Lấy sinh thái, văn hóa làm "chân đế" phát triển

HỮU PHÚC 10/03/2021 09:16

Hôm qua 9.3, Chủ tịch UBND tỉnh Lê Trí Thanh chủ trì cuộc họp lấy ý kiến của các ngành và địa phương liên quan đến nhiệm vụ quy hoạch xây dựng vùng liên huyện phía đông của tỉnh. Định hướng không gian phát triển vùng đông xác định lấy cảnh quan sinh thái và văn hóa làm nền tảng tạo động lực phát triển kinh tế.

Chủ tịch UBND tỉnh Lê Trí Thanh xem bản đồ quy hoạch vùng đông, trước khi khảo sát sông Trường Giang. Ảnh: H.P
Chủ tịch UBND tỉnh Lê Trí Thanh xem bản đồ quy hoạch vùng đông, trước khi khảo sát sông Trường Giang. Ảnh: H.P

Thay đổi tư duy phát triển

KTS. Nguyễn Văn Phong - Phó Giám đốc Công ty CP Viện Quy hoạch đô thị và nông thôn Quảng Nam (đơn vị lập đồ án quy hoạch) cho biết, nhiệm vụ quy hoạch xây dựng vùng liên huyện phía đông của tỉnh tập trung lấy ý kiến 5 nội dung liên quan đến xác định ranh giới quy hoạch; quan điểm, mục tiêu quy hoạch; phương pháp tiếp cận; các yêu cầu nghiên cứu và tổ chức thực hiện quy hoạch.

Quy hoạch vùng đông có từ 10 năm trước nhưng bộc lộ không ít bất cập về xác định phạm vi không gian phát triển, cụm động lực phát triển. Phạm vi lập quy hoạch vùng liên huyện phía đông của tỉnh bao gồm toàn bộ địa giới hành chính 9 huyện phía đông (khu vực đồng bằng).

Viện Quy hoạch đô thị và nông thôn Quảng Nam cho rằng, việc điều chỉnh ranh giới quy hoạch trùng khớp với địa giới hành chính nhằm thuận lợi cho công tác quản lý, triển khai quy hoạch. Sở dĩ chọn địa giới 9 huyện đồng bằng (không như quy hoạch vùng đông trước đây tính từ đường cao tốc xuống) có tương đồng về địa chính trị, kinh tế, điều kiện tự nhiên và kinh tế - xã hội.

“Nếu tách rời địa giới hành chính thì khó khăn trong phát triển đồng bộ. Mặt khác, đây là vùng động lực có tính liên kết phát triển chặt chẽ, bổ sung cho nhau và không nên tách rời” - ông Phong thuyết minh lý do điều chỉnh ranh giới quy hoạch.

 

Điểm khác biệt trong ý tưởng lập quy hoạch xây dựng vùng liên huyện phía đông với các loại quy hoạch trước đây nằm ở chỗ: tháp phát triển lấy sinh thái làm chân đế, kế đến là giữ nền tảng văn hóa - xã hội tạo động lực cho kinh tế phát triển.

Thực tiễn cho thấy, con người không thể có được sự phát triển bền vững khi luôn lấy các mục tiêu kinh tế làm thước đo phát triển, gây mất cân bằng cho chính xã hội và hủy diệt hệ sinh thái. Cách tiếp cận quy hoạch đặt các ngành, lĩnh vực trong mối quan hệ đồng bộ, hạn chế sự chồng lấn, mâu thuẫn.

Thêm vào đó là tiếp cận đa chiều từ trên xuống, từ dưới lên có sự tham gia của nhiều bên (cơ quan quản lý nhà nước ở cấp Trung ương đến địa phương, viện nghiên cứu, nhà khoa học, nhà đầu tư, doanh nghiệp, tổ chức chính trị - xã hội, cộng đồng dân cư…) nhằm đảm bảo tính khả thi, hiệu quả, minh bạch của quá trình lập, triển khai và giám sát thực hiện quy hoạch, hướng tới mục tiêu phát triển bao trùm. 

Lập quy hoạch xây dựng vùng liên huyện phía đông của tỉnh sẽ giải quyết các vấn đề mất cân đối trong phát triển của toàn tỉnh và vùng liên huyện phía đông với các tiểu vùng khác. Đó là tăng sức chống chịu và thích ứng với biến đổi khí hậu đặc thù của toàn bộ dải miền Trung và dịch bệnh toàn cầu; quản lý, sử dụng hiệu quả tài nguyên nước trong bối cảnh các hoạt động phát triển ở thượng nguồn sông. Điều quan trọng, theo ông Phong là kết nối đồng bộ không gian và phát triển chuỗi đô thị liên kết; xác lập các phân vùng phát triển không gian.

Cần tránh xung đột quy hoạch

Phó Chủ tịch UBND TP.Hội An - ông Nguyễn Minh Lý thống nhất cao với phạm vi ranh giới lập quy hoạch theo địa giới hành chính mà đơn vị lập quy hoạch đề xuất. Tuy nhiên, ông đề nghị cần bố trí quy hoạch không gian kinh tế, phát triển kinh tế tránh xung đột giữa các ngành với nhau, trong đó loại hình sản xuất công nghiệp thì không thể đặt gần dịch vụ du lịch. Và cuối cùng phải thiết lập được hành lang xanh, xem đây như sự sống còn của phát triển bền vững.

Còn Phó Chủ tịch UBND thị xã Điện Bàn - ông Nguyễn Minh Hiếu cho rằng, lập quy hoạch phải dự báo phát triển đến năm 2045; ưu tiên bố trí không gian công cộng nhất là ven sông ven biển. “Phải rà soát, xem xét lại quy hoạch chi tiết đang triển khai để phân vùng phát triển; đồng thời cùng với nạo vét sông Cổ Cò cần đầu tư khớp nối hạ tầng” - ông Hiếu nói.

Về không gian quy hoạch vùng, hiện nay Quảng Nam có quy hoạch vùng huyện, quy hoạch tỉnh, quy hoạch điều chỉnh Khu kinh tế mở Chu Lai. Ông Ngô Ngọc Hùng - Phó Giám đốc Sở Xây dựng khẳng định, khi lập quy hoạch, sở đã tổ chức lấy ý kiến của nhiều ngành, địa phương và các chuyên gia nổi tiếng. Tư duy quy hoạch không thoát ly tính kế thừa của lịch sử hình thành vùng đất; thuận lợi là cả 9 địa phương trong phạm vi ranh giới lập quy hoạch khá tương đồng về địa chính trị, kinh tế và văn hóa.

Sau khi nghe các ngành, địa phương nêu ý kiến, Chủ tịch UBND tỉnh Lê Trí Thanh lưu ý, thời gian đến sẽ còn nhiều cuộc bàn thảo về quy hoạch xây dựng vùng liên huyện phía đông của tỉnh, để có một đồ án quy hoạch chất lượng. Chính quyền tỉnh thống nhất với tư duy lấy hệ sinh thái làm chân đế để phát triển văn hóa - xã hội và các mục tiêu kinh tế. Lấy văn hóa để phát triển kinh tế, đó mới là mục tiêu phát triển bền vững. Do vậy, đơn vị lập đồ án quy hoạch phải khắc phục được bất cập trong các đồ án quy hoạch trước đây; xây dựng thương hiệu và nâng cao vị thế của vùng đất được quy hoạch.

“Phạm vi quy hoạch không thể chia cắt địa giới hành chính, phương pháp tiếp cận phải đa chiều, có tính kế thừa, phát triển, dự báo và khoa học. Quy hoạch cũng cần đánh giá nghiêm túc môi trường chiến lược vùng, liên kết vùng chặt chẽ từ TP.Đà Nẵng đến Quảng Ngãi mà trọng tâm là Dung Quất đến tiếp giáp vùng phía tây của tỉnh. Chú ý thiết lập vành đai xanh, dành quỹ đất xây dựng các khu chức năng đặc thù, xây dựng đô thị thông minh; thống nhất thuê đơn vị tư vấn trong nước lập quy hoạch nhưng phải mời được chuyên gia giỏi” - Chủ tịch UBND tỉnh Lê Trí Thanh nói.

(0) Bình luận
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Lấy sinh thái, văn hóa làm "chân đế" phát triển
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO