Tính đường dài cho vùng Đông xứ Quảng

HỮU PHÚC 04/09/2021 06:57

Không gian quy hoạch bao trùm cả 9 huyện đồng bằng, hệ thống giao thông đa dạng, kết nối thông suốt, cùng với các dự án động lực đã, đang và sẽ đầu tư kỳ vọng tạo ra xung lực mới cho vùng Đông của tỉnh. Đồ án quy hoạch xây dựng vùng liên huyện phía đông tính toán “đường dài” phát triển kinh tế, bảo tồn hệ sinh thái và sinh lợi từ giá trị văn hóa.

Quy hoạch vùng liên huyện phía đông trong đó có xác lập hành lang xanh vĩnh viễn ở sông Trường Giang. Ảnh: H.P
Quy hoạch vùng liên huyện phía đông trong đó có xác lập hành lang xanh vĩnh viễn ở sông Trường Giang. Ảnh: H.P

Từ đầu năm đến nay, dưới sự điều hành của Chủ tịch UBND tỉnh Lê Trí Thanh nhiều cuộc họp được tổ chức liên quan đến các đồ án quy hoạch hạ lưu sông Thu Bồn, sông Trường Giang, quy hoạch cảnh quan dọc ven sông Cổ Cò và ở phạm vi rộng hơn là lấy ý kiến về nhiệm vụ quy hoạch xây dựng vùng liên huyện phía đông.

Vùng Đông theo đuổi mô hình khu kinh tế, khu công nghiệp tổng hợp, trong đó đầu tư phát triển vùng ven biển trở thành chuỗi đô thị – trung tâm dịch vụ, du lịch – công nghiệp sạch – nông nghiệp công nghệ cao.

Không “cát cứ” phát triển

Đồ án quy hoạch xây dựng vùng liên huyện phía đông xác định phạm vi lập quy hoạch là toàn bộ địa giới hành chính 9 địa phương phía đông của tỉnh, gồm Hội An, Điện Bàn, Đại Lộc, Duy Xuyên, Quế Sơn, Thăng Bình, Tam Kỳ, Phú Ninh và Núi Thành.

Phó Giám đốc Sở Xây dựng Ngô Ngọc Hùng cho rằng, đồ án quy hoạch đảm bảo liên kết tổng thể toàn vùng, tăng cường hợp tác liên kết phát triển giữa các tiểu vùng và địa phương trong vùng; tránh tình trạng “cát cứ” phát triển.

Quy hoạch vùng liên huyện phía đông bám theo trục không gian phát triển kinh tế gắn liền với không gian phát triển đô thị. Ảnh: PHƯƠNG THẢO
Quy hoạch vùng liên huyện phía đông bám theo trục không gian phát triển kinh tế gắn liền với không gian phát triển đô thị. Ảnh: PHƯƠNG THẢO

Nghị quyết số 07 của Tỉnh ủy ngày 4.5.2021 định hướng rõ nét phát triển vùng Đông Nam của tỉnh đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2030.

Theo đó, xác định được nhóm các dự án đô thị du lịch ven biển, ven sông; nhóm dự án ô tô và cơ khí đa dụng; nhóm các khu công nghiệp và khu công nghiệp công nghệ cao; nhóm dự án công nghiệp và dịch vụ hàng không; nhóm cảng biển và logistics Chu Lai; nhóm nông nghiệp hàng hóa an toàn ứng dụng công nghệ.

Nhóm các dự án về hạ tầng chủ yếu hạ tầng giao thông, điện, nước; về khu dân cư, tái định cư, nhà ở công nhân.

Theo Sở Xây dựng, trước đây mô hình phát triển vùng Đông với 3 cụm động lực phát triển chính. Đó là cụm động lực số 1 gồm Điện Bàn – Hội An; cụm động lực số 2 Nam Hội An (Duy Xuyên, Quế Sơn và Thăng Bình) và cụm động lực số 3 Chu Lai (Phú Ninh – Tam Kỳ - Núi Thành).

Tuy nhiên, khi đề xuất quy hoạch chỉ phân 2 vùng phát triển là vùng thủy động và vùng thủy tĩnh. Cách tiếp cận quy hoạch dựa vào khoa học phong thủy và các mô hình quy hoạch mang tính kế thừa lịch sử.

Thực tiễn cho thấy, mặc dù xác định được cụm động lực phát triển nhưng thời gian qua khi kêu gọi thu hút đầu tư vào các cụm, hay khu công nghiệp, mỗi địa phương mạnh ai nấy làm, ít có sự tương hỗ cho nhau; vì vậy liên kết vùng bị đứt gãy.

Theo Công ty CP Quy hoạch đô thị - nông thôn Quảng Nam (đơn vị lập đồ án quy hoạch), đồ án quy hoạch xây dựng vùng liên huyện phía đông đã tính toán kết nối với Đà Nẵng, Đô thị mới Điện Nam - Điện Ngọc và Khu công nghiệp lọc hóa dầu Dung Quất - Quảng Ngãi phát triển thành một chuỗi đô thị có khả năng phát triển kinh tế cao.

Khu vực này sẽ là cửa ngõ cho vùng Tây Nguyên, Nam Lào, Đông Bắc Thái Lan và tiểu vùng sông Mêkông thông ra với thế giới bên ngoài. Con đường ven biển Võ Chí Công sẽ làm “sứ mệnh” lan tỏa vùng rất hiệu quả. Từ đây các địa phương tận dụng tối đa lợi thế hạ tầng để thu hút đầu tư theo quy hoạch.

Quy hoạch vùng liên huyện phía đông bám theo trục không gian phát triển kinh tế gắn liền với không gian phát triển đô thị. Ví dụ tại Núi Thành, nhiều dự án đã, đang xúc tiến đầu tư như dự án sản xuất nông - lâm nghiệp Thaco Trường Hải tại xã Tam Anh Nam, dự án công nghiệp và dịch vụ hàng không tại Cảng hàng không quốc tế Chu Lai, phát triển hậu cần cảng và logistics gắn với cảng biển, trung tâm giao dịch hàng hóa quốc tế. Đồng thời nơi đây cũng đang hình thành 2 dự án khu đô thị sinh thái vịnh An Hòa với quy mô gần 100ha.

Cân đối phát triển toàn vùng

Theo Công ty CP Viện Quy hoạch đô thị - nông thôn Quảng Nam, không gian quy hoạch xây dựng vùng liên huyện phía đông rộng lớn nhằm đảm bảo quỹ đất tối thiểu; xác định các hành lang hạ tầng quan trọng như đường ven biển Võ Chí Công, hành lang Bắc – Nam khác (tuyến song song cao tốc), các hành lang Đông - Tây (các tuyến quốc lộ, vai trò tuyến 14B với cụm phía Bắc ...).

KTS. Nguyễn Văn Phong - Phó Giám đốc Công ty CP Viện Quy hoạch đô thị và nông thôn Quảng Nam khẳng định, quy hoạch căn cơ giải quyết sự mất cân đối trong phát triển của toàn tỉnh và vùng liên huyện phía đông với các tiểu vùng khác; đồng thời quản lý, sử dụng hiệu quả hơn tài nguyên đất đai.

“Đồ án quy hoạch vùng liên huyện phía đông đã định hướng rõ nét trong thiết lập một số hành lang xanh vĩnh viễn. Đó là vùng ven sông Thu Bồn gắn với đô thị Hội An và Mỹ Sơn; vùng ven sông Trường Giang, Cổ Cò; vùng sinh thái Phú Ninh…” – ông Phong nói. Tại các khu vực đô thị ven biển, đồ án quy hoạch xác lập cả hành lang xanh từ quy hoạch các quảng trường biển, công viên văn hóa công cộng.

Quy hoạch vùng Đông giữ lại “lá phổi xanh” ở khu vực ngoại vi. Theo KTS. Bùi Huy Trí (Viện Quy hoạch đô thị Đà Nẵng), quy hoạch xây dựng vùng liên huyện phía đông Quảng Nam đã tính tới phương án quy hoạch cho các vùng ven đô, ngoại ô bởi quá trình đô thị hóa nhanh tất yếu sẽ ảnh hưởng đến khu vực này.

Quy hoạch tận dụng tối ưu hóa vẻ đẹp của thiên nhiên, mà nhiều năm nay hầu hết cơ quan quản lý, kiến trúc sư ủng hộ quan điểm “lấy hệ sinh thái làm chân đế để phát triển văn hóa - xã hội và các mục tiêu kinh tế”.

KTS. Bùi Kiến Quốc (Viện Hàn lâm Khoa học Cộng hòa Pháp) cho rằng, không gian xanh tự nhiên của Quảng Nam còn khá rộng, vì vậy phải bảo vệ nó trước sự phá hoại của quá trình đô thị hóa. Việc xác lập một số hành lang xanh vĩnh viễn như đồ án quy hoạch là rất cần thiết, nếu không muốn nói là “sống còn” trong định hướng xây dựng.

Theo KTS. Trần Ngọc Chính - Chủ tịch Hội Quy hoạch phát triển đô thị Việt Nam, nguyên Thứ trưởng Bộ Xây dựng, Quảng Nam là một trong những địa phương rất chú trọng việc lập các quy hoạch, kể cả khu vực đô thị, nông thôn, khu vực các huyện và liên huyện. Điều cốt yếu là vùng Đông phải có quy hoạch phân khu, quy hoạch chi tiết, có thiết kế đô thị để dự án vào tuân thủ quy hoạch, chớ không chạy “theo đuôi” nhà đầu tư vì như thế sẽ dễ dàng phá vỡ quy hoạch.

(0) Bình luận
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Tính đường dài cho vùng Đông xứ Quảng
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO