Xây dựng Tam Kỳ đạt đô thị loại 1: Động lực và nguồn lực - Bài 1: mở rộng không gian đô thị

HỮU PHÚC 12/04/2021 07:53

Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XXII, nhiệm kỳ 2020 - 2025 xác định một trong những mục tiêu là nâng cao tỷ lệ đô thị hóa, xây dựng thành phố tỉnh lỵ Tam Kỳ cơ bản đạt tiêu chí của đô thị loại 1 vào năm 2030, hình thành vùng động lực góp phần đưa Quảng Nam trở thành tỉnh phát triển khá của cả nước vào năm 2030.

Đô thị Tam Kỳ. Ảnh: PHƯƠNGTHẢO
Đô thị Tam Kỳ. Ảnh: PHƯƠNGTHẢO

BÀI 1: MỞ RỘNG KHÔNG GIAN ĐÔ THỊ

“Chiếc áo” hạ tầng đô thị Tam Kỳ vốn chật chội, cũ kỹ cần được thay mới. Cơ chế, nguồn lực lấy ở đâu, tổ chức không gian phát triển như thế nào, lộ trình đầu tư ra sao là những câu hỏi cốt lõi được đặt ra...

Xác định biên độ phát triển

Trên vùng ven biển miền Trung có 13 thành phố (5 đô thị loại 1 và 8 đô thị loại 2), qua đối sánh chỉ số đô thị Tam Kỳ đạt thứ hạng 10/13. Riêng trong các đô thị loại 2, chỉ số đô thị Tam Kỳ đứng thứ 5/8, thấp hơn các thành phố Quảng Ngãi, Phan Thiết, Đồng Hới, Tuy Hòa và chỉ đứng trên Hà Tĩnh, Đông Hà, Phan Rang. Nhìn lại vậy, để biết đô thị Tam Kỳ đang đứng ở đâu trên bản đồ các đô thị ven biển miền Trung, từ đó vạch ra con đường phát triển cho tương lai.

Dự thảo Đề án xây dựng Tam Kỳ trở thành đô thị loại 1 trực thuộc tỉnh, không sa vào các ý tưởng tầm nhìn xa vời mà vạch ra lộ trình phát triển ngắn hạn, trung hạn và dài hạn. Do vậy, muốn có dấu ấn trong chuỗi đô thị động lực ven biển miền Trung, Tam Kỳ nhất thiết phải tổ chức mở rộng không gian đô thị về phía nam (Núi Thành) và phía tây (Phú Ninh).

Nhiệm vụ mà thành phố cần phải làm trước mắt là quy hoạch vùng liên huyện Tam Kỳ - Phú Ninh - Núi Thành; đề xuất điều chỉnh địa giới hành chính trong từng giai đoạn phát triển. Mục tiêu hướng đến Tam Kỳ là đầu mối phát triển trong tuyến ven biển Đà Nẵng – Quảng Nam – Quảng Ngãi, là trung tâm hỗ trợ cho Khu kinh tế mở Chu Lai, có vai trò động lực kết nối hành lang kinh tế đông – tây.

Song song với đầu tư các công trình hạ tầng có tính liên kết vùng, hiện thực hóa ý tưởng mở rộng không gian phát triển, Tam Kỳ đã và đang rà soát lại tất cả quy hoạch xây dựng, mạnh dạn điều chỉnh hoặc loại bỏ quy hoạch xây dựng chi tiết 1/500 nếu xét thấy không còn phù hợp với thực tiễn.

Có nghịch lý, một số quy hoạch ngành, lĩnh vực trước đây do UBND tỉnh và Khu kinh tế mở Chu Lai phê duyệt lại mâu thuẫn, xung đột trong phát triển, trong khi muốn gỡ bất cập quy hoạch này thì chính quyền thành phố phải xin cơ chế, chứ không thể tự quyết định bởi không thuộc thẩm quyền.

Trục không gian đô thị - kinh tế là xu thế phát triển phổ biến của các đô thị có thương hiệu trên thế giới. Không thể có đô thị hiện đại, thông minh nếu như nơi đó kinh tế chậm phát triển. Tam Kỳ không phải là ngoại lệ, khi bám theo trục đô thị - kinh tế.

Trong giai đoạn ngắn và trung hạn, thành phố ưu tiên vốn cho nhóm dự án đầu tư hạ tầng thương mại, đô thị. Trước mắt, dành vốn xây dựng khu đô thị, cảnh quan hai bên đường Điện Biên Phủ đoạn từ sông Kỳ Phú đến quảng trường biển; khu sinh thái, văn hóa và du lịch sông Đầm và khu đô thị sinh thái ven sông Tam Kỳ.

Mục tiêu đến năm 2025, các tuyến đường, khu dân cư trong đô thị Tam Kỳ sẽ được khớp nối toàn bộ. TRONG ẢNH: Đường Tôn Đức Thắng chưa được khớp nối với đường Nguyễn Hoàng. Ảnh: H.P
Mục tiêu đến năm 2025, các tuyến đường, khu dân cư trong đô thị Tam Kỳ sẽ được khớp nối toàn bộ. TRONG ẢNH: Đường Tôn Đức Thắng chưa được khớp nối với đường Nguyễn Hoàng. Ảnh: H.P

Mới đây Chủ tịch UBND tỉnh Lê Trí Thanh ủng hộ với đề xuất của chính quyền địa phương về quy hoạch đầu tư khu đô thị sinh thái ven sông Tam Kỳ trong nghiên cứu khu vực diện tích 275ha, trong đó dự án khu dân cư - tái định cư Nam An Phú quy mô 38ha. Theo đó, ven sông Tam Kỳ sẽ xây dựng trung tâm dịch vụ khách sạn cao cấp gắn với hệ sinh thái sông nước, nơi sẽ hình thành biệt thự cao cấp, nhà ở xã hội.

 Nâng cấp hạ tầng

Cần 44.500 tỷ đồng để đầu tư phát triển đô thị

Theo Đề án xây dựng Tam Kỳ trở thành đô thị loại 1 trực thuộc tỉnh chuẩn bị trình cơ quan có thẩm quyền phê duyệt, giai đoạn 2021 – 2030, thành phố có nhu cầu vốn 44.500 tỷ đồng để đầu tư phát triển đô thị loại 1. Trong đó vốn trung ương – ODA khoảng 6.100 tỷ đồng, vốn tỉnh 4.800 tỷ đồng, vốn thành phố, các huyện 2.750 tỷ đồng và xã hội hóa khoảng 30.900 tỷ đồng.

Theo đề án, Tam Kỳ xin cơ chế để lại 100% từ tiền giao đất có thu tiền sử dụng đất, tiền cho thuê đất hằng năm chuyển sang hình thức thuê đất nộp một lần cho cả thời gian thuê của các đơn vị, tổ chức, doanh nghiệp trên địa bàn thành phố do tỉnh quản lý. Hỗ trợ có mục tiêu từ ngân sách tỉnh tối thiểu 100 tỷ đồng/năm để thành phố đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội. Ngoài ra, tỉnh cần bổ sung thêm nguồn kiến thiết thị chính cho địa phương tối thiểu là 120 tỷ đồng/năm.

Nhóm dự án giao thông, đô thị kết nối liên vùng sẽ được Tam Kỳ ưu tiên đầu tư như mở rộng tuyến ĐT615 (từ xã Tam Thanh) đến quốc lộ 40B xã Tiên Phong (Tiên Phước); dự án đường trục chính phía bắc (song song ĐT615) nối Tam Thanh với Khu công nghiệp Tam Thăng và Phú Ninh; quốc lộ 40B và cầu (đoạn từ dốc Diên Hồng, xã Tam Phú đi biển Tam Thanh).

Xây dựng đường vành đai ven biển (ĐT613B đoạn Thăng Bình - Tam Kỳ - Núi Thành); nâng cấp mở rộng cầu Tam Kỳ. Cạnh đó, Tam Kỳ sẽ bố trí nguồn lực đầu tư các đường trục chính đô thị gồm nâng cấp đường Hùng Vương; đường Trương Chí Cương nối dài và hầm chui qua đường Nguyễn Hoàng; đoạn còn lại của đường N24; đường Tôn Đức Thắng; đường Bạch Đằng; đường N10; đường nối khu dân cư số 6 đến khu phố mới Tân Thạnh; đường trục chính Khu công nghiệp Thuận Yên – quốc lộ 40B; đường và hệ thống thoát nước đường Trường Xuân - Phú Ninh...

Nhóm các dự án tái định cư (TĐC) gắn với sắp xếp dân cư gồm khu TĐC khối phố 4, phường An Sơn; cầu Kỳ Phú 1 & 2 (giai đoạn 3); đường N10 và khu dân cư hai bên đường; khu dân cư - TĐC dọc đường Điện Biên Phủ, phường An Mỹ; khu dân cư và nhà ở cho công nhân, người thu nhập thấp giai đoạn 2…

Ngoài ra, thành phố ưu tiên phát triển vệt công nghiệp phía tây (Trường Xuân - Thuận Yên); đầu tư hoàn chỉnh Khu công nghiệp Tam Thăng; dự án nạo vét, thoát lũ các sông Kỳ Phú, Tam Kỳ, Bàn Thạch và Trường Giang. Song song với đó, xây dựng kè chống sạt lở và đường ven sông Tam Kỳ; kênh Đông kết nối sông Đầm ra sông Tam Kỳ; đường ven sông phía đông sông Kỳ Phú (từ ĐT615 - đường Thanh Hóa). Đầu tư không gian văn hóa công cộng như dự án công viên trước Tượng đài Mẹ Việt Nam Anh hùng; công viên sinh thái Sông Đầm; công viên cảnh quan ven sông Bàn Thạch...

Theo tiêu chuẩn đô thị loại 1, trong số 59 tiêu chí, thì Tam Kỳ đạt 47 tiêu chí. Các tiêu chí chưa đạt chủ yếu tập trung thu nhập bình quân đầu người, quy mô và mật độ dân số đô thị, cơ sở giáo dục đào tạo cấp đô thị, mật độ đường trong khu vực nội thị, thị dân sử dụng nước sạch, nhà tang lễ, hình thức sử dụng hỏa táng. Nhu cầu sử dụng vốn đầu tư kết cấu hạ tầng, kiến thiết thị chính đến năm 2025 rất lớn.

Bí thư Thành ủy Tam Kỳ Trần Nam Hưng cho rằng, thành phố sẽ vay vốn ODA của Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB), huy động mạnh mẽ các nguồn lực đầu tư ngoài ngân sách nhà nước; trong đó ưu tiên ứng nguồn (từ quỹ phát triển đất, ứng trước ngân sách tỉnh...) để xây dựng các khu TĐC và thực hiện bồi thường, giải phóng mặt bằng tạo quỹ đất sạch để kêu gọi đầu tư. Tam Kỳ chủ trương xã hội hóa đầu tư, với phương châm Nhà nước và nhân dân cùng làm bằng cách kêu gọi nhân dân hiến đất, đồng thuận trong giải tỏa mặt bằng. Tất nhiên giai đoạn 2021 – 2030, việc đầu tư kết cấu hạ tầng đô thị không phải triển khai đồng loạt mà phân kỳ lộ trình đầu tư phù hợp theo thứ tự ưu tiên. 

...............

Bài cuối: “Cốt lõi là chất lượng đời sống thị dân”

(0) Bình luận
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Xây dựng Tam Kỳ đạt đô thị loại 1: Động lực và nguồn lực - Bài 1: mở rộng không gian đô thị
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO