Thắt chặt quản lý đất đai vùng đông - Bài 2: Đất đai "ngưng đọng"

THANH MINH - HỮU PHÚC 28/09/2021 06:51

Chỉ thị 06 (năm 2018) và Chỉ thị 19 (năm 2020) của Chủ tịch UBND tỉnh được đánh giá là đã khóa chặt các “nhu cầu” phá vỡ hiện trạng đất đai, phá vỡ quy hoạch, tạo điều kiện thuận lợi cho các địa phương xử lý các điểm nóng về tình trạng cơi nơi, xây dựng chờ dự án…, nhưng cũng hạn chế nhu cầu sử dụng đất của người dân.

Nhà cửa tại khu tái định cư trung tâm xã Bình Dương (Thăng Bình) vẫn còn thưa thớt, trong khi người dân trong khu vực dự án đang “tiến thoái lưỡng nan”. Ảnh: H.PHÚC
Nhà cửa tại khu tái định cư trung tâm xã Bình Dương (Thăng Bình) vẫn còn thưa thớt, trong khi người dân trong khu vực dự án đang “tiến thoái lưỡng nan”. Ảnh: H.PHÚC

Hạn chế nhu cầu sử dụng đất

Nhìn trên bản đồ, hai thôn Tây Sơn Đông và Tây Sơn Tây (xã Duy Hải, Duy Xuyên) làng không ra làng, phố không ra phố, dù vùng đất này từ 5 năm trước đã được định hướng phát triển đô thị.

Toàn bộ diện tích đất của 2 thôn sẽ bị giải tỏa trắng khi triển khai dự án khu nghỉ dưỡng Nam Hội An. Thế nhưng, do chủ dự án phân kỳ giai đoạn đầu tư, giải phóng mặt bằng kiểu nửa vời, nên từ năm 2015 đến nay, nhiều trường hợp người dân lâm vào thế “tiến thoái lưỡng nan”.

Ông Phạm Lưỡng (trú thôn Tây Sơn Đông) mòn mỏi chờ ngôi nhà và mảnh vườn diện tích 1 sào đất của mình sẽ được bồi thường, bố trí tái định cư (TĐC) vì ông biết rằng, đất trong vùng dự án Nam Hội An thì không thể xây mới hay sửa chữa ngôi nhà.

Ông Lưỡng nói: “Cơn bão số 5 vừa rồi, gió thổi mạnh kèm theo mưa to, mái tôn dột nước trong nhà lênh láng. Mỗi lần nghe dự báo bão sẽ đổ bộ là cả nhà thấp thỏm âu lo, phải khăn gói sơ tán. Quy hoạch chi kéo hết năm này qua năm nọ, dân hầu như không có quyền lợi nào về sử dụng đất, cũng như xây dựng nhà ở, công trình phụ”.

Người dân khu vực thôn Hòa Hạ (xã Tam Thanh, TP.Tam Kỳ) có nhu cầu bán bớt một phần đất ở nhưng không thể tách thửa vì quy định hiện hành không cho phép. Ảnh: T.MINH
Người dân khu vực thôn Hòa Hạ (xã Tam Thanh, TP.Tam Kỳ) có nhu cầu bán bớt một phần đất ở nhưng không thể tách thửa vì quy định hiện hành không cho phép. Ảnh: T.MINH

Hay như trường hợp ông Nguyễn Tấn Năm (thôn Tây Sơn Đông), gia đình sống trong ngôi nhà cấp 4 diện tích 50m2 xây dựng từ 1991. Qua hơn 30 năm, ngôi nhà hiện xuống cấp, dột nát, đối mặt với nguy cơ sụp đổ trong mùa mưa bão năm nay.

Gia đình ông Năm có 3 cặp vợ chồng và mẹ ông đang thờ Bà mẹ Việt Nam anh hùng, cảnh sinh hoạt vô cùng chật chội nên ông viết đơn xin Chủ tịch UBND tỉnh, Chủ tịch UBND huyện Duy Xuyên cho phép xây dựng nhà mới.

Ông Năm dự định khởi công nhà ngày 4.8.2021 nhưng đến thời điểm nêu trên, lá đơn vẫn còn nằm tại UBND xã. Ông Nguyễn Văn Thống - Chủ tịch UBND xã Duy Hải cho biết, trường hợp của ông Năm, UBND xã không đủ thẩm quyền giải quyết.

Trường hợp như ông Lưỡng, ông Năm, riêng ở địa bàn các xã Duy Hải và Bình Dương (Thăng Bình), có đến vài nghìn hộ. Chỉ thị 06 và Chỉ thị 19 của Chủ tịch UBND tỉnh về tăng cường quản lý đất đai vùng Đông Nam đều không cho phép xây mới, tách thửa, chuyển mục đích sử dụng, thay đổi hiện trạng đất đai... đối với những trường hợp này. Tuy nhiên, vì nhu cầu quá bức xúc, nhiều hộ dân đã làm đơn kiến nghị chính quyền địa phương cho phép xây nhà, nhưng vẫn không được giải quyết.

Thiệt thòi vì thuế chuyển mục đích tăng theo giá đất

Một thiệt thòi khác, người dân tại nhiều địa phương cho rằng, trước khi có Chỉ thị 06, giá đất theo quy định của Nhà nước còn thấp, nay nhiều nơi đã tăng nhiều lần, khiến thuế phí cho các nhu cầu chuyển đổi mục đích tăng cao.

Một người dân tại xã Tam Thanh nói: “Bây giờ có cho chuyển mục đích thì gia đình cũng không có tiền nộp thuế. Thời điểm ra đời Chỉ thị 06 (năm 2018) đất mặt tiền đường Thanh niên có giá khoảng 270 nghìn đồng/m2, lúc đó các hộ có điều kiện thì Nhà nước không cho chuyển mục đích. Sau đó giá đất tăng cao, bây giờ đã lên đến 5 triệu đồng/m2, thì tiền nộp thuế cũng tăng theo, nhiều hộ sẽ không đủ tiền nộp”.

Tại xã Bình Dương, ngoài dự án khu nghỉ dưỡng Nam Hội An, còn có dự án của Công ty CP Đạt Phương, Vinpearl Quảng Nam, dự án các khu TĐC ven biển, TĐC ven sông, dự án khu TĐC trung tâm xã Bình Dương... Từ năm 2018 đến nay, thực hiện Chỉ thị 06 và Chỉ thị 19, nhu cầu thay đổi mục đích sử dụng đất của người dân tăng cao.

Ông Đặng Văn Hùng - Chủ tịch UBND xã Bình Dương cho biết, từ khi thực hiện 2 chỉ thị trên, việc giao đất ở, chuyển đổi mục đích sử dụng đất, tách thửa trên địa bàn đều không thực hiện được, dù hằng năm địa phương vẫn thông báo cho dân đăng ký nhu cầu sử dụng đất.

“Hiện có khoảng 300 hộ đăng ký xin tách thửa, chuyển đổi mục đích sử dụng từ đất sản xuất nông nghiệp, trồng cây lâu năm sang đất ở với diện tích 46ha. Mỗi lần địa phương thông báo đăng ký nhu cầu sử dụng đất, người dân đến chật kín trụ sở UBND xã. Địa phương có 2 quy hoạch về nông thôn mới và quy hoạch phát triển vùng đông. Ngay cả khu dân cư hiện hữu, xác nhận phù hợp với quy hoạch đất ở, người dân lên huyện làm thủ tục tách thửa, chuyển mục đích sử dụng đất cũng không được” - ông Hùng nói.

Thiệt thòi quyền lợi

Người dân ở vùng dự án không được rục rịch công trình trên thửa đất của mình đã đành, nhiều hộ “ngoài vùng phủ sóng” cũng bức xúc với nhu cầu sử dụng đất. Nhà ông Đ.Q.T. (thôn Hòa Hạ, xã Tam Thanh, TP.Tam Kỳ) chỉ cách trung tâm làng bích họa mấy chục bước chân.

Ông nói, đất đai ở đây có giá, nhiều hộ đã san nhượng nguyên thửa lấy tiền tỷ đi nơi khác sinh sống. Ông cũng có nhu cầu “đổi đời” từ đất nhưng không thể sang nhượng bởi đất của ông nằm trong thửa của gia đình (gồm cha mẹ và nhiều anh em), có tổng diện tích 700m2.

“Trước đây đất đai giá rất cao, nhưng anh chị em không thống nhất bán, mình đâu có thể tách thửa ra bán được, mà nếu bán theo giấy viết tay thì khó trôi và sẽ bị o ép giá. Bây giờ thì cả gia đình thống nhất bán, nhưng thị trường đất đai lạnh giá, nguyên thửa 700m2 rất khó người mua” - ông T. nói.

Ông Nguyễn Thanh Bình - Chủ tịch UBND xã Tam Thanh cho rằng, khi thực hiện các chỉ thị về quản lý đất đai, những hộ gia đình thật sự bức xúc về nhu cầu sử dụng đất bị thiệt thòi quyền lợi.

Ông Bình nói: “Đặc thù của dân vùng biển là đông con, đất ít, nhà 3 - 4 thế hệ sống chung cần tách ra để con cái tự do, nhưng muốn làm nhà, hay sang nhượng đất để có chút vốn liếng thì không được”.

Theo ông Bình, Chỉ thị 19 có nét mới là có thể cho phép tách thửa nếu phù hợp tất cả các quy hoạch, nhưng trên địa bàn Tam Thanh thì hơi gay. Hiện địa phương có rất nhiều loại quy hoạch như nông thôn mới, quy hoạch chung của thành phố, quy hoạch phân khu 12, các quy hoạch về rừng, quy hoạch Khu kinh tế mở Chu Lai điều chỉnh... Có rất nhiều hộ đăng ký, nhưng theo khảo sát của địa phương thì đôi ba thửa có thể đủ điều kiện nhưng đến nay vẫn chưa được cấp trên giải quyết.

Ông Phan Văn H. (thôn 6, xã Bình Dương, Thăng Bình) có thửa đất hơn 1.000m2, trong đó có 200m2 đất ở, diện tích còn lại 800m2 là đất trồng cây lâu năm. Con trai của ông đã lập gia đình, nên từ thửa đất này, ông H. muốn làm thủ tục tách ra riêng 2 thửa nữa và chuyển mục đích sử dụng tổng cộng thành 400m2 đất ở.

Hiện trạng xung quanh thửa đất là làng mạc, khu dân cư người dân sinh sống lâu đời nay. Tuy nhiên, khi lên bộ phận một cửa của huyện Thăng Bình làm thủ tục thì bị từ chối. Cán bộ giải quyết giấy tờ đưa ra lý do, đất ông H. không thể tách thửa, chuyển mục đích sử dụng đất do thuộc đối tượng không được thay đổi mục đích sử dụng, tách thửa đất theo quy định của Chỉ thị số 19.

Nhiều trường hợp tại xã Bình Dương theo giấy chứng nhận quyền sử dụng đất được cấp ghi toàn bộ diện tích thửa đất là đất thổ cư, thời hạn sử dụng lâu dài nhưng khi thực hiện quyền xây dựng nhà ở, công trình phụ đều bị chính quyền xử phạt. Lý do chính quyền địa phương đưa ra là tự ý chuyển mục đích sử dụng đất nông nghiệp sang đất phi nông nghiệp khi chưa được cấp có thẩm quyền cho phép.

---------------------------

Bài 3: “Lét lút” thị trường bất động sản

(0) Bình luận
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Thắt chặt quản lý đất đai vùng đông - Bài 2: Đất đai "ngưng đọng"
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO