(QNO) - Thế là giao thừa năm nay không tiếng pháo hoa, kể thì cũng buồn, nhưng sao buồn được bằng những khuôn mặt rầu rĩ của những người vừa vật lộn với lũ, với hoa tết trong cảnh ảm đạm.
Năm nay, Quảng trường 24.3 không rực sáng pháo hoa đêm giao thừa như năm vừa rồi. Ảnh: XUÂN THỌ |
Chả biết từ khi nào, mà từ phương Tây đến phương Đông, hễ cứ giao thừa là phải có pháo hoa. Để rồi thành lệ. Rồi cảm thấy thiêu thiếu cái gì đó trong người khi năm nay giao thừa bặt tiếng pháo hoa.
Thật ra thì cái cảm xúc ấy, hình như chỉ dành cho dân thành phố và các địa phương lân cận, chớ dân vùng cao, vùng sâu, vùng xa, nếu không phải trải qua cái tết xa nhà, thì làm sao có được cái cảm xúc tận mắt thấy pháo hoa nở, tận tai nghe pháo hoa nổ rôm rả.
Lần đọc mấy tài liệu về pháo hoa, nhất là về cái khoảng “nguồn gốc” thì thấy cũng năm đường bảy bước, nên thì… bỏ qua vậy. Bởi đều có một điểm chung, là từ lâu pháo hoa đã được sử dụng nhiều trong các lễ hội, sinh hoạt dân gian… Rồi khi có những biến tướng dẫn đến những tai nạn thương tâm, pháo hoa dần trở nên xa xỉ, chỉ còn là dịp của những ngày lễ lớn hay tết mà thôi.
Pháo hoa là sự kết hợp giữa hiệu ứng âm thanh, ánh sáng và màu sắc để tạo nên mọi cung bậc cảm xúc. Rồi người xưa dựa vào đấy để dấy lên niềm tin rằng nó là những yếu tố cần thiết để kích hoạt “chức năng” xua đuổi ma quỷ, trừ tà…, bên cạnh tính giải trí mà xã hội bây giờ ngày càng đề cao hơn.
Vậy mà đêm qua, chúng ta phải trải qua một giao thừa không tiếng pháo hoa!
Tất cả là tại… ông trời! Ai biểu gần tết nhất đến nơi rồi, mà còn làm mưa liên miên, khiến dân trồng rau ở Đại Lộc méo mặt, dân nuôi cá ở Tam Kỳ lao đao, rồi người dân ở mấy huyện vùng cao, vùng núi như Nông Sơn, Phước Sơn, Hiệp Đức, Nam Trà Mỳ, Tây Giang… khốn vì đường sá bị sạt lở, nhà cửa bị sập…
Tưởng cơn lũ nhẹ đầu tháng 12.2016 sẽ mang phù sa về sau vài năm không có lũ, là hứa hẹn năm mới mùa màng phơi phới. Ai ngờ giữa tháng đó, lại “dính” đợt lụt to. Trong những khuôn mặt rầu rĩ đó, đã thấy tết buồn treo trước cửa!
Ngay lập tức, nhiều địa phương, trong đó có Quảng Nam đi đến quyết định sẽ không bắn pháo hoa giao thừa Tết Đinh Dậu 2017. Và toàn bộ nguồn kinh phí sẽ dành cho việc bắn pháo hoa theo kế hoạch từ trước đó, sẽ dùng để lo cho công tác an sinh, giúp dân gượng dậy sau lũ.
Đó cũng là lúc người ta mường tượng “rằng chúng ta sắp trở về thời xa xưa lắm rồi”: Hà Nội coi bắn pháo hoa qua màn ảnh; TP.Hồ Chí Minh coi đèn, đọc sách; Huế nghe tiếng chuông chùa; miền Tây nghe đờn ca tài tử; và Quảng Nam, đi hô bài chòi!
Dù lạc quan đến mấy, nhưng trong bối cảnh biến đổi khí hậu ngày càng tăng, thì lời khuyên cho việc làm quen với giao thừa không tiếng pháo hoa có lẽ không quá thừa thãi. Nhưng có lẽ, trong hoàn cảnh ấy, chúng ta tìm được trọn vẹn tết sẻ chia.
XUÂN THỌ