Quỹ đầu tư phát triển: Không thiếu dự án, chỉ thiếu tiền cho vay

TRỊNH DŨNG 24/11/2022 05:54

Quỹ đầu tư phát triển đã không còn chuyện gửi ngân hàng lấy lãi mà hướng về việc cho vay các dự án đầu tư nhiều hơn. Quỹ này không thiếu dự án đầu tư nhưng lại thiếu tiền để cho vay.

Trường mầm non Việt Nhật và Khu phố chợ Nam Phước là hai dự án trong số hàng trăm dự án đầu tư đã được Quỹ đầu tư phát triển cho vay vốn phát triển kinh tế - xã hội địa phương. Ảnh: T.D
Trường mầm non Việt Nhật và Khu phố chợ Nam Phước là hai dự án trong số hàng trăm dự án đầu tư đã được Quỹ đầu tư phát triển cho vay vốn phát triển kinh tế - xã hội địa phương. Ảnh: T.D

Làn sóng mới

Quyết định tăng vốn (300 tỷ đồng vốn điều lệ), mở rộng danh mục cho vay, đầu tư (7 lĩnh vực) giai đoạn 2021 - 2025 (Nghị quyết 14/NQ-HĐND ngày 16/3/2021) của HĐND tỉnh không chỉ xóa tan mối nghi ngờ về tính thiếu hiệu quả mà còn tạo động lực thay đổi cơ chế vận hành của Quỹ đầu tư phát triển.

Chuyện “sống” chủ yếu nhờ lấy lãi từ ngân hàng, tồn quỹ lớn, thiếu dự án cho vay đã nhiều lần bị chất vấn tồn tại hay giải thể, giờ đã đổi mới hoàn toàn. Chất lượng vốn mồi, cú hích của công cụ tài chính nhà nước làm động lực phát triển địa phương đã thành hiện thực.

Mỗi đồng vốn hoạt động của quỹ huy động được hơn 9,03 đồng vốn tư nhân; 1 đồng vốn ngân sách nhà nước cấp huy động được 26,01 đồng vốn ngoài ngân sách để đầu tư kết cấu hạ tầng địa phương (thay vì chỉ thu hút 3,6 đồng vốn tư nhân như năm 2021 trở về trước).

Báo cáo của quỹ nêu rõ các chỉ tiêu tài chính đều đạt và vượt. Kết quả cho vay, giải ngân tăng cao so với nhiều năm trước, đảm bảo an toàn vốn vay.

Tổng doanh thu của quỹ ước thực hiện 31/12/2022 khoảng 47,6 tỷ đồng (tăng 4,6 tỷ đồng, vượt 11% so kế hoạch), bao gồm: thu lãi cho vay 30 tỷ đồng, thu phí ủy thác 3,9 tỷ đồng và thu từ đầu tư tài chính khác 13,6 tỷ đồng. Lợi nhuận trước thuế dự kiến khoảng 26,2 tỷ đồng, vượt 20% kế hoạch.

Dự kiến đến cuối năm 2022, dư nợ tín dụng đạt hơn 500 tỷ đồng của 22 hợp đồng tín dụng còn hiệu lực với tổng hạn mức cho vay 731,8 tỷ đồng.

Ông Nguyễn Tiên Thạch - Giám đốc Quỹ đầu tư phát triển cho hay, kể từ khi HĐND tỉnh ban hành Nghị quyết 14, quỹ đã cải thiện thanh khoản, cơ cấu tài chính đạt mức an toàn, giảm bớt rủi ro về tài chính do lệ thuộc quá nhiều vào nguồn vốn huy động và tăng cường khả năng tự chủ về tài chính.

Quỹ có nhiều cơ hội tiếp cận, mở rộng cho vay nhiều dự án thuộc các lĩnh vực khác nhau (từ trường học, bệnh viện, nhà máy sản xuất, chế biến công, nông, lâm, thủy sản, nhà xưởng trong các cụm công nghiệp...).

“Các dự án cho vay theo đúng quy định pháp luật, nghị quyết của HĐND tỉnh về danh mục lĩnh vực đầu tư (giao thông, cấp thoát nước, y tế, giáo dục, khu dân cư, hạ tầng khu công nghiệp, chợ, vận tải công cộng, nông nghiệp...).

Chúng tôi kiểm soát chặt việc quản lý, sử dụng nguồn vốn, lựa chọn danh mục, dự án đầu tư trọng tâm, trọng điểm, hạn chế dàn trải, phân tán nguồn lực, giảm đến mức thấp nhất vốn nhàn rỗi tạm gửi tại các ngân hàng thương mại” - ông Thạch nói.

Thiếu tiền cho vay

Từng bị than phiền thừa tiền, còn hiện tại quỹ lo nhất là thiếu tiền. Quỹ đầu tư phát triển công bố sắp thiếu hụt nghiêm trọng nguồn vốn. Một phần do UBND tỉnh quyết định thu hồi các nguồn vốn ngân sách đã cấp cho quỹ (125,7 tỷ đồng) và cuối năm 2022, quỹ này còn phải hoàn trả nguồn vốn vay WB, nguồn ký quỹ đến hạn khoảng 40 tỷ đồng.

Trong khi đó, quỹ không huy động được nguồn vốn mới. Việc nghiên cứu đề xuất phát hành trái phiếu quỹ gặp khó do trung ương siết chặt các hoạt động phát hành trái phiếu. Các đơn vị vay vốn vẫn đối mặt với những khó khăn về chi phí đầu vào như giá cả hàng hóa, nguyên vật liệu tăng. Các dự án giáo dục, số lượng học sinh theo học không ổn định do dịch bệnh, mưa bão, dẫn đến một số dự án chậm triển khai theo kế hoạch.

Không chỉ bị thu hồi vốn, ngay cả việc cấp vốn điều lệ cho quỹ rất chậm, không đúng nghị quyết và các quyết định về phương án tăng vốn điều lệ cho quỹ giai đoạn 2021 - 2025. Các quy định nêu rõ ngân sách tỉnh bố trí tăng vốn điều lệ cho quỹ 300 tỷ đồng (bình quân mỗi năm 60 tỷ đồng).

Tuy nhiên, năm 2022, UBND tỉnh mới cấp 20 tỷ đồng (tháng 5/2022). Quỹ đã gửi rất nhiều văn bản đến Sở Tài chính, UBND tỉnh đề nghị cấp vốn tiếp tục, song đến giờ vẫn chưa nhận được phản hồi của cơ quan tài chính về thời gian cấp vốn, nên quỹ gặp rất nhiều khó khăn, bị động trong điều hành thực hiện kế hoạch. Không còn cách nào khác, quỹ phải dàn xếp giảm hạn mức cho vay, từ chối cho vay một số dự án đã xúc tiến đầu tư.

Theo Quỹ đầu tư phát triển, vốn nhàn rỗi cuối năm chỉ còn khoảng 20 tỷ đồng. Trong khi đó, tổng hạn mức quỹ đã ký hợp đồng tín dụng, nhưng chưa giải ngân hết khoảng 187 tỷ đồng.

Theo tính toán, quỹ này sẽ thiếu hụt 167 tỷ đồng để có thể giải ngân cho các dự án cũ. Chưa kể kế hoạch cho vay mới năm 2023, dự kiến số vốn giải ngân phát sinh khoảng 120 tỷ đồng (số nợ gốc các dự án đến hạn năm 2023 sẽ thu hồi khoảng 71 tỷ đồng), không biết tìm đâu ra.

Ông Nguyễn Tiên Thạch nói, việc tỉnh thu hồi vốn mà chưa có kế hoạch cấp lại ngay vốn điều lệ cho quỹ sẽ tác động rất lớn đến việc xây dựng kế hoạch tài chính năm 2023. Sẽ không đủ nguồn để giải ngân cho các dự án cũ, cho vay các dự án mới và không thực hiện được kế hoạch hoạt động giai đoạn 2021 - 2025 đã được phê duyệt.

Quỹ đầu tư phát triển kiến nghị HĐND, UBND tỉnh xem xét, có kế hoạch cấp lại ngay cho quỹ phần vốn thiếu hụt do ngân sách thu hồi để đảm bảo quỹ có đủ nguồn hoạt động và xây dựng kế hoạch tài chính năm 2023.

Ngoài ra, quỹ này cũng đã kiến nghị HĐND, UBND tỉnh thống nhất cấp bổ sung vốn điều lệ cho quỹ từ ngân sách cấp tỉnh, phân bổ vào dự toán ngân sách năm 2023 (khoảng 100 tỷ đồng) theo phương án tăng vốn điều lệ, giai đoạn 2021 - 2025 đã được phê chuẩn, để quỹ bảo đảm giải ngân vốn vay năm 2023 theo kế hoạch và thực hiện đúng cam kết về hạn mức tín dụng đã ký kết với các đơn vị vay vốn.

(0) Bình luận
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Quỹ đầu tư phát triển: Không thiếu dự án, chỉ thiếu tiền cho vay
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO