Nới "tấm áo" cho đô thị Điện Bàn

QUỐC TUẤN 11/05/2021 06:45

Gấp rút điều chỉnh đồ án quy hoạch đáp ứng nhu cầu phát triển của địa phương và kết nối liên vùng trong giai đoạn đến là yêu cầu mà Chủ tịch UBND tỉnh Lê Trí Thanh đặt ra tại buổi làm việc với đơn vị tư vấn và lãnh đạo Điện Bàn về góp ý điều chỉnh đồ án quy hoạch chung xây dựng thị xã đến năm 2030 và tầm nhìn năm 2045. 

Điện Bàn cần quy hoạch một khu vực thương mại dịch vụ sầm uất ở khu vực ven biển để đón đầu khách du lịch từ Đà Nẵng và Hội An. Ảnh: Q.T
Điện Bàn cần quy hoạch một khu vực thương mại dịch vụ sầm uất ở khu vực ven biển để đón đầu khách du lịch từ Đà Nẵng và Hội An. Ảnh: Q.T

Chống “đô thị trượt”

Năm 2013, quy hoạch chung đô thị Điện Bàn được UBND tỉnh phê duyệt và xác định địa phương này là đô thị vệ tinh của TP.Đà Nẵng. Tuy nhiên, chỉ sau 8 năm, thị xã đã có bước chuyển mình mạnh mẽ về kinh tế - xã hội dẫn đến nhiều nội dung trong bản đồ án năm 2013 trở nên “lỗi thời”.

Theo ông Trần Úc - Chủ tịch UBND thị xã Điện Bàn, hiện nay một số khu vực ở Điện Bàn đã có bước phát triển vượt bậc dẫn đến dự báo về đất ở, hạ tầng khung lan ra ngoài các quy hoạch. Vì vậy, việc điều chỉnh quy hoạch là điều rất cần thiết và đang được khẩn trương hoàn thiện, trong đó xác định lại chức năng của đô thị này từ đô thị vệ tinh trở thành đô thị kết nối.

Nhiệm vụ quan trọng của thị xã Điện Bàn trong những năm tới là hành động để không trở thành “đô thị trượt”, nghĩa là đô thị không có cái dấu ấn, không định vị được thương hiệu trên bản đồ. Là trung điểm của các đô thị Đà Nẵng, Hội An, Ái Nghĩa và Nam Phước, Điện Bàn cũng gặp không ít thách thức để tạo ra thương hiệu đô thị riêng nếu không muốn chỉ là “vùng lõm” trong chuỗi đô thị này.

Để tránh “đô thị trượt”, ông Nguyễn Phúc Tiến - Giám đốc Phân viện Quy hoạch đô thị và nông thôn miền Trung (Viện Quy hoạch đô thị và nông thôn quốc gia), đơn vị tư vấn quy hoạch cho biết, việc điều chỉnh quy hoạch lần này sẽ hướng đến mục tiêu tạo ra khu dịch vụ sầm uất, khác biệt ở phía đông để khách du lịch qua lại giữa Đà Nẵng và Hội An phải dành thời gian để ghé lại; chú trọng thúc đẩy liên kết đông tây kết nối từ cửa khẩu quốc tế ở biên giới Việt - Lào xuống quốc lộ 14B đến cảng Liên Chiểu (Đà Nẵng) trong tương lai bằng việc phát triển khu công nghiệp chất lượng cao ở xã Điện Tiến.

Chủ tịch UBND tỉnh Lê Trí Thanh cho hay, trong quy hoạch vùng đông đang làm của tỉnh cũng xác định cụm Hội An - Điện Bàn - Duy Xuyên là cụm động lực khu vực phía bắc. Vì vậy, Điện Bàn phải tìm tòi tạo ra sự khác biệt để tăng dân số cơ học, lưu trú sinh hoạt cơ học.

“Các dòng sông chính là điểm nhấn để tạo ra bản sắc đô thị của thị xã. Điện Bàn phải tính để mỗi dòng sông và hai bên bờ có một đặc trưng riêng, từ đó mới kích thích được sự phát triển cho đô thị. Đơn cử như sông Vĩnh Điện phải khác sông Cổ Cò, sông Vĩnh Điện nên chăng lấy cảm hứng từ tre để quy hoạch phát triển khu vực này thành một “bảo tàng tre” quy tụ hàng trăm loại tre, hoạt động liên quan đến nghề tre để định vị thương hiệu” - Chủ tịch UBND tỉnh Lê Trí Thanh gợi mở.

Bài toán hạ tầng khung

Dự kiến, đồ án quy hoạch xây dựng Điện Bàn đến năm 2030 và năm 2045 sẽ chia thị xã thành 4 phân vùng và 11 phân khu. Theo ông Ngô Ngọc Hùng - Phó Giám đốc Sở Xây dựng, việc chia các phân khu cần gắn với điều kiện hành chính, địa hình, chức năng và nhất là hạ tầng khung.

“Điện Bàn phải tính cụ thể lộ trình từ nay đến năm 2030 sẽ triển khai những gì về hạ tầng khung và xác định rõ nguồn lực bao nhiêu để làm chứ không thể nói chung chung. Nếu không sẽ lặp lại bài học ở khu vực đô thị mới Điện Nam - Điện Ngọc hiện nay vẫn đang loay hoay nhiều thứ” - ông Hùng nói. 

Ông Lê Ngọc Tường - Phó Giám đốc Sở VH-TT&DL cho rằng, nếu Điện Bàn hướng đến trở thành đô thị liên kết thì không chỉ liên kết về đô thị - hạ tầng với các đô thị xung quanh mà còn phải tạo ra mối liên hệ về chính trị, kinh tế, văn hoá xã hội. Điện Bàn cần nghiên cứu phương án xây dựng khu thể dục thể thao cấp quốc gia (có thể ở khu vực hồ Lai Nghi) để kết nối với làng thể thao Hòa Xuân (Đà Nẵng), từ đó tạo đòn bẩy để thu hút các sự kiện tầm cỡ về địa phương.

Còn theo đại diện lãnh đạo Sở KH-ĐT, Điện Bàn cần xác định trục “xương sống” giao thông trong tương lai; trong đó nên tham khảo bài học từ các đô thị đi trước mà gần nhất là Đà Nẵng, bởi có thể có tuyến giao thông được quy hoạch là động lực bây giờ nhưng sau này không còn quan trọng nữa.

Chủ tịch UBND tỉnh Lê Trí Thanh đề nghị, Điện Bàn đánh giá lại mạng lưới giao thông cả ở hiện trạng và theo quy hoạch đã được duyệt, cái nào không khả thi hoặc quá khó khăn trong quá trình triển khai thì mạnh dạn bỏ; tính đến phương án xây dựng các điểm giao thông khác mức (cầu vượt, hầm chui) tại một số nơi giao cắt ở các trục đường động lực, tránh điểm nghẽn về giao thông. Ngoài ra, thị xã cần tính toán phương án thu hút, chuyển đổi cơ cấu sản xuất công nghiệp, hướng đến công nghiệp công nghệ cao, công nghiệp số thay vì tập trung vào các ngành nghề truyền thống như hiện nay.

(0) Bình luận
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Nới "tấm áo" cho đô thị Điện Bàn
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO