Tương tác vùng, điểm nhìn từ Quảng Nam

QUỐC TUẤN 22/06/2022 08:42

Quảng Nam có nhiều động lực để góp phần tạo sức bật mới cho Vùng kinh tế trọng điểm miền Trung. Điểm nhìn của địa phương trong liên kết vùng sẽ ra sao để xâu chuỗi, kích thích vùng phát triển đột phá?

Vùng đông Quảng Nam hội tụ nhiều yếu tố để trở thành khu vực động lực trong chuỗi phát triển Vùng kinh tế trọng điểm miền Trung. Ảnh: Q.T
Vùng đông Quảng Nam hội tụ nhiều yếu tố để trở thành khu vực động lực trong chuỗi phát triển Vùng kinh tế trọng điểm miền Trung. Ảnh: Q.T

Mắt xích chiến lược của vùng

Với vị trí trung độ của Vùng kinh tế trọng điểm miền Trung và sở hữu các “hạt nhân” như phố cổ Hội An, sân bay Chu Lai, cảng Chu Lai…, Quảng Nam đã trở thành mắt xích quan trọng để thúc đẩy kết nối vùng, nhất là ở lĩnh vực du lịch và công nghiệp.

Trong giai đoạn 2011 - 2020, quy mô vốn đầu tư phát triển của Quảng Nam tương đối lớn, đạt 217 nghìn tỷ đồng (khoảng 10 tỷ USD), là đòn bẩy quan trọng để nâng cấp hạ tầng kết nối vùng. 

Theo đánh giá của các chuyên gia, Quảng Nam có đủ năng lực để gia nhập và trở thành mắt xích quan trọng trong 4 chuỗi động lực quốc gia gồm: công nghiệp - du lịch, dịch vụ - năng lượng, môi trường và nhân lực.

Với hạt nhân Chu Lai, trước mắt Quảng Nam sớm muốn kéo giảm chi phí logistics ít nhất là bằng với hai đầu đất nước, đây là yếu tố quan trọng có sức tác động lớn đến việc nâng tầm quy mô kinh tế Vùng kinh tế trọng điểm miền Trung.

Dù chọn trụ cột đột phá nào thì Quảng Nam cũng không tách khỏi sự phát triển của Vùng kinh tế trọng điểm miền Trung. Ảnh: Q.T
Dù chọn trụ cột đột phá nào thì Quảng Nam cũng không tách khỏi sự phát triển của Vùng kinh tế trọng điểm miền Trung. Ảnh: Q.T

Theo ông Trần Bá Dương - Chủ tịch HĐQT THACO, thời gian qua tại Chu Lai đã hình thành được trung tâm gia công cơ khí. Các công ty trong khu vực cứ việc thiết kế, nghiên cứu phát triển sản phẩm để THACO đảm nhận gia công, sản xuất. Đây chính là trung tâm cơ khí hỗ trợ tăng cường liên kết cho cả Vùng kinh tế trọng điểm miền Trung về sản xuất công nghiệp.  

TS.Võ Trí Thành - Viện trưởng Viện Nghiên cứu chiến lược thương hiệu và cạnh tranh nói, phía trước của Quảng Nam không phải là kéo dài thành tựu đã có mà cần xác định xu thế phát triển trong bối cảnh mới để nhận diện rủi ro. Hiện nay, Quảng Nam vẫn là nền kinh tế tương đối khép kín (giá trị xuất khẩu chưa đến 1% so với toàn quốc). 

Định hình “tọa độ” liên kết

Vùng kinh tế trọng điểm miền Trung ra đời từ khá sớm, được đặt nhiều kỳ vọng nhưng đóng góp vào cơ cấu kinh tế của cả nước còn khiêm tốn. Tổng GRDP của vùng hiện chỉ chiếm khoảng 6 - 7% trong GDP cả nước.

Tách riêng từng tỉnh trong vùng, hầu hết chỉ số kinh tế như quy mô nền kinh tế, tổng thu ngân sách, thu nhập bình quân đầu người… cũng mới chỉ ở mức bình quân hoặc khá so với toàn quốc nên yếu tố “trọng điểm” còn nhạt nhòa. 

Du lịch là một trong những lĩnh vực Quảng Nam đủ năng lực trở thành mắc xích quan trọng trong chuỗi động lực quốc gia. Ảnh: Q.T
Du lịch là một trong những lĩnh vực Quảng Nam đủ năng lực trở thành mắc xích quan trọng trong chuỗi động lực quốc gia. Ảnh: Q.T

Theo KTS.Ngô Viết Nam Sơn - Chủ tịch NgoViet Architects & Planners, đặc điểm vị trí địa lý trải dài khiến Vùng kinh tế trọng điểm miền Trung có sự khác biệt với hai đầu. Vì lý do này, Đà Nẵng hiện là trung tâm lớn nhất nhưng khó thiết lập vị thế trung tâm “độc tôn” mà các trung tâm lớn sẽ hình thành, trải dài theo dọc bờ biển.

“Việc sân bay Đà Nẵng quá tải là vấn đề thời gian. Câu chuyện ở đây là Đà Nẵng không thể tìm đâu ra quỹ đất để di dời sân bay và trung tâm hàng không của khu vực sẽ có sự chia sẻ, dịch chuyển dần về phía Nam, ở đây là Chu Lai.

Cảng biển cũng vậy, cảng Liên Chiểu (Đà Nẵng) cũng không có nhiều vượt trội so với hệ thống cảng trong khu vực, do đó hệ thống cảng sẽ được thiết lập theo chuỗi từ Chân Mây - Liên Chiểu - Chu Lai - Dung Quất” - KTS.Ngô Viết Nam Sơn chia sẻ.

PGS-TS.Bùi Quang Tuấn - Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam đặt vấn đề, Quảng Nam cần “mổ xẻ” theo hướng liên kết vùng trong câu chuyện nguồn lực thực hiện các mục tiêu tăng trưởng xanh, phát triển bền vững. Quảng Nam vẫn chưa phát huy được lợi thế của liên kết vùng trong việc huy động các nguồn lực phát triển, nhất là phát triển tổng hợp kinh tế biển khu vực Trung Bộ. 

PGS-TS.Bùi Quang Bình (Trường Đại học Kinh tế Đà Nẵng) cho rằng, những người làm quy hoạch cần đánh giá rõ hơn nền kinh tế Quảng Nam đang ở đâu trong tương quan vùng, tương quan toàn quốc thì mới định vị được tầm nhìn phát triển đến giai đoạn 2050 một cách hiệu quả. Dù chọn trụ cột đột phá nào thì Quảng Nam cũng không thể tách khỏi sự phát triển của Vùng kinh tế trọng điểm miền Trung.

(0) Bình luận
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Tương tác vùng, điểm nhìn từ Quảng Nam
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO