Nỗ lực đầu tư hạ tầng giao thông

CÔNG TÚ 20/05/2020 17:14

Hạ tầng giao thông trên địa bàn Quảng Nam tiếp tục được đầu tư không những xóa “điểm nghẽn” để kết nối liên hoàn nhiều vùng miền mà còn là yếu tố rất quan trọng để kiềm chế, giảm thiểu tai nạn giao thông (TNGT).

Đoạn đầu tuyến ĐT609B đang nâng cấp, mở rộng được kỳ vọng khi hoàn thành sẽ xóa “đoạn đường đen”. Ảnh: C.T
Đoạn đầu tuyến ĐT609B đang nâng cấp, mở rộng được kỳ vọng khi hoàn thành sẽ xóa “đoạn đường đen”. Ảnh: C.T

“Điểm nghẽn” hạ tầng

Cách đây hơn 5 năm, quốc lộ (QL) 1 là cung đường chứng kiến nhiều vụ TNGT xảy ra nhất so với từng tuyến giao thông khác trên địa bàn tỉnh. Giao cắt với QL1, QL40B “đổi đời” từ tuyến tỉnh lộ (ĐT) 616 đã trở nên bất ổn, nhất là từ Tam Kỳ đi lên các huyện trung du, miền núi phía tây nam và ngược lại. Sau khi đường cao tốc Đà Nẵng - Quảng Ngãi đưa vào khai thác, QL40B đoạn từ nút giao Tam Kỳ (xã Tam Thái, Phú Ninh) quay về QL1 bị quá tải, xảy ra ùn tắc và mất an toàn giao thông (ATGT).

Tương tự, hầu hết QL do Trung ương ủy thác cho tỉnh quản lý như 14G, 14D, 14E, 14H đều xuống cấp, chật hẹp về quy mô. Đối với QL14B qua Đại Lộc và Nam Giang, mặt đường một số vị trí bị nứt nẻ, chi chít “ổ gà” trong mùa mưa. Cùng cảnh ngộ như QL14G qua Đông Giang, QL40B còn có 2 ngầm Sông Trường và Nước Oa (Bắc Trà My) dễ bị nước lũ băng cắt gây chia cắt lưu thông.

Ở phía bắc, tuyến ĐT609B (Đại Lộc), nhất là 4,7km đầu tiên được xem là “đoạn đường đen” do thường xảy ra những vụ TNGT rất nghiêm trọng. Những năm gần đây, số lượng phương tiện giao thông gia tăng nhanh chóng. Thực tế ấy đòi hỏi hạ tầng giao thông cần phải đi trước một bước về đầu tư xây dựng, nâng cấp, cải tạo.

“Hệ thống cơ sở hạ tầng giao thông đã được quan tâm đầu tư nâng cấp, mở rộng nhưng nhìn chung chưa đáp ứng được yêu cầu về lưu thông trước mắt cũng như lâu dài. Đa số các tuyến đường bộ chật hẹp, xuống cấp, tổ chức giao thông còn nhiều bất cập, thiếu đồng bộ” - Giám đốc Sở GTVT Lê Văn Sinh - Phó Trưởng ban Thường trực Ban ATGT tỉnh thừa nhận thực trạng.

Đó là chưa kể, nhiều QL ủy quyền và các tuyến ĐT được đầu tư khá lâu, mặt đường nhỏ hẹp, chưa vào cấp. Trong đó, hầu hết đã vượt quá thời gian đại tu nhưng kinh phí xây dựng cải tạo còn hạn chế. Băng qua đường sắt, các lối đi tự mở còn nhiều, việc xóa bỏ gặp khó khăn vì phải xây dựng đường gom hoặc các cầu vượt đường sắt thay thế.

Nhiều giải pháp

Thống kê từ ngày 15.11.2012 đến 15.12.2019, địa bàn tỉnh xảy ra 1.838 vụ TNGT đường bộ, làm chết 1.211 người, bị thương 1.684 người, thiệt hại tài sản ước tính thành tiền 7,025 tỷ đồng. So với thời gian trước liền kề, số vụ giảm 459 (giảm 20%), giảm 602 người chết (giảm 33%), giảm 250 người bị thương (giảm 13%).

Bên cạnh đẩy mạnh công tác tuyên truyền, tăng cường tuần tra kiểm soát, nâng cao chất lượng đào tạo, sát hạch lái xe…, công tác đầu tư phát triển hạ tầng giao thông vừa tháo “điểm nghẽn” lưu thông, đảm bảo ATGT đã được tỉnh quan tâm xúc tiến kiến nghị, trực tiếp thực hiện.

Lãnh đạo Ban ATGT tỉnh chia sẻ, kể từ lúc QL1 hoàn thành nâng cấp, mở rộng vào năm 2015, xung đột giao thông giữa các luồng phương tiện đi ngược chiều nhau đã được hạn chế tối đa nhờ có dải phân cách. Cạnh đó, làn đường thông thoáng hơn nên ít xảy ra tình trạng va chạm, số vụ TNGT giảm hẳn. Đường cao tốc Đà Nẵng - Quảng Ngãi, giai đoạn 1 đường ven biển 129 (nay là đường Võ Chí Công) hoàn thành đầu tư đã san sẻ bớt lưu lượng phương tiện trên QL1. Ở phía nam, nút giao vòng xuyến 2 tầng tại xã Tam Hiệp (Núi Thành) do Công ty CP ô tô Trường Hải đầu tư giúp xóa giao cắt đường vào khu công nghiệp với đường sắt Bắc - Nam, tránh xung đột giữa các phương tiện qua lại khu công nghiệp với QL1. Thuộc vùng núi, đường Trường Sơn Đông hoàn thành giúp người dân có thêm lựa chọn tuyến giao thông đi lại.

Ông Lê Văn Sinh cho biết thêm, hằng năm Ban ATGT tỉnh phối hợp với cơ quan chức năng và địa phương kiểm tra, khảo sát thực địa kết cấu hạ tầng giao thông. Qua đó, kiến nghị các đơn vị quản lý đường bộ thực hiện bảo trì, xử lý “điểm đen”, điểm tiềm ẩn TNGT trên QL và ĐT. Với QL ủy quyền, cơ quan có trách nhiệm đã sửa chữa được 125/402km mặt đường; bổ sung 26km hộ lan mềm, 645 biển báo hiệu, 2.350m2 tim đường, xóa bỏ 4 “điểm đen”. Các tuyến QL này đều được cắm mốc hành lang an toàn đường bộ. Về ĐT, ngành chức năng cho sửa chữa, nâng cấp 186/412km mặt đường; bổ sung 6km hộ lan mềm, 342 biển báo hiệu, 2.432m2 tim đường, xóa bỏ 3 “điểm đen”. Trên đường sắt, 3 đường gom và hàng rào cách ly dọc đường sắt được thiết lập tại xã Tam Nghĩa (Núi Thành) nên xóa bỏ được 16 lối đi tự mở. Tỉnh tiếp tục trích kinh phí cho tổ chức chốt gác tại 3 lối đi tự mở có nguy cơ cao TNGT thuộc địa phận Thăng Bình và Núi Thành. Ngoài ra, bổ sung, thay thế hệ thống biển báo hiệu bị hỏng, sơn gờ giảm tốc, vạch dừng xe tại 35 vị trí đường ngang; bố trí gờ giảm tốc ở 20 vị trí đường ngang nguy hiểm.

Để kiềm chế, giảm thiểu TNGT, nâng cao năng lực khai thác giao thông đường bộ, Trung ương và tỉnh cần tiếp tục đầu tư nâng cấp, mở rộng nhiều tuyến đường xuống cấp, quá tải; xây mới một số cây cầu để xóa bỏ đò ngang nguy hiểm. Đáng lưu ý, QL1 phải mở rộng thêm làn dành cho xe thô sơ và người đi bộ, cải tạo và lắp đặt dải phân cách trên tuyến tránh Vĩnh Điện (Điện Bàn); tiếp tục nâng cấp, mở rộng QL40B đoạn Tiên Phước - Nam Trà My…

(0) Bình luận
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Nỗ lực đầu tư hạ tầng giao thông
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO