2021- 2025 để làm đường. Lâu nay nông sản hàng hóa còn ách tắc đầu ra vì đường sá trắc trở không có ai đến thu mua, dẫn đến cái nghèo luôn bấu víu người dân miền núi. Nếu làm đường, sản xuất sẽ thuận lợi hơn, phương tiện vào được tận nơi thu mua sẽ tránh cảnh bị ép giá, góp phần giải quyết bài toán về nâng thu nhập trong xây dựng nông thôn mới.

Cũng theo ông Thái Minh Hoàng, do ngân sách khó khăn cho nên những tuyến đường liên xã trước đây chủ yếu chỉ mới phục vụ đi lại nội vùng, vì vậy mà cấp đường thấp, độ dốc lớn. Hiện tại, phương tiện gia tăng nhanh chóng, trong đó có xe tải nhưng mặt cắt nhiều tuyến đường, đơn cử như trục giao thông từ Chà Vàl đi các xã Đắc Pre, Đắc Pring, Đắc Tôi hiện trạng quá nhỏ, quanh co tiềm ẩn nguy cơ cao tai nạn giao thông, không đáp ứng nhu cầu lưu thông. Chính vì vậy, việc bố trí nguồn lực để nâng cấp, mở rộng nhằm tháo gỡ “điểm nghẽn” nêu trên là cần thiết, đảm bảo cho giao thông thông suốt, an toàn, tạo động lực thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội vùng sâu, vùng xa.

(0) Bình luận
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Hạ tầng giao thông ở Nam Giang: Còn nhiều trắc trở
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO