Siết chặt vận tải hàng hóa đường bộ

SÁU CÒI 23/06/2022 06:32

Tai nạn giao thông đường bộ trên địa bàn tỉnh luôn “áp đảo” so với đường sắt, đường thủy nội địa. Nhiều vụ thương tâm có liên quan đến ô tô hàng hóa, nguyên do là không tuân thủ pháp luật, người điều khiển thiếu biện pháp an toàn giao thông cần thiết.

Xe tải chở vật liệu “có ngọn” lưu thông trên tuyến ĐT611 qua địa bàn Nông Sơn. Ảnh: S.C
Xe tải chở vật liệu “có ngọn” lưu thông trên tuyến ĐT611 qua địa bàn Nông Sơn. Ảnh: S.C

Phó Giám đốc Sở GTVT - ông Lê Quang Hiếu cho hay, ngành đã tổ chức hội nghị tuyên truyền, yêu cầu các đơn vị, doanh nghiệp ký cam kết chấp hành điều kiện kinh doanh vận tải (KDVT) hàng hóa đường bộ; đôn đốc tiếp tục lắp đặt camera trên phương tiện theo lộ trình.

Qua 6 tháng đầu năm 2022, Phòng Quản lý vận tải, phương tiện và người lái tăng cường theo dõi, kiểm tra thiết bị giám sát hành trình để kịp thời xử lý đối với các phương tiện chạy quá tốc độ quy định.

Từ đây, Sở GTVT đã ban hành quyết định thu hồi 33 phù hiệu, biển hiệu đã cấp của 33 phương tiện do vi phạm quy định trong 1 tháng có từ 5 lần vi phạm tốc độ/1.000km xe chạy, đó là chưa tính xe vi phạm tốc độ từ 5km/h trở xuống (kể cả xe vận tải khách).

Riêng đối với Thanh tra Sở GTVT, lực lượng này đã xử phạt 1 xe không lắp camera 12,5 triệu đồng; xử lý 44 trường hợp cơi nới kích thước thành, thùng, chở hàng hóa, vật liệu quá tải trọng, vận chuyển vật liệu để rơi vãi, nước chảy xuống đường gần 408 triệu đồng.

Nghị định số 123/2021/NĐ-CP của Chính phủ quy định áp dụng xử phạt tăng nặng, mức cao nhất đối với người điều khiển xe vượt quá tải trọng cho phép trên 50% sẽ bị phạt tiền từ 40 - 50 triệu đồng; chủ sở hữu phương tiện là tổ chức bị phạt tiền lên tới 140 - 150 triệu đồng; không những thế tài xế còn bị tước giấy phép lái xe từ 3 - 5 tháng.

Nhưng qua thực tế cho thấy, vi phạm trong vận tải hàng hóa đường bộ vẫn đang diễn ra tràn lan. Chính vì vậy, ngành chức năng phải rà soát chấn chỉnh, xử lý việc chấp hành quy định đối với hoạt động KDVT hàng hóa.

Tăng cường kiểm tra, xử lý tại các đầu mối sản xuất cung ứng hàng hóa, vật liệu xây dựng, kho, cảng để hạn chế xe chở quá tải. Việc sử dụng cân xách tay để thanh tra, kiểm tra trên tỉnh lộ, quốc lộ ủy thác nhằm tạo yếu tố bất ngờ trong xử lý xe chở quá tải cần được tiến hành thường xuyên, liên tục.

Mới đây, Sở GTVT đã chỉ đạo tăng cường quản lý đảm bảo chấp hành đúng quy định về kinh doanh, điều kiện KDVT hàng hóa bằng xe ô tô và quy định về xếp hàng hóa trên ô tô. Kết hợp với đợt cao điểm xử lý vi phạm tải trọng, Thanh tra Sở GTVT chịu trách nhiệm kiểm tra việc thực hiện quy định pháp luật, tăng cường tuyên truyền, phổ biến các quy định liên quan.

Việc siết chặt quản lý, xử lý vi phạm vận tải hàng hóa là rất cần thiết, hạn chế mức thấp nhất xảy ra sự cố khiến thao tác kỹ thuật của lái xe bị ảnh hưởng, phương tiện bị hư hỏng đột ngột như nổ lốp, giảm hoặc mất hiệu lực của hệ thống phanh, lật xe khi vào cua… gây nên tai nạn kinh hoàng.

(0) Bình luận
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Siết chặt vận tải hàng hóa đường bộ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO