Ì ạch dự án nhà ở cho người thu nhập thấp

DIỄM LỆ 24/08/2022 07:47

Đến nay chưa có dự án nhà ở xã hội, nhà ở công nhân khu công nghiệp nào trên địa bàn tỉnh nên hình hài. Nhiều khó khăn, vướng mắc khiến việc thực hiện các dự án này rất ì ạch.

Khu nhà ở xã hội theo kiểu chung cư đang được Công ty STO đầu tư dở dang tại Điện Bàn. Ảnh: D.L
Khu nhà ở xã hội theo kiểu chung cư đang được Công ty STO đầu tư dở dang tại Điện Bàn. Ảnh: D.L

Nhiều vướng mắc

Hiện nay trên toàn tỉnh có nhiều dự án khu nhà ở thu nhập thấp: Công ty CP Tư vấn nông nghiệp nông thôn và dịch vụ thể thao du lịch STO (Điện Bàn), gồm 6 block chung cư với 1.176 căn; dự án của Công ty TNHH Bất động sản châu Âu (Điện Bàn), gồm nhà ở chung cư và nhà ở liền kề với 469 căn; dự án nhà ở công nhân xã Tam Hiệp (Núi Thành) của Công ty CP Danatol gồm 600 căn.

Các dự án đang được triển khai này đều kéo dài nhiều năm qua mà chưa hoàn thiện. Đối với dự án nhà ở công nhân lao động (CNLĐ) khu công nghiệp chỉ có khu nhà ở của Công ty Panko Tam Thăng (Tam Kỳ) với 200 căn giai đoạn 1 đã có người vào ở.

Ngoài ra, còn có các dự án nhà ở xã hội đã công nhận chủ đầu tư nhưng chưa thực hiện thủ tục chấp thuận chủ trương đầu tư dự án nhà ở công nhân, gồm: Khu tái định cư xã Tam Hiệp (Công ty CP cơ khí ô tô Trường Hải), Khu nhà ở Vườn Đào tại Điện Bàn (Công ty CP Tập đoàn đầu tư Sen Ngọc).

Ông Trần Ngọc Mai - Trưởng phòng Quản lý hạ tầng (Sở Xây dựng) cho biết: “Việc phát triển nhà ở xã hội, nhà ở cho CNLĐ vẫn còn nhiều khó khăn do thiếu nhà đầu tư có tiềm lực tài chính mạnh. Nhà đầu tư chỉ quan tâm dự án nhà ở thương mại mà chưa có sự quan tâm nhà ở thu nhập thấp.

Tâm lý của người dân không thích ở nhà chung cư. Cơ chế, thủ tục đầu tư vẫn chưa đủ sức thu hút nhà đầu tư; khi có nhà đầu tư dự án thì gặp khó khăn trong giải phóng mặt bằng.

Ở các khu công nghiệp lớn thì vướng về quy hoạch quỹ đất dành làm nhà ở công nhân. Đối với các dự án nhà ở thương mại, quy định phải dành 20% quỹ đất cho nhà ở xã hội thì nhiều nhà đầu tư muốn nộp tiền thay thế để địa phương tìm quỹ đất khác đầu tư nhà ở xã hội...”.

Khu nhà ở xã hội theo kiểu chung cư đang được Công ty STO đầu tư dở dang tại Điện Bàn. Ảnh: D.L
Khu nhà ở xã hội theo kiểu chung cư đang được Công ty STO đầu tư dở dang tại Điện Bàn. Ảnh: D.L

Theo ông Nguyễn Quí Quý - Phó Giám đốc Sở LĐ-TB&XH, qua triển khai chính sách hỗ trợ tiền thuê nhà, có gần 28 nghìn lượt người lao động có tham gia bảo hiểm xã hội (BHXH) được hỗ trợ tiền thuê nhà ở. Đó là người có đóng BHXH, còn người ở trọ mà không đóng BHXH thì chưa thể thống kê được.

“Thế mới thấy nhu cầu ở nhà trọ, nhà ở CNLĐ rất lớn. Mức thu nhập của CNLĐ không cao, trung bình chỉ 6 - 8 triệu đồng/người/tháng, khiến người lao động lựa chọn về lại nông thôn, miền núi khi nhà máy đã về nông thôn chứ ở phố không đủ chi phí lo ăn ở, lại không có thiết chế văn hóa đi kèm nên bất tiện. Vì thế mà ở các khu công nghiệp đầu tư nhà ở CNLĐ cần có thiết chế văn hóa đi kèm, như có nhà trẻ, trường mầm non, nơi vui chơi giải trí” - ông Quý nói.

Sẽ làm việc với từng nhà đầu tư

Ông Đoàn Ngọc Quang - Phó Giám đốc Sở KH-ĐT khẳng định các dự án nhà ở xã hội khi địa phương quy hoạch đều đưa vào vị trí khó bồi thường giải tỏa, không đắc địa nên rất khó thu hút đầu tư.

Ông Quang kiến nghị: “Khi quy hoạch quỹ đất, các địa phương không nên phân định nhà ở thương mại thì vị trí tốt hơn, nhà ở xã hội thì vị trí không thu hút. Tại sao không ưu tiên vị trí đẹp cho dự án nhà ở xã hội, như thế sẽ dễ thu hút nhà đầu tư hơn.

Đồng thời, các dự án kêu gọi đầu tư đối với nhà ở xã hội cũng phải ưu tiên trước. Đối với nhà ở CNLĐ ở khu công nghiệp, vì trước kia không có quy hoạch quỹ đất nên gặp khó trong khi các công ty cũng muốn làm nhà cho CNLĐ của họ ở. Vì thế các địa phương phải điều chỉnh quy hoạch sao cho phù hợp với thực trạng tại khu công nghiệp khi nhà máy sản xuất đã được đầu tư trước rồi”.

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Trần Anh Tuấn cho rằng cần cập nhật và xem xét lại các văn bản chỉ đạo; quy hoạch phải chọn vị trí nhà ở xã hội đáp ứng được nhu cầu tối thiểu của người dân.

Các cơ chế của trung ương, tỉnh về đầu tư nhà ở xã hội đã có nhưng chưa thực hiện đạt hiệu quả cao, vì thế cần tập trung phấn đấu đạt mục tiêu Nghị quyết số 73 năm 2014 của HĐND tỉnh đã đề ra. Cần xác định tính cần thiết của nhà ở xã hội, bởi đây là vấn đề an sinh xã hội bắt buộc trong khi phát triển kinh tế.

Ông Tuấn yêu cầu Sở Xây dựng chủ trì, cùng với sở ngành khác tham mưu UBND tỉnh làm việc với các dự án theo hai nhóm: dự án dở dang và dự án đang tiến hành thủ tục. Vấn đề nào nhà đầu tư đề nghị mà không vượt quy định của pháp luật thì tháo gỡ; vấn đề đề nghị mà vượt quy định hiện hành gây khó khăn cho quản lý hạ tầng tại khu vực thì tham mưu UBND tỉnh trả lời dứt điểm với nhà đầu tư.

Đối với dự án đang tiến hành thủ tục đầu tư thì yêu cầu chủ đầu tư phải có cam kết thực hiện theo tiến độ cụ thể khi phê duyệt chủ trương đầu tư, phải có quy định ràng buộc trách nhiệm của chủ đầu tư về thời gian tiến hành và hoàn thiện dự án. Sau đó phải công khai danh mục thu hút đầu tư về nhà ở xã hội, nhà ở CNLĐ với đầy đủ thông tin để CNLĐ có quyền lựa chọn, chủ động kế hoạch dài hơi trong dành dụm mua nhà ở xã hội. Tất cả phải được tiến hành trước ngày 20.9.2022.

(0) Bình luận
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Ì ạch dự án nhà ở cho người thu nhập thấp
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO