Thắt chặt quản lý đất đai vùng đông - Bài 1: Kiểm soát chặt hiện trạng

THANH MINH - HỮU PHÚC 27/09/2021 07:24

LTS: Đất đai vùng đông luôn “diễn biến phức tạp” nên rất cần công cụ quản lý hiệu quả, sát thực tế ngoài công cụ chung là Luật Đất đai. Chỉ thị 06 ngày 2.7.2018 của Chủ tịch UBND tỉnh (Chỉ thị 06) về tăng cường quản lý đất đai, xây dựng vùng Đông Nam của tỉnh trước đây được xem là biện pháp mạnh nhằm quản lý tốt hiện trạng; thực tế triển khai đã mang lại hiệu quả đáng kể nhưng cũng làm “ngưng đọng” quyền sử dụng đất đai của người dân. Ngày 13.11.2020, Chủ tịch UBND tỉnh tiếp tục ban hành Chỉ thị 19 cũng với mục tiêu quản lý hiệu quả đất đai vùng Đông Nam; khắc phục những điểm chưa phù hợp với quy định của Nhà nước và tình hình thực tiễn tại địa phương, ảnh hưởng đến quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của một bộ phận nhân dân, nhất là các vùng có quy hoạch. Thế nhưng hiện lối mở này vẫn chưa thể thông thoáng tại các địa phương.

Dải đất nằm giữa sông Trường Giang và biển qua xã Tam Thanh (TP.Tam Kỳ). Ảnh: NGUYỄN CAO HOÀI
Dải đất nằm giữa sông Trường Giang và biển qua xã Tam Thanh (TP.Tam Kỳ). Ảnh: NGUYỄN CAO HOÀI

BÀI 1: KIỂM SOÁT CHẶT HIỆN TRẠNG

Chỉ thị 06 của UBND tỉnh ra đời trong bối cảnh nhiều địa phương buông lỏng quản lý hiện trạng; đất đai vùng đông đang thiếu một “chiếc gậy” phù hợp để chấn chỉnh tình trạng xây dựng trái phép... Và khi áp dụng “chiếc gậy” này vào thực tế, đã nhanh chóng tạo ra những hiệu ứng tích cực.

Hiện trạng phức tạp

Đường Thanh niên qua khu vực làng bích họa (xã Tam Thanh, TP.Tam Kỳ) như chiếc sống lưng nhô lên giữa một bên là biển xanh mênh mông và bên kia là sông Trường Giang uốn lượn theo triền ao nuôi tôm. “Chiếc sống lưng” này, có một số đoạn chiều ngang bề mặt chỉ đủ cho con đường chạy qua, còn hầu hết chỉ dao động khoảng 100m giữa sông và biển.

Mặt bằng chập hẹp nhưng khu vực này vài năm trở lại đây được biết đến là thị trường đất đai sôi động bậc nhất tỉnh, thu hút nhiều nhà đầu tư từ khắp trong Nam ngoài Bắc.

Dọc tuyến đường này, nhiều căn nhà kiên cố mọc lên bắt mắt. Cơ sở dịch vụ lưu trú, quán cà phê, ăn uống… được đầu tư quy mô đã tạo điểm nhấn cho diện mạo địa phương. Tuy nhiên, chen lẫn trong các dãy nhà kiến cố, vẫn còn những thửa đất có mặt tiền biển được rào chắn bằng cột bê tông và dây thép gai; nhiều căn nhà đã bỏ hoang từ lâu...

Người dân đầu tư nhiều loại hình dịch vụ tại khu vực bãi tắm Tam Thanh, đất đai ở đây cũng trở nên đắt đỏ. Ảnh: T.Minh
Người dân đầu tư nhiều loại hình dịch vụ tại khu vực bãi tắm Tam Thanh, đất đai ở đây cũng trở nên đắt đỏ. Ảnh: T.Minh

Ông Đặng Quang Tuất (thôn Hòa Hạ, xã Tam Thanh) ra vẻ am hiểu về sự biến động của thị trường đất đai ở địa phương và rành rọt về những thửa đất đã được sang tay. Ông chỉ về những thửa đất đã bị “cạo trọc” đồi thông, giăng dây thép trước nhà mình và nói rằng, các thửa này đã có chủ hết. Người dân ở nơi khác đến mua, nhưng không có nhu cầu làm nhà hoặc đầu tư dịch vụ, treo số điện thoại trên bờ rào để rao bán lại.

“Thời đất đai sốt dẻo, người từ nơi khác đến đây hỏi mua liên tục. Một số hộ đã bán đất được tiền tỷ, làm nhà nơi khác. Cũng có hộ bán luôn cả nhà, người mua không ở nên nhà bắt đầu xuống cấp. Dọc tuyến này có nhiều đoạn đất bỏ không như vậy” – ông Tuất nói.

Thị trường đất đai sôi động tạo nên sự “nhộn nhịp” của địa phương, nhưng theo ông Nguyễn Thanh Bình – Chủ tịch UBND xã Tam Thanh, đó cũng là điểm gây khó khăn cho việc quản lý hiện trạng đất đai. Nhiều người dân địa phương có nhu cầu sang nhượng đất, người mua từ khắp nơi đổ về tậu đất nhưng không có nhu cầu ở thật sự đã tạo cho địa phương một diện mạo… nham nhở.

Chưa kể đất đai có giá, tình trạng cơi nới, tranh chấp thường xuyên diễn ra; nhu cầu pháp lý đất đai, tốc độ xây dựng, biến động sử dụng đất tăng cao… cũng là những chi tiết phức tạp trong bức tranh hiện trạng của Tam Thanh.

Tương tự Tam Thanh, nhiều địa phương dọc đường Thanh niên ven biển, vài năm gần đây trở nên sôi động bởi đời sống người dân có bước phát triển đáng kể. Như tại xã Tam Tiến, Tam Hòa (huyện Núi Thành), vùng bãi ngang được xem là heo hút trước đây, nay nhộn nhịp với nhiều hoạt động kinh tế xã hội.

Đặc trưng của các làng biển bãi ngang là dân cư co cụm, nhà ở san sát quanh khu vực làng chài, nên khi dân số phát triển, nhu cầu đất ở tăng cao khiến hiện trạng đất đai “vỡ” ra, rất khó quản lý. Mặt khác, do nhu cầu phát triển các mô hình kinh tế, đất đai dễ bị thay đổi mục đích sử dụng, thậm chí xảy ra tình trạng xâm hại rừng phòng hộ ven biển, lấn chiếm đất đai do nhà nước quản lý…

Đặc biệt, sự phức tạp của hiện trạng đất đai tồn tại dai dẳng ở những khu vực có dự án đầu tư. Đơn cử, tại xã Tam Tiến lâu nay vẫn âm ỉ tình trạng nuôi tôm lót bạt trên cát. Nhiều thửa đất, kể cả trong vườn nhà biến thành những ao nuôi tôm gây ô nhiễm môi trường, biến động hiện trạng. Trong khi đó, dữ liệu, hồ sơ đất đai ở vùng ven biển của tỉnh vẫn còn thiếu và bất cập khiến công tác quản lý hiện trạng của địa phương đã khó càng khó thêm…

Chấn chỉnh kịp thời

Chỉ thị 06 ra đời ở thời điểm năm 2018 với nhận định “tình trạng vi phạm trong quản lý, sử dụng đất đai, hoạt động xây dựng vẫn còn diễn biến phức tạp, nhất là việc chuyển quyền sử dụng đất trái pháp luật, tự ý chuyển mục đích sử dụng đất, chia tách thửa, lấn chiếm đất rừng phòng hộ ven biển, đất công ích (đất 5%), san lấp, xây dựng trái phép tường rào, nhà cửa đã và đang diễn ra trên địa bàn vùng Đông Nam của tỉnh.

Tình trạng đầu cơ đất đai gây tăng giá đất đột biến để trục lợi diễn ra chưa kiểm soát được, công tác quản lý nhà nước về đất đai, xây dựng ở một vài địa phương còn buông lỏng, công tác kiểm tra, thanh tra chưa thực hiện thường xuyên, xử lý vi phạm thiếu kiên quyết…”.

Bối cảnh đó, một công cụ như Chỉ thị 06 là hoàn toàn phù hợp để chấn chỉnh kịp thời, tiếp tục xây dựng những giải pháp hữu hiệu để quản lý hiện trạng đất đai vùng đông.

Chỉ thị 06 có rất nhiều nội dung, nhưng sau hơn 3 năm thực hiện, điểm nổi bật là các địa phương đã áp dụng quy định tạm dừng việc chia tách thửa đối với đất ở, đất thổ cư gồm đất ở và đất vườn ao, đất sản xuất nông nghiệp, đất rừng để chuyển quyền sử dụng đất, chuyển mục đích sử dụng đất.

Nghiêm cấm việc đào đắp, xây dựng sai mục đích sử dụng đất, làm biến dạng địa hình tự nhiên khu vực đất; việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng không đúng với mục đích sử dụng đất đã được cấp quyền sử dụng.

Quy định này đã tạo cho các địa phương một công cụ để quản lý hiện trạng; đặc biệt ở một số nơi, đó là còn “chiếc gậy” để xử lý kiên quyết các trường hợp xây dựng trái phép; chuyển đổi mục đích sử dụng đất, tách thửa, xây nhà chạy dự án…

Như tại xã Bình Dương (Thăng Bình), nơi có đến gần 1.500ha được công bố là đất dự án đầu tư với hơn 1.000 hộ dân bị ảnh hưởng, thì tình trạng trái phép như trên là khó tránh khỏi.

Ông Đặng Văn Hùng – Chủ tịch UBND xã Bình Dương cho biết, trước khi có chỉ thị 06 thì tình trạng xây dựng nhà trái phép ào ạt diễn ra ở địa phương (khoảng 200 trường hợp).

“Để xử lý tình trạng này, địa phương chủ yếu là lập biên bản để làm căn cứ sau này chứ khó ngăn chặn. Khi có Chỉ thị 06 thì tình trạng này giảm hẳn. Huyện thành lập đội quy tắc, liên tục tuần tra; địa phương phối hợp, có căn cứ xử lý dễ dàng, kiên quyết hơn” – ông Hùng nói.

Còn theo ông Nguyễn Văn Thống – Chủ tịch UBND xã Duy Hải (Duy Xuyên), một địa phương cũng được xem là vùng dự án như Bình Dương, khi áp dụng Chỉ thị 06, người dân cảm nhận biện pháp quản lý đất đai của chính quyền sẽ căng hơn, nên tự rút lui với dự định xây nhà chạy dự án. Đó cũng là một cách răn đe từ xa…

_______________

Bài 2: Đất đai  “ngưng đọng”

(0) Bình luận
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Thắt chặt quản lý đất đai vùng đông - Bài 1: Kiểm soát chặt hiện trạng
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO