Thành phố không rào cản

LÊ QUÂN 02/10/2022 07:16

Trong bộ quy chuẩn xây dựng công trình công cộng, tiêu chí đảm bảo khả năng tiếp cận cho người khuyết tật (NKT) được đặt ra. Và một “thành phố thông minh không rào cản”, bình đẳng với mọi công dân trong các không gian sống vẫn luôn là mục tiêu hướng tới của rất nhiều đô thị...

Các công trình công cộng tạo điều kiện để người khuyết tật tham gia cũng là cách thức để tiến đến xây dựng thành phố thông minh không rào cản. Ảnh: V.A
Các công trình công cộng tạo điều kiện để người khuyết tật tham gia cũng là cách thức để tiến đến xây dựng thành phố thông minh không rào cản. Ảnh: V.A

Chưa tính đến nhu cầu NKT

TP.Tam Kỳ đã có thêm nhiều lối dẫn tại những trạm chờ xe buýt công cộng dành riêng cho NKT. Nhưng so với tổng số lượng công trình công cộng tại các thành phố, thị xã... của Quảng Nam, tỷ lệ công trình công cộng tuân thủ quy chuẩn xây dựng với quy định tối thiểu mỗi công trình phải có đường dẫn riêng cho NKT thì rất ít. Và tình trạng này không chỉ riêng có ở Quảng Nam.

Bộ Xây dựng cũng đưa ra quy định rõ ràng và có tính “bắt buộc” đối với các công trình công cộng ở đô thị, đảm bảo để NKT có thể dễ dàng di chuyển, tham gia giao thông và hòa nhập với cộng đồng. Nhưng với nhiều công trình giao thông, công cộng hiện nay, sự tiếp cận của NKT bị bỏ quên.

Theo thống kê từ Bộ Xây dựng, việc áp dụng quy chuẩn, tiêu chuẩn mới được thực hiện tập trung ở một số đô thị lớn, mức độ tiếp cận tiện ích đối với NKT chỉ ở mức tối thiểu.

Công trình được chú trọng trong quá trình thiết kế, xây dựng vẫn chủ yếu là công trình dịch vụ xã hội (chiếm tỷ lệ cao nhất là công trình y tế với 22,6%, sau đó đến công trình giáo dục là 20,8%, công trình triển lãm, nhà trưng bày chiếm 13,2%, trung tâm hội nghị, trụ sở cơ quan 11,3%).

Các công trình xây dựng chưa được chú ý cho NKT tiếp cận là chợ, siêu thị (chiếm 5,7%), nhà thi đấu (chiếm 3,8%), bưu điện, nhà ga, cửa khẩu (chiếm 7,5%), công trình có tỷ lệ tiếp cận ít nhất là ngân hàng (chiếm 1,9%)…

Tại Quảng Nam, năm 2019, một cuộc khảo sát tại 29 công trình gồm trụ sở cơ quan, UBND phường, y tế, văn hóa, thể thao, trường học, thương mại, nhà ga, bến xe được các tổ chức phi chính phủ thực hiện. Chỉ Trung tâm Hành chính công và xúc tiến đầu tư tỉnh, Nhà ga đường sắt Tam Kỳ, Bảo tàng Quảng Nam là có chú ý đến nhu cầu tiếp cận và sử dụng của NKT. Gần 100% khu vệ sinh đều chưa tính đến nhu cầu sử dụng của NKT.

“Không gian mở”

Kiến trúc sư (KTS) Phạm Thanh Tùng - Hiệp hội KTS Việt Nam cho rằng, Luật Xây dựng cũng đề cập vấn đề kiến trúc công trình phải bảo đảm cho NKT tái hòa nhập với cộng đồng. Từ vỉa hè, lối lên các trụ sở, công trình thương mại, công cộng, nhà ở đều phải có độ dốc thích hợp cho việc sử dụng xe lăn, thiết bị trong phòng tắm, nhà vệ sinh phải bố trí thích hợp để NKT sử dụng tiện lợi và an toàn…

Đó là những quy định có tính pháp lý thể hiện tính nhân văn và trách nhiệm xã hội đối với NKT. “Kiến trúc là nghệ thuật sáng tạo không gian sống cho con người, từ ngôi nhà, bệnh viện, trường học, công viên… cho đến một khu đô thị, một thành phố, một vùng lãnh thổ. Kiến trúc là nghệ thuật vị nhân sinh. Tính xã hội của kiến trúc là ở đó.

Và, trách nhiệm cao cả của KTS với xã hội trong đó có NKT cũng là ở đó. Nhưng hiện nay, rất ít công trình kiến trúc do KTS sáng tạo nên hướng đến và phục vụ NKT. Đây là điều rất đáng suy nghĩ” - KTS Phạm Thanh Tùng nói.

Theo các nhà nghiên cứu xã hội học, yếu tố cơ bản của quy hoạch đô thị bền vững là tổ chức địa điểm cho các cuộc gặp gỡ, tăng cường liên kết cộng đồng và chúng ta gọi đó là không gian công cộng. Chính hoạt động trong các không gian công cộng tạo ra cuộc sống và hơi thở của thành phố.

Việc người dân được tham gia các hoạt động xã hội thông qua các không gian công cộng đã trở thành nhu cầu cũng như thói quen của rất nhiều người, trong đó có NKT. Tuy nhiên trong thực tế, hầu như không gian công cộng tại các đô thị chưa đáp ứng được nhu cầu tiếp cận và sử dụng của NKT.

Nỗ lực xây dựng thành phố thông minh trên cơ sở đổi mới sáng tạo không chỉ là công nghệ, trí thông minh mà cần có một thái độ, cam kết phục vụ con người, cộng đồng phải đảm bảo bình đẳng, không rào cản cho mọi người, trong đó có NKT được đặt ra.

“Thành phố thông minh không rào cản cho người khuyết tật - Vì một tương lai không ai bị bỏ lại phía sau” là mục tiêu đang được nhiều đô thị hướng tới. Cho rằng, việc quy hoạch xây dựng các đô thị và khu dân cư rộng mở, an toàn, vững chắc và bền vững cũng như các mô hình cộng đồng trong không gian công cộng sẽ tạo nên không gian mở để NKT được tiếp cận bình đẳng chính là giải pháp tối ưu.

Ngày càng bớt đi những rào cản trong việc học tập, lao động với NKT và cộng đồng nhờ vào công cuộc chuyển đổi số. Một hệ thống dữ liệu cũng như các tiện ích cơ bản để NKT không cô đơn trong hành trình sống của mình. Nhưng cần nhiều hơn các giải pháp từ câu chuyện đầu tư xây dựng đô thị để trên đường phố NKT không phải mãi mãi ở phía sau mọi người...

(0) Bình luận
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Thành phố không rào cản
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO